Mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số
Nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các cấp Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh triển khai Dự án 8: 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em', trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719). Từ đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Từ mục tiêu tổng quát của Dự án 8, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới đến hội viên và nhân dân. Trong đó, các cấp hội thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền như: lồng ghép trong sinh hoạt chi hội, phát tờ rơi, xây dựng phóng sự, tọa đàm, hội thi, qua mạng xã hội… Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội đã tuyên truyền, lồng ghép về bình đẳng giới được trên 10.000 cuộc cho trên 500 nghìn lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền về: Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; vai trò của phụ nữ trên các lĩnh vực…
Tiêu biểu như tại huyện Bình Gia, những năm qua, hội LHPN các cấp trong huyện đã tăng cường tổ chức các hội nghị đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản với sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ. Bà Phạm Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Gia chia sẻ, thực hiện Dự án 8, từ năm 2021 đến nay chúng tôi đều tổ chức tuyên truyền bình đẳng giới dưới nhiều hình thức như: phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép trong sinh hoạt hội, nói chuyện chuyên đề… Đặc biệt, hằng năm có các hoạt động truyền thông lớn cấp huyện hưởng ứng tháng cao điểm hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia. Trước các buổi tuyên truyền, chúng tôi tiến hành khảo sát, lựa chọn vấn đề cốt lõi, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, tập trung tuyên truyền thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại đối với phụ nữ, trẻ em.
Còn tại huyện Hữu Lũng, thực hiện Dự án 8, Hội LHPN xã Thanh Sơn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành lập 3 tổ truyền thông cộng đồng tại 3 thôn: Thống Nhất, Điển Trên và Điển Dưới nhằm tuyên truyền cho người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân cũng như xóa bỏ định kiến về giới, tập tục, thói quen có hại cho phụ nữ, trẻ em trên địa bàn. Để bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, bên cạnh việc thành lập các tổ truyền thông cộng đồng, Hội LHPN xã đã chú trọng tổ chức các cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với phụ nữ trên địa bàn xã.
Bà Dương Thị Ninh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Sơn cho biết: toàn xã hiện có 743 hộ, với 3.376 nhân khẩu, trong đó hơn 90% là đồng bào DTTS. Việc thành lập các tổ truyền thông cộng đồng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các tổ truyền thông cộng đồng giúp người dân hiểu thêm những kiến thức về bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em... để người dân thực hiện tốt hơn các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và trẻ em”.
Theo đánh giá của Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn, qua gần 4 năm thực hiện Dự án 8 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em DTTS trên địa bàn tỉnh. Các mục tiêu và nội dung của Dự án 8 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu so với kế hoạch. Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội duy trì và thành lập các mô hình theo chỉ tiêu đến năm 2025. Trong đó có mô hình mới như thành lập tổ tiết kiệm vay vốn thôn bản; hỗ trợ tổ, nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường; tổ chức các đợt đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản tại các địa bàn đặc biệt khó khăn; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ DTTS cấp huyện, xã… Từ đó phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Dự án 8 giai đoạn 2021 – 2025.