'Màu tím' - tác phẩm đặc sắc về đấu tranh cho nữ quyền

Đề cập tới những tác phẩm văn học xuất sắc trên thế giới viết về nội dung đấu tranh, bảo vệ nữ quyền trong vài thập niên gần đây, không mấy ai lại không nói đến tiểu thuyết “Màu tím” (nguyên bản tiếng Anh là “The Color Purple”) của nữ nhà văn Mỹ Alice Walker. Đó là tác phẩm mà ngay lần đầu tiên xuất bản (năm 1982) đã được thế giới đánh giá khá cao, đến năm 1983, cùng với giải thưởng Pulitzer danh giá của Mỹ, cuốn sách tiếp tục được nhận Giải thưởng Sách quốc gia của nước này về tiểu thuyết. Chưa hết, 2 năm tiếp theo, đạo diễn Steven Spielberg chuyển thể sách thành phim điện ảnh, và bộ phim đã nhận được đề cử 11 giải Oscar. BBC News từng nhận xét, tiểu thuyết “Màu tím” là “một trong những tác phẩm có tầm ảnh hưởng nhất mọi thời đại”; còn báo San Francisco Chronicle khẳng định: “Tác phẩm này sẽ mãi mãi quan trọng, dù ở thời đại hay đất nước nào". Tại nước ta, đến tháng 2-2024, “Màu tím” mới được Nhà xuất bản Phụ Nữ xuất bản qua bản dịch tiếng Việt của dịch giả Trần Nguyên. Tuy muộn nhưng tác phẩm nhanh chóng được bạn đọc khắp nơi trong nước đón nhận vì sự hấp dẫn của nó.

" hideclass src="https://baokhanhhoa.vn/file/e7837c02857c8ca30185a8c39b582c03/102024/z5836839974386_ea7a656750e4752819ed2e9ba9ac8f73_20241003190007.jpg">

Nhân vật chính của tiểu thuyết “Màu tím” là cô bé da màu Celie (người gốc Phi sống ở Mỹ). Năm 14 tuổi, khi mẹ bị bệnh phải đi chữa ở xa, cô bị cha dượng là Alphonso bạo hành và xâm hại, để rồi còn bé mà đã 2 lần mang thai, sinh con. Chưa hết, người cha dượng còn nói dối rằng 2 đứa trẻ đã chết và lén mang chúng đi xa, rồi một ngày kia hắn còn lừa lọc, gả cô cho một người đàn ông góa vợ tên là Albert, một kẻ cũng đầy thô lỗ và hung hãn. Có thể nói, bị mắng nhiếc, sỉ nhục, đánh đập, xâm hại tình dục…, cuộc đời Celie nối tiếp những khổ đau và bất hạnh. Vì quan niệm phải cam chịu số phận dành cho mình nên Celie cắn răng chịu đựng. Cho tới một ngày tiếp xúc, thân thiết với Shug Avery, một cô ca sĩ là nhân tình của chồng mình, cô gái người da màu đã thức tỉnh, có cái nhìn mới về cuộc đời và dũng cảm đấu tranh chống lại cái ác, cái xấu.

Được kết cấu dưới hình thức những lá thư của Celie gửi cho Chúa, cũng như những lá thư qua lại giữa mình và em gái là Nettie, nhưng nội dung tiểu thuyết “Màu tím” khá sinh động với một bức tranh phản ánh rộng lớn. Đặc biệt, cuốn sách đã thẳng thắn lật lại những vấn đề vẫn thường được người ta giấu nhẹm để không làm ảnh hưởng tới những ngộ nhận và giáo điều xưa cũ, trong đó có cả sự chất vấn tôn giáo, phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng xã hội, lạm dụng và xâm hại tình dục… Không những vạch trần khía cạnh phi văn minh của con người, cuốn sách còn gửi đến người đọc thông điệp: Không bao giờ là quá muộn để thay đổi, trong đó có việc chống bạo hành và xâm hại phụ nữ, trẻ em.

Tuy “Màu tím” của Alice Walker được dịch và giới thiệu ở nước ta có muộn so với nhiều nước trên thế giới, nhưng ngoài việc được tiếp cận một tác phẩm văn học nổi tiếng, những nội dung cuốn sách mang lại sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn và có trách nhiệm góp phần vào công tác đấu tranh bảo vệ nữ quyền nói chung, công tác đấu tranh ngăn chặn tệ nạn bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em nói riêng.

HẢI NHƯ

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202410/mau-tim-tac-pham-dac-sac-ve-dau-tranh-cho-nu-quyen-ca65a88/