Mang con đi xét nghiệm ADN từ 'dấu hiệu lạ' sau buổi họp lớp của vợ

Thấy vợ thường xuyên nhắn tin cho bạn trai cũ học cùng cấp 3, anh Hải (Hà Nội) nảy sinh nghi ngờ. Anh quyết định xét nghiệm ADN của mình và con trai.

Nghi ngờ sau buổi họp lớp

Tại một trung tâm xét nghiệm ADN ở Ba Đình, Hà Nội, người đàn ông tên Hải (31 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) đến xin đăng ký làm giám định ADN của anh và đứa con trai 3 tuổi.

Anh Hải kể, từ ngày đi họp lớp về, vợ anh thường xuyên nhắn tin với bạn trai cũ học cùng cấp 3. Anh Hải theo dõi nhưng không phải hiện bất thường. Tuy nhiên, nhìn đứa con càng lớn càng không giống mình, anh luôn nghi ngờ về huyết thống. Anh Hải bí mật đi làm xét nghiệm ADN. Kết quả, hai cha con không cùng dòng máu.

Sau đó, anh Hải đi xét nghiệm thêm 2 nơi khác nhưng kết quả đều giống nhau. Âu yếm, ôm ấp con từ bé nên anh Hải chưa thể đối diện với sự thật và thương đứa trẻ nhiều hơn.

Thấy người đàn ông khao khát cậu bé 3 tuổi là con ruột của mình, các giám định viên chỉ động viên anh Hải “công dưỡng dục còn quý hơn cả máu mủ”. Sau vài phút trầm tư, anh Hải bất ngờ xé tờ giấy kết quả xét nghiệm ADN bỏ vào thùng rác rồi ra về.

Đến chiều tối, anh liên hệ với giám định viên hỏi về việc hủy kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, giám định viên cho biết hồ sơ đăng ký của anh không thể hủy nhưng sẽ được lưu giữ bí mật.

Giám định viên phân tích ADN tại Viện Pháp y Quốc gia. Ảnh: P.V.

Giám định viên phân tích ADN tại Viện Pháp y Quốc gia. Ảnh: P.V.

Hơn 5 năm trước, Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhự - Viện trưởng Viện Pháp Y quốc gia (Hà Nội) nhận được đề nghị của người thanh niên từ miền núi xuống xin làm giám định ADN hai cha con. Khi có kết quả, anh ngất xỉu tại phòng nhận hồ sơ. 15 phút sau, anh mới tỉnh, trấn tĩnh lại rồi khóc.

Gần đây, vợ anh bỗng dưng đòi ly hôn. Là người đàn ông yêu thương gia đình, anh không hiểu vì sao bị vợ bỏ. Anh bắt đầu tìm hiểu các mối quan hệ của vợ và phát hiện trước đám cưới, vợ từng qua lại với người yêu cũ. Khi biết đứa trẻ không phải con mình, anh ôm con khóc vì sợ mất con.

Trường hợp gia đình bà Kính (Tây Hồ, Hà Nội) ngược lại với hai hoàn cảnh trên. Con trai của bà Kính luôn chì chiết vợ không chung thủy. Anh ta khẳng định đứa con gái gần 3 tuổi không phải con mình. Tuy nhiên, khi mẹ cho tiền làm xét nghiệm ADN, anh ta không đi.

Bà Kính liền nhổ tóc con trai, tự bế cháu nội đi làm xét nghiệm ADN. Kết quả xác nhận đứa trẻ cùng huyết thống với gia đình. Biết chuyện, cô con dâu kiên quyết đòi ly hôn vì chồng không tin tưởng, xúc phạm danh dự. Bà Kính khóc lóc gọi cho giám định viên than thở vì xét nghiệm ADN đã khiến gia đình con tan nát. Bà tưởng rằng kết quả "cùng huyết thống" gỡ bỏ mọi nghi ngờ nhưng đó lại là tờ giấy quyết định gây ra đổ vỡ hôn nhân của con trai.

ADN phơi bày nhiều góc khuất

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhự, những góc khuất đằng sau tờ kết quả giám định ADN vẫn xảy ra hằng ngày. Số lượng đăng ký giám định ADN cá nhân tăng lên rõ rệt với nhiều lý do, chủ yếu là xét nghiệm huyết thống cha - con. Có rất nhiều trường hợp trớ trêu và ADN tháo gỡ những rắc rối đó.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân đi làm giám định ADN như nghi ngờ đứa trẻ không phải là con của mình, tìm con thất lạc, danh tính hài cốt liệt sĩ.

Khi biết sự thật, có người đề nghị thay đổi kết quả. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nhự cho rằng giám định ADN là khoa học khách quan, chính xác. Các giám định viên phải làm đúng theo pháp luật nên không thể sửa chữa được kết quả.

Phó giáo sư Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng mỗi người có một quan điểm để giải quyết nghi ngờ của mình, dịch vụ ADN nở rộ theo xu hướng như các quốc gia khác. Thực tế, chưa có quốc gia nào cấm hoặc hạn chế giám định ADN tìm huyết thống. Nếu chúng ta cấm sẽ có nhiều hình thức biến tướng xảy ra.

Tại Việt Nam, từ khi dịch vụ xét nghiệm ADN xuất hiện, rất nhiều mối nghi ngờ được giải tỏa, nỗi oan được xóa bỏ. Một số người đổ lỗi cho ADN là ngòi thuốc nổ phá vỡ hôn nhân, nhưng Phó giáo sư Dũng cho rằng khi các cặp vợ chồng nghi ngờ và không còn toàn tâm toàn ý cho nhau, kết quả giám định ADN chỉ là thủ tục cuối cùng dẫn tới ly hôn.

Việc giám định là nhu cầu và quan điểm cá nhân riêng của mỗi người. Các chuyên gia đều hy vọng người lớn có cách ứng xử văn minh, nhân văn để đứa trẻ ít bị ảnh hưởng nhất.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/su-that-ve-dua-con-trai-3-tuoi-sau-buoi-hop-lop-cua-vo-2205398.html