Mẹ đơn thân Trung Quốc bị bỏ rơi trong chính sách đẻ 3 con
Không ít bà mẹ đơn thân đang đối mặt với sự kỳ thị của xã hội khi sinh con một mình. Nhiều người hy vọng chính sách mới sẽ phần nào bảo vệ các lợi ích mà họ xứng đáng được nhận.
Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã liên tục điều chỉnh chính sách kế hoạch hóa gia đình để cứu vãn tình trạng tỷ lệ sinh “rơi tự do”.
Bước ngoặt đầu tiên là vào năm 2015 khi xứ tỷ dân chính thức cho phép tất cả cặp vợ chồng sinh con thứ hai. Nhưng sự bùng nổ trẻ sơ sinh sau đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, theo Sixth Tone.
Năm nay, các nhà hoạch định tiếp tục thông báo người dân có thể sinh tối đa 3 con và thực hiện một số cải cách lớn nhằm tối ưu hóa chính sách sinh đẻ, thúc đẩy sự phát triển dân số dài hạn.
Điều này đã thu hút sự quan tâm và tạo nên làn sóng dư luận hai chiều ở Trung Quốc. Thế nhưng, ít ai nhận ra có một nhóm bị bỏ ngoài các cuộc tranh luận, đó là những bà mẹ đơn thân (single mom).
Nhiều người đang nuôi con một mình hy vọng chính sách mới sẽ bảo vệ quyền và lợi ích của họ tốt hơn.
Khó khăn của mẹ đơn thân
Trên thực tế, một số tỉnh thành coi việc sinh con ngoài giá thú là vi phạm kế hoạch hóa gia đình.
Nhiều bà mẹ đơn thân và con cái của họ đã phải chịu đựng các áp lực khác nhau. Ví dụ, không ít người gặp khó khăn trong việc đăng ký hộ khẩu, nhập học cho con hoặc là mục tiêu bị chỉ trích.
Năm 2002, giới chức tỉnh Cát Lâm đã sửa đổi quy định về dân số và kế hoạch hóa gia đình của địa phương để cho phép phụ nữ trong độ tuổi kết hôn nhưng chưa muốn lập gia đình có thể mang thai thông qua công nghệ hỗ trợ sinh sản của pháp luật.
Mặc dù điều khoản này dường như khẳng định quyền sinh đẻ của phụ nữ độc thân, nó vẫn áp đặt các điều kiện nghiêm ngặt đối với họ. Vì thế, nhiều người đã nghi ngờ tính hợp pháp của công nghệ sinh sản dành cho “single mom” ở Trung Quốc.
Từ lâu, các "single mom" tại quốc gia đông dân nhất thế giới đã đối mặt với sự miệt thị, phán xét. Trong văn hóa Trung Quốc, hôn nhân và “sinh con đẻ cái” là sợi dây gắn bó chặt chẽ với nhau.
Năm 2004, một cuộc tranh luận lớn đã nổ ra trên diễn đàn trực tuyến Tianya về việc liệu xã hội nước này có thể chấp nhận những bà mẹ đơn thân hay không. Đại đa số người dùng nói không, chỉ có một số ít ý kiến đứng ra bênh vực họ.
Cách đây 15 năm, một cô gái đã chia tay bạn trai và sinh con một mình. Sau đó, cô lập trang blog tên là Diguazhu (Sweet Potato Pig) để ghi lại những trải nghiệm đã qua.
Bài đăng của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý rộng rãi, phần lớn là tiêu cực. Nhiều ý kiến cho rằng làm mẹ đơn thân có hại cho đứa trẻ, vì nó sẽ bị tước đi tình thương của người cha. Điều đó có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của chúng. Bất kỳ người phụ nữ nào chọn sinh con mà không có bạn đời bên cạnh đều bị cho là ích kỷ.
Một thập kỷ sau, các chính sách và thái độ của công chúng với vấn đề này đã dịu đi phần nào.
Vào năm 2016, chính phủ Trung Quốc tuyến bố những đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú vẫn đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu (hukou).
Một nhóm vận động đã tiến hành khảo sát về quyền hợp pháp của các bà mẹ đơn thân ở Trung Quốc. Trong số 2.801 người tham gia, 87% bày tỏ sự tán thành và 59% trả lời là rất ủng hộ.
Tuy nhiên, sự chấp thuận của công chúng vẫn có điều kiện. Họ cho rằng việc làm mẹ đơn thân là sự hợp tác giữa một người phụ nữ và “nửa kia” độc thân. Trên thực tế, các hoàn cảnh xung quanh việc sinh con một mình đa dạng hơn rất nhiều.
Lỗ hổng
Tuy các nhà hoạch định cố gắng đưa ra nhiều chính sách để cải thiện tỷ lệ sinh, nó vẫn tồn tại những “lỗ hổng” với nhóm người độc thân hoặc chưa kết hôn.
Ở tỉnh Quảng Đông, nơi đã loại bỏ được trở ngại lớn về thủ tục dành cho các bà mẹ đơn thân trong việc nộp đơn xin trợ cấp thai sản, chính sách mới vẫn bị cản trở bởi những chỉ thị và thực tiễn trái ngược nhau. Chẳng hạn một số quan chức địa phương liên tiếp bỏ qua đơn xin hỗ trợ của các “single mom”.
Tình trạng tương tự xảy ra ở Thượng Hải. Tháng 12/2020, Cục Nội vụ của thành phố này đã ngừng kiểm tra những người xin hưởng chế độ thai sản theo kế hoạch hóa gia đình có đáp ứng đủ yêu cầu hay không. Ngay sau đó, nhiều người đã được duyệt hồ sơ thành công mà không cần nộp giấy đăng ký kết hôn.
Tuy thông tin trên được giới truyền thông đưa tin rộng rãi, một số “single mom” vẫn bị từ chối trợ cấp.
Sự mâu thuẫn trong xã hội về việc làm mẹ đơn thân xuất phát từ các chính sách dân số đang thay đổi của Trung Quốc và giá trị truyền thống.
Việc nới lỏng các hạn chế sinh con đã tạo cơ hội cho nữ giới vượt qua những rào cản trước đây. Tuy nhiên, sức mạnh của giá trị gia đình vẫn còn mạnh mẽ. Do đó, vấn đề này đang ở thế “không được phép cũng không bị cấm”.
Ngoài làm trầm trọng thêm vấn đề hiện tại, sự im lặng của các cơ quan chức năng còn ảnh hưởng đến quyết định hôn nhân và sinh con của nhiều cá nhân.
Khi tình trạng sống thử và có con ngoài ý muốn gia tăng ở Trung Quốc, nó đã dẫn đến nguy cơ “cưới chạy bầu” hoặc phá thai.
Những đám cưới kiểu này có thể là một cách để các đôi vợ chồng tránh bị phân biệt đối xử, nhưng việc vội vàng tiến tới hôn nhân mà không chuẩn bị trước khó có thể xây dựng nền tảng lâu dài.