Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng trong năm 2023
Năm 2023 Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.
Ngày 30/1/2023, Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) đã công bố bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý 4/2022 và năm tài chính 2022.
Theo báo cáo, năm 2023 Tập đoàn Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.
Trong đó, The CrownX (TCX) vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. Dự kiến, TCX đạt doanh thu thuần từ 65.000 đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022.
WinCommerce (WCM) dự kiến sẽ mang lại doanh thu thuần từ 36.000 đến 40.500 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ. WCM đặt mục tiêu mở từ 800 - 1.200 cửa hàng trong năm 2023.
Để đạt mục tiêu này, WCM sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn.
Ngoài ra, WCM sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để đầu tư vào các dịch vụ vì lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo mang đến giá cả cạnh tranh. Các sáng kiến này ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cửa hàng 5 – 10%, trên cơ sở so sánh tương đương.
Masan Consumer Holdings (MCH) cũng dự kiến mang lại doanh thu thuần từ 30.500 đến 33.500 tỷ đồng trong năm 2023, tăng 15% - 30% so với năm trước nhờ chú trọng vào hoạt động R&D.
Để đạt được mức tăng trưởng này, MCH sẽ đẩy mạnh doanh thu từ các sản phẩm mới và tập trung chinh phục các khu vực địa lý chưa đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân tại nhà dự kiến sẽ là động lực tăng trưởng chính cho MCH, đóng góp xấp xỉ 2/3 tổng tăng trưởng doanh thu trong năm 2023.
Đây là chiến lược của MCH nhằm nắm giữ thị phần lớn hơn ở các ngành hàng có thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhưng MCH có mức độ thâm nhập chưa cao như ngành gia vị, nhằm duy trì mức tăng trưởng hàng năm 20% trong vòng vài năm tới. Trong quý 4/2022, MCH đã tái tổ chức nhằm phát triển một mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng.
Trong khi đó, Phúc Long Heritage (PLH) dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.
Một nhân tố khác giúp thúc đẩy doanh thu là Phúc Long cũng sẽ bắt đầu tích hợp chương trình khách hàng thân thiết vào chương trình Hội viên WIN của Masan, mang đến cho các khách hàng nhiều lợi ích hơn khi thường xuyên thưởng thức Phúc Long.
Để chuẩn bị cho việc mở rộng ra thị trường quốc tế trong năm 2024/2025, CEO mới của Phúc Long sẽ phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế bắt đầu từ năm nay.
Bên cạnh đó, Masan MEATLife (MML) dự kiến đạt doanh thu thuần từ 8.500 đến 9.000 tỷ đồng, tăng 78% đến 88% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến, và việc tăng cường năng lực phân phối qua kênh WCM.
Lợi nhuận dự kiến sẽ được cải thiện nhờ tỷ lệ sử dụng cao hơn, doanh số bán thịt chế biến tăng, và việc kiểm soát chi phí mạnh mẽ hơn nữa. Công ty cũng sẽ tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa chi phí hậu cần và bán hàng gián tiếp trong năm 2023.
Ngoài ra, MHT dự kiến đạt doanh thu thuần từ 16.500 đến 18.200 tỷ đồng, tăng 6% đến 17% so với cùng kỳ năm trước. Các sáng kiến chủ chốt sẽ là tập trung tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và không ngừng chuẩn bị cho hoạt động tái chế phế liệu vonfram và chất thải đen. MHT cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội bán lượng đồng tồn kho ở thị trường trong nước và quốc tế.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Năm 2022, chúng tôi củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng WIN. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống.
Nếu thực hiện được điều này, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn Masan bởi những trải nghiệm mua sắm độc đáo và chi phí tiết kiệm ít nhất 5% cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hằng ngày. Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn"./.