Máy tính hư, sách vở ướt hết, lấy chi mà học?
Cô Phạm Thị Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thanh, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị nói rằng chỉ trong một tuần mà đã sút 3 kí lô gam vì lo lắng.
Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị
“Mỗi năm nhà trường tiết kiệm một ít để trang bị máy tính cho học sinh, cho bộ phận văn phòng thì nay đã bị nước lũ làm hư hỏng hết. Bây chừ, biết lấy chi cho học sinh học? Lấy chi cho bộ phận văn phòng làm việc?”.
Thầy Trương Đức Thi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị buồn rầu cho biết.
Thầy Thi nói, trường có 3 điểm trường lẻ. Đợt lụt này nước dâng cao nên toàn bộ máy tính của nhà trường (trên 10 cái) bị ngập nước và hư hỏng hết. Sách vở của giáo viên, của học sinh ở thư viện, ở lớp học cũng bị ngập nước nên khó có thể dùng lại.
Một số cuốn sách có thể phơi lại và dùng tạm nhưng vở mà bị thấm nước coi như bỏ đi. Trường học ngập lụt, nhà nhiều em học sinh ở trường cũng nằm trong rốn lũ nên sách vở, bút viết cũng không còn.
Cái thiếu nhất bây chừ là các em phải có sách vở để học, có máy tính để làm việc và thực hành. Học Tin học mà học chay thì sao học được? Thế nên khi nghe chúng tôi hỏi: “Ước mong lúc này của thầy là gì?” Thầy hiệu trưởng nói ngay: “Nếu được, chúng tôi muốn xin ít bộ máy tính và sách vở cho học sinh”.
Trường Tiểu học Đông Thanh, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
Cô Hiệu trưởngTrường Tiểu học Đông Thanh, Đông Hà, tỉnh Quảng Trị Phạm Thị Thanh Bình cho chúng tôi biết, ngôi trường của cô bị ảnh hưởng nặng nề trong trận lụt vừa qua. Nước lên cao 1 mét 50, nên sách vở, tài liệu và dàn máy tính, bộ loa nhà trường mới mua dùng để cho học sinh hoạt động ngoài giờ cũng bị hư hỏng hết.
Ngoài ra, toàn bộ chiếu để học sinh nằm ngủ trưa không còn dùng được một cái nào. Đặc biệt là nhiều bộ bàn ghế do đóng bằng ván ép nay bị ngâm trong nước nhiều ngày cũng phồng rộp, bong tróc hết không thể sửa chữa được.
Cô Bình cho biết, thiệt hại nhiều như thế cũng phải cố gắng khắc phục để duy trì tốt việc dạy và học của nhà trường. Gần 1 tuần nay, giáo viên nhà trường phải gác việc nhà (gia đình các thầy cô cũng ngập nước) để lên trường kéo bùn, dọn dẹp sách vở, bàn ghế, lau rửa trường lớp để chuẩn bị đón học sinh.
Cô hiệu trưởng đã phải nhờ thêm đồng nghiệp trường bạn, công an thành phố, công an, dân quân phường phụ giúp vì gần như 100% phụ huynh của trường cũng đang lo việc nhà nên không thể hỗ trợ.
“Ba chỉ nghèo mà không đói, con đi cứu đói đã”
Tôi đã sút 3 ký vì lo lắng
Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Bình nói rằng chỉ trong một tuần mà đã sút 3 kí lô gam vì lo lắng.
Là người đứng đầu trường học với hơn 400 học sinh và 25 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, ngoài việc lo cho đời sống của các đồng nghiệp trong trường sao cho nhanh chóng ổn định để các thầy cô chuyên tâm vào giảng dạy.
Nỗi lo lớn nhất lúc này là khắc phục hậu quả để tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập và sinh hoạt.
Thế nhưng, đâu phải chuyện gì nỗ lực cũng có thể khắc phục? Ví như nhà trường có thể mua nợ chiếu để có cái cho học sinh nằm nghỉ trưa, đến trường bạn mượn bàn ghế về cho học sinh ngồi tạm để học. Hay khuyến khích, động viên hai ba em trong lớp học chung một bộ sách.
Còn như việc mua lại dàn máy vi tính để cho các em học Tin, cho bộ phận văn phòng làm việc thì ngoài khả năng. Bởi chi phí cho việc mua sắm này vượt quá khả năng tài chính của nhà trường.
Viết lên câu chuyện này, để cộng đồng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của thầy và trò nơi vùng lũ lụt.
Đồng thời, những nhà hảo tâm nào muốn tài trợ sách vở, máy tính, loa đài cho các trường học đã bị thiệt hại nặng trong trận lũ thiên tai vừa qua, có thể liên hệ trực tiếp với thầy Hiệu trưởng Trương Đức Thi, Trường Tiểu học-Trung học cơ sở Gio Quang, huyện Gio Linh (số điện thoại 0915008479).
Và cô Hiệu trưởng Phạm Thị Thanh Bình Trường Tiểu học Đông Thanh, Đông Hà (số điện thoại 091 5063036).
Xin chân thành cảm ơn!