Hoàng Sâm - Người đội trưởng mưu lược, quyết đoán

Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ - là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, người con ưu tú của dân tộc ta. Qua nhiều cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chiến đấu và công tác, ông luôn tập trung tinh thần, trí tuệ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân giao phó.

Thiếu tướng Hoàng Sâm là “một cán bộ chính trị, quân sự song toàn, có đạo đức, có tài năng, một đảng viên ưu tú của Đảng Lao động Việt Nam, một cán bộ chỉ huy giỏi của Quân đội ta”(1) thời đại Hồ Chí Minh. Ông là người được Bác đặt cho bí danh này và cũng được Bác chọn lựa, chỉ định làm Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay.

Mưu lược, tài chỉ huy vô cùng khéo léo, quyết đoán của ông khi còn làm Đội trưởng Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được thực tiễn lịch sử khẳng định, không thể phủ nhận.

Thứ nhất, dẫn đầu và chỉ huy một đội quân 34 người, kể cả ông trong điều kiện thiếu thốn về vũ khí trang bị, đạn dược ít, khó khăn về lương thực, thực phẩm; lại hầu như chưa được huấn luyện bài bản về kỹ chiến thuật chiến đấu; chỉ sau hai ngày thành lập mà liên tiếp giành được thắng lợi trong hai trận Phai Khắt, Nà Ngần trước một đội quân được huấn luyện bài bản hơn, đông hơn, được vũ khí trang bị tốt hơn do những viên sĩ quan Pháp của quân đội nhà nghề trực tiếp chỉ huy.

Quân ta đã thắng địch bằng mưu trí, chứ không hoàn toàn dựa vào sức mạnh của vũ khí, đạn dược. Trong điều kiện thực lực quân ta chưa mạnh, vũ khí, đạn dược ít, lại phải đối mặt đánh với đội quân được huấn luyện bài bản, vũ khí trang bị hơn gấp bội mà giành được thắng lợi. Tiếp đó, dưới sự chỉ huy tài tình, khéo léo của ông, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân không chỉ duy trì, bảo tồn được thực lực mà còn không ngừng phát triển, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Xứng đáng “là đội quân đàn anh… Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”(2) đúng như kỳ vọng của Lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Vũ khí ngày đầu thành lập, Đội chỉ có 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường, 14 khẩu súng kíp. Ngoài ra, có 1 khẩu súng tiểu liên Mỹ Sub Machine-gun, 150 viên đạn, 6 quả bom lửa, 1 hộp bom nổ chậm, 5.000 đồng Đông Dương.

Điều kiện con người, vật chất chỉ có vậy; trong khi Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh là “Ra quân trận đầu nhất định phải thắng”, nên áp lực của “thành công” phụ thuộc vào tài chọn phương án tác chiến phù hợp với khả năng và sát tình thế. Ông cùng lãnh đạo Đội chọn tập kích là hình thức tác chiến chính vào hai đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Tuy nhiên, nhấn mạnh phải thật bí mật, bất ngờ.

 Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Thiếu tướng Hoàng Sâm. Ảnh tư liệu

Mưu trí của Ban Chỉ huy Đội là sử dụng trinh sát đồn Phai Khắt - một thiếu niên tên Hồng chỉ mới 12 tuổi, lợi dụng công việc mang bánh, rượu cho tên đồn trưởng, tránh cho tên đồn trưởng và đội quân đồn Phai Khắt không nghi ngờ, mất cảnh giác để nắm sát tình hình địch, ra báo cáo đúng, kịp thời với Ban Chỉ huy đội. Tài cải trang, nghi binh lừa địch của Đội cũng đạt tới nghệ thuật. Toàn Đội cải trang thành lính dõng và một số lính tập mang theo Giấy đi tuần giả do đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh máy bên Tòa soạn báo Việt Nam Độc lập chia thành ba toán xâm nhập đồn địch trót lọt, không gặp bất cứ trở ngại nào. Giấy này có dấu giả, chữ ký khéo bắt chước tới mức, quân địch không hề nghi ngờ gì.

Tuy nhiên, để bảo đảm yếu tố bí mật và thành công cho trận đánh đồn Nà Ngần, sự linh hoạt trong công tác cải trang đã được chỉ huy Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đổi khác nhanh chóng. Ba du kích quân đóng giả người Dao bị quân du kích bắt được, trói giải lên đồn. Khi quân ta bằng giấy giả lọt được vào đồn trót lọt thì tên quản khố đỏ đã dậy sớm ngồi vào bàn làm việc, bị bắt đầu hàng, nhưng y sử dụng súng ngắn kháng cự lại và bị đồng chí Thu Sơn dùng tiểu liên tiêu diệt, bốn tên lính kháng cự cũng bị quân ta tiêu diệt bằng sáu viên đạn súng trường. Phương thức tác chiến của Đội khi đánh đồn Nà Ngần vẫn là cải trang thành lính địch đi tuần, tập kích bất ngờ, binh vận, dụ hàng, chỉ diệt địch khi cần. Nếu ở Phai Khắt, quân ta chỉ bất ngờ nổ súng diệt viên sĩ quan đồn trưởng Pháp, thì ở Nà Ngần, tình thế đã buộc quân ta phải nổ súng diệt một tên sĩ quan và bốn lính kháng cự. Trận đánh đồn Nà Ngần diễn ra vẻn vẹn trong dăm phút. Toàn Đội rút lui an toàn. Hàng binh địch xin trở về quê hương làm ăn được trợ cấp lộ phí.

