Mèo Vạc tiếp tục thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững

Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo. Vì vậy, chương trình giảm nghèo bền vững đang được các cấp, các ngành huyện Mèo Vạc tích cực triển khai thực hiện, mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn với phát triển KT – XH của địa phương.

Xuất khẩu lao động theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” góp phần tăng thu nhập, cơ hội hoát nghèo cho người dân. Trong ảnh: Các ban, ngành, đoàn thể huyện Mèo Vạc thăm nơi làm việc của công dân lao động theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Xuất khẩu lao động theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” góp phần tăng thu nhập, cơ hội hoát nghèo cho người dân. Trong ảnh: Các ban, ngành, đoàn thể huyện Mèo Vạc thăm nơi làm việc của công dân lao động theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Mèo Vạc là huyện còn nhiều khó khăn về đời sống, xã hội, phong tục lạc hậu vẫn còn ở một số vùng đồng bào thiểu số. Trước đây, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Rút kinh nghiệm, giờ đây các ban, ngành huyện Mèo Vạc đã trao “cần câu” cho người nghèo. Đúng hơn là thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, như Chương trình 30a; Chương trình 135; Dự án truyền thông và giảm nghèo thông tin; Dự án nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình giảm nghèo… phù hợp với từng đối tượng của địa phương.

Để thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các xã, thị trấn căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chủ trương thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo, nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đa dạng các hình thức truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp cơ sở qua tập huấn nâng cao năng lực, phổ biến chế độ, chính sách mới về giảm nghèo cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, gặp mặt, biểu dương các tấm gương tiêu biểu cho nhân dân nắm bắt được chủ trương, chính sách giảm nghèo để tự giác thực hiện.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm huyện Mèo Vạc đã giải ngân và thanh toán 6 công trình cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí trên 42 tỷ đồng; hỗ trợ 18 dự án về phát triển sản xuất đa dạng sinh kế và nhân rộng 4 mô hình giảm nghèo với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ trên 400 triệu đồng cho 387 lao động làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh, 118 lao động đi làm việc theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới”… thông qua Chương trình 30a. Trong Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đã thanh toán 4 công trình với kinh phí gần 3 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 5 tỷ đồng. Trên 600 triệu đồng cho Dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin. Trên 90 triệu đồng cho Dự án nâng cao năng lực giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 906 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi trên 45 tỷ đồng. Hỗ trợ đào tạo nghề cho trên 1.500 lao động. Đồng thời, có chính sách cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội như dịch vụ y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hỗ trợ cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh, tiếp cận thông tin…

Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: Để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo năm 2019, trong đó, giảm 945 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 6% so với đầu năm và hạn chế mức thấp nhất tình tạng tái nghèo cũng như phát sinh nghèo mới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, của tỉnh, huyện về công tác giảm nghèo; đẩy mạnh đa dạng hóa nội dung tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững nhằm nâng cao nhận thức cho người nghèo để người nghèo hiểu được trách nhiệm của mình vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo; vận động và kêu gọi các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hỗ trợ huyện tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ liên kết phát tiển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí, nhận lao động nghèo vào làm việc để tăng thu nhập cho hộ nghèo góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững…

Để giảm nghèo bên vững, ngoài sự vào cuộc của chính quyền các cấp thì mỗi người dân hãy cùng nhau vượt lên chính mình. Như vậy, các chính sách của Đảng và Nhà nước mới thật sự đem lại hiệu quả, việc giảm nghèo mới thật sự bền vững.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201909/meo-vac-tiep-tuc-thuc-hien-cac-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung-750195/