Mẹo đơn giản giúp đánh bay mùi hôi miệng
Trung bình, cứ 4 người thì có 1 người thường xuyên gặp vấn đề với hơi thở khó chịu từ miệng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự tự tin và giao tiếp.
Bạn có biết nguyên nhân khiến hơi thở có mùi chính là vi khuẩn sinh sôi trong miệng. Thức ăn của các vi khuẩn này là protein có trong thức ăn, dịch nhầy và máu. Chúng tạo ra những hợp chất chứa lưu huỳnh có mùi từ lưỡi và cổ họng.
Làm thế nào để xác định chính xác bạn có bị hôi miệng hay không và cách nào để lấy lại hơi thở thơm mát?
Nếu hơi thở của bạn thường xuyên có mùi cho dù đã đánh răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì đây còn là triệu chứng của một số bệnh lý như ợ nóng, trào ngược axit, trào ngược dạ dày thực quản, tiểu đường, suy thận, xơ gan, viêm họng, viêm amidan, viêm phổi, ung thư phổi…
Cách xác định hôi miệng
Nhiều người thường hà hơi thở từ miệng vào lòng bàn tay rồi kiểm tra. Nhưng cách này không thể cho kết quả chính xác. Nguyên nhân là não bộ của chúng ta được thiết kế theo cách thường bỏ qua mùi, hơi từ chính cơ thể.
Để kiểm tra liệu miệng có mùi hôi hay không, bạn cần liếm vào phần mu bàn tay, đợi nước bọt khô đi rồi ngửi để kiểm tra. Những hợp chất chứa lưu huỳnh gây hôi miệng hòa tan trong nước bọt, nên khi chúng khô, bạn sẽ có thể ngửi chúng trên làn da.
Một số loại thực phẩm có thể gây hôi miệng
Hầu như ai trong chúng ta cũng có hơi thở khó chịu từ miệng sau khi ăn một số thực phẩm như tỏi, hành. Các sản phẩm từ bơ sữa như sữa, pho mát cũng có thể gây hôi miệng, vì chúng chứa những loại protein mà các vi khuẩn ưa thích. Chế độ ăn nhiều thịt cá cũng có thể gây hôi miệng.
Một số loại rau như cải bắp, súp lơ cũng có thể gây hôi miệng do chứa nhiều hợp chất lưu huỳnh có mùi. Các thực phẩm có nhiều đường và axit như giấm, trái cây họ cam chanh cũng có thể đẩy nhanh tốc độ sinh sôi của vi khuẩn trong miệng.
Những thói quen giúp hơi thở thơm tho
- Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày: Bạn có thể đánh răng sau khi ăn những thực phẩm nhiều khả năng gây hôi miệng đã liệt kê ở trên. Vệ sinh lưỡi, đặc biệt là mặt trên của lưỡi để loại bỏ vi khuẩn.
- Loại bỏ thức ăn thừa giữa các kẽ răng: Các mảng thức ăn thừa sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và hình thành các hợp chất chứa lưu huỳnh gây hôi miệng. Bạn có thể sử dụng chỉ nha khoa hoặc đánh răng để loại bỏ thức ăn thừa.
- Uống nhiều nước: Miệng khô là một nguyên nhân chính gây ra hơi thở có mùi hôi. Nước bọt là cách tự nhiên để giữ hơi thở thơm mát vì nó có tác dụng rửa trôi vi khuẩn, tế bào chết tích tụ trong khoang miệng. Mỗi ngày, cơ thể tiêu tốn khoảng nửa lít nước bọt qua việc ăn uống và trò chuyện, do đó, bạn cần bổ sung bằng cách uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, có thể chia nhỏ uống nhiều lần trong ngày. Hãy hạn chế lượng rượu bia, đồ uống có cồn do chúng khiến miệng bị khô.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều nước và chất xơ: Bạn nên ăn những loại quả như táo, dưa, dâu, sữa chua. Những loại thực phẩm trên cấp ẩm cho miệng và giúp loại bỏ các vi khuẩn gây mùi.
- Dùng nước súc miệng không cồn: Nước súc miệng mùi bạc hà có thể che đi mùi hôi miệng trong một thời gian ngắn. Nhưng nước súc miệng có cồn chỉ làm tình hình thêm trầm trọng vì nó khiến miệng bị khô. Bạn nên sử dụng nước súc miệng không cồn và tốt hơn, chứa hợp chất tạo oxy vì vi khuẩn gây hôi miệng không thể tồn tại trong môi trường giàu oxy.
- Thay cà phê bằng trà không chứa sữa: Bạn nên uống trà xanh, trà đen hoặc trà gừng. Hợp chất gingerol gây vị cay có trong gừng kích thích sản sinh enzym phân hủy các hợp chất lưu huỳnh có mùi.
- Nhai kẹo cao su không đường: Việc nhai kẹo cao su sẽ kích thích tiết nước bọt, tránh khô miệng.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá khiến miệng bị khô và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về nướu -cả 2 nguyên nhân đều khiến hơi thở có mùi.
- Không bỏ bữa sáng: Hoạt động nhai sẽ kích thích tiết ra nước bọt, giữ hơi thở thơm mát.
Nguồn Znews: http://news.zing.vn/meo-don-gian-giup-danh-bay-mui-hoi-mieng-post902903.html