Nhờ mưu trí tổ chức trinh sát mục tiêu và cải trang lừa địch hiệu quả; công tác chuẩn bị khoa học, chu đáo, chặt chẽ đã tạo cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thế tiến công địch hoàn toàn bất ngờ để đột nhập đồn, diệt địch, thu vũ khí. Tiểu đội trưởng Thu Sơn mặc bộ kaki lính tập, xách tiểu liên đi đầu, đưa “giấy đi tuần”. Một tiểu đội đi theo tiến thẳng vào kho súng. Tiểu đội khác nhanh chóng tỏa ra bao vây đồn Phai Khắt. Đồng chí Thu Sơn hô tiếng Pháp “Rátsămmăng” (tập hợp). 17 lính và 1 cai tập hợp lại. Các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân chĩa súng, buộc địch đầu hàng. Trong lúc đó, tên đồn trưởng Pháp đang trên đường Nguyên Bình - Phai Khắt về đồn, bị một chiến sĩ ta nổ súng tiêu diệt. Sau khi thu chiến lợi phẩm, động viên nhân dân, Đội tổ chức rút lui an toàn. Toàn đội đã thực hiện đúng căn dặn của Lãnh tụ Hồ Chí Minh đối với Đội khi tiễn đồng chí Võ Nguyên Giáp trở về tổng Hoàng Hoa Thám để thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân: “Phải nhớ bí mật: Ta ở Đông, địch tưởng là ở Tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình” (3).

Hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần đã biểu hiện rõ nét tinh thần “Quyết chiến, quyết thắng”; mưu lược, tài chỉ huy vô cùng khéo léo, quyết đoán của Đội trưởng Hoàng Sâm; lòng yêu nước và dũng khí toàn thể đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; mở đầu truyền thống đánh chắc thắng, đánh thắng trận đầu của Quân đội ta; góp phần thực hiện được phương châm “Lấy chiến thắng để tuyên truyền vũ trang. Lấy tuyên truyền vũ trang để giành chiến thắng mới” như Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ thị.

Thứ hai, Chỉ đạo, chỉ huy Đội Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân không chỉ bảo tồn được thực lực mà còn không ngừng phát triển, cùng với các đội vũ trang cách mạng khác hợp nhất trở thành Việt Nam Giải phóng quân.

Sau những trận thắng đầu tiên đó, thực dân Pháp tiếp theo là phát xít Nhật đã thực thi trăm phương ngàn kế nhằm tiêu diệt đội quân chủ lực này, nhưng đội quân chủ lực này được đồng bào các dân tộc chở che, giúp đỡ; sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự dẫn dắt, chỉ huy tài ba của Đội trưởng Hoàng Sâm tiếp tục trụ vững và không ngừng phát triển. Lực lượng Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân không còn chỉ là vài trung đội, đại đội mà đã phát triển thành nhiều đại đội.

Cuối tháng 4 năm 1945, các đơn vị Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã giải phóng hầu hết các xã, châu, huyện ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Giang. Ngày 20 tháng 4 năm 1945, cánh Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gặp Cứu quốc quân ở Bảo Lạc, Thất Khê xuống cùng đánh chiếm Văn Mịch. Ngày 1 tháng 5, tiếp tục giải phóng Bằng Mạc. Cánh quân của Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân trên đường tiến từ Bảo Lạc về Thất Khê đã tước được hàng nghìn khẩu súng (có cả súng cối, súng máy, đại bác) và rất nhiều lừa, ngựa của các đoàn quân Pháp nối nhau chạy qua biên giới Việt - Trung.

Có những bộ phận quân Pháp ngoan cố chống cự đã bị Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đánh bại, tước toàn bộ vũ khí như ở Trà Lĩnh, Mã Phục (Cao Bằng). Tiến đến đâu, các đội quân đều phối hợp với cơ sở cứu quốc địa phương tước vũ khí lính dõng, thu bằng, triện của bọn tổng lý, trừng trị bọn việt gian đầu sỏ, thành lập chính quyền nhân dân, củng cố và phát triển các hội cứu quốc, xây dựng các đội tự vệ chiến đấu và du kích để bảo vệ chính quyền cách mạng mới được thành lập.

Trước tình thế cách mạng chín muồi, ngày 15 tháng 4 năm 1945, Hội nghị quân sự Bắc Kỳ tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì, quyết định thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân cùng các tổ chức vũ trang khác, thành lập Việt Nam Giải phóng quân để cùng nhân dân tiến hành khởi nghĩa từng phần tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại Định Biên Thượng, Chợ Chu, Thái Nguyên, Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được hợp nhất với các đơn vị Cứu quốc quân thành đội chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân. Lực lượng lên tới 13 đại đội. Ở một số tỉnh, huyện cũng tổ chức nhiều trung đội, đại đội Giải phóng quân khác. Đó là một đội ngũ vũ trang được rèn luyện trong lò lửa đấu tranh cách mạng. Hầu hết đội viên Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân đã trở thành những cán bộ chỉ huy tài ba của Quân đội ta sau này.

Như vậy, do yêu cầu của bối cảnh, điều kiện cách mạng đã chín muồi, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Và dưới sự chỉ huy mưu lược, tài ba, quyết đoán của Đội trưởng Hoàng Sâm. Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã không ngừng phát triển, khẳng định vị thế của đội quân chủ lực đầu tiên và hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của Trung ương Đảng và nhân dân giao phó. Tháng 1 năm 1948, Đội trưởng Hoàng Sâm khi đó giữ chức vụ Khu trưởng Chiến khu II đã được phong hàm Thiếu tướng ngay đợt đầu tiên phong tướng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN QUYỀN (Viện Lịch sử quân sự)

(1) Lời điếu do đồng chí Song Hào, thay mặt Quân ủy Trung ương đọc, Báo Nhân Dân, số ra ngày 2-2-1969, tr.04.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.357.

(3) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Từ nhân dân mà ra, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr.135.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/hoang-sam-nguoi-doi-truong-muu-luoc-quyet-doan-799832