Mang lại nhiều thuận tiện cho công dân

Luật Cư trú năm 2020 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021. Theo đó, công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến cư trú như: Đăng ký thường trú, tạm trú, tách sổ hộ khẩu... thì chỉ cần căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân.

Điều này tạo thuận lợi cho người dân về giấy tờ, chi phí, thời gian... Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn xung quanh vấn đề dừng cấp mới, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) về vấn đề trên.

 Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên.

Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, việc cắt và nhập hộ khẩu, đăng ký thường trú và tạm trú sẽ được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Luật Cư trú năm 2020 đã thay thế việc đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú theo sổ hộ khẩu, sổ tạm trú bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Thông qua việc thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú như: Đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, điều chỉnh thông tin về cư trú trong cơ sở dữ liệu (CSDL) về cư trú thông tin của công dân sẽ được cập nhật, bổ sung vào CSDL về cư trú, CSDL quốc gia về dân cư. Để thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, công dân có thể nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú hoặc trực tiếp tới trụ sở công an xã, phường, thị trấn; công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi không có đơn vị hành chính cấp xã để đăng ký cư trú.

PV: Thưa đồng chí, việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân sẽ mang lại những thuận lợi gì cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Số định danh cá nhân được ra đời sau khi thông tin về công dân được thu thập vào hệ thống một cách đồng bộ, thống nhất. Số định danh cá nhân được xác lập từ CSDL quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư và các CSDL chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Sử dụng số định danh cá nhân và tra cứu thông tin trong CSDL khi giải quyết các TTHC sẽ thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và thời gian đi lại của nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch của cơ quan quản lý nhà nước; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

PV: Có ý kiến băn khoăn về việc lộ, lọt thông tin cá nhân trong quá trình khai thác thông tin về công dân trong CSDL quốc gia về dân cư. Đồng chí cho biết, việc bảo mật thông tin được thực hiện như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì công dân có quyền được bảo đảm bí mật cá nhân, gia đình và trách nhiệm của cơ quan quản lý phải bảo đảm an toàn, bí mật thông tin cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư. Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai, đầu tư xây dựng, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng, đường truyền riêng thông suốt từ Trung ương đến địa phương, có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành liên quan. Hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, do vậy bảo đảm thông tin của công dân được an toàn, bảo mật tuyệt đối.

Việc quản lý, sử dụng thông tin cá nhân của công dân được thực hiện theo đúng quy định về việc bảo mật thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng thông tin công dân đều phải được sự đồng ý của chủ thể thông tin trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có người khai thác, lợi dụng thông tin cá nhân không đúng quy định thì tùy mức độ vi phạm bị xử phạt theo quy định của pháp luật (xử phạt hành chính hoặc truy tố hình sự).

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở Công an phường Tân Quang (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: THU THỦY.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở Công an phường Tân Quang (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: THU THỦY.

PV: Sổ hộ khẩu hiện nay đang được sử dụng trong nhiều giao dịch của người dân. Vậy, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy thì mọi giao dịch trước đây của người dân sẽ như thế nào?

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên: Từ ngày 1-7-2021 Luật Cư trú có hiệu lực, Bộ Công an thay thế phương thức quản lý dân cư bằng hình thức thủ công (cấp sổ hộ khẩu) sang quản lý điện tử bằng mã số định danh cá nhân, khi đó mỗi công dân sẽ bảo đảm có số định danh cá nhân trong CSDL quốc gia về dân cư. Số định danh cá nhân sẽ là “chìa khóa” để công dân thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước mà không cần phải xuất trình sổ hộ khẩu hay các giấy tờ khác. Khi công dân thực hiện các giao dịch chỉ cần cung cấp số định danh cá nhân để chứng minh nhân thân, không phải xuất trình sổ hộ khẩu, thay thế cho việc phải xuất trình hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ công dân khi thực hiện TTHC.

Trường hợp cần thiết, công dân có thể yêu cầu cơ quan đăng ký cư trú trên địa bàn toàn quốc không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp xác nhận thông tin về cư trú hoặc gửi yêu cầu xác nhận thông tin về cư trú qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐỨC THỊNH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/mang-lai-nhieu-thuan-tien-cho-cong-dan-666828