Miền đất mới cho doanh thu báo chí
Việc đưa các nội dung báo chí lên các nền tảng số để khai thác sẽ giúp các tòa soạn tiếp cận nhiều độc giả hơn và đa dạng hóa nguồn thu.
Tăng doanh thu trên nền tảng số
Một trong những thách thức đặt ra cho báo chí hiện nay, đó là làm sao để đa dạng hóa nguồn thu, trong bối cảnh vẫn đang trông chờ quá nhiều vào quảng cáo và luôn đối mặt với việc sụt giảm doanh thu. Trong khi các doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa phương thức quảng bá sản phẩm, bán hàng hiệu quả thay vì chỉ quảng cáo báo chí.
Để đa dạng hóa nguồn thu của mình, trong thời gian qua, một số tòa soạn báo bắt đầu tìm đến mảnh đất mới, đó là hợp tác khai thác nội dung trên các nền tảng số như Facebook, YouTube, TikTok…
Ví dụ, tháng 3/2021, Báo Người Lao Động và Công ty cổ phần Tập đoàn MCV (MCV Group) ký kết hợp tác gồm các nội dung: Hợp tác chuyển đổi số trên các nền tảng mạng xã hội; Nhận diện và phát triển thương hiệu, truyền thông trên nền tảng đa phương tiện. Về mạng xã hội, hai bên tập trung phát triển nội dung trên 3 kênh YouTube, 2 Fanpage và 3 kênh TikTok.
Theo Nhà báo Lê Cường, Phó Tổng biên tập kiêm Tổng Thư ký tòa soạn Báo Người Lao Động, với việc hợp tác này Báo Người Lao Động nhận được các lợi ích như: Được tư vấn phát triển các kênh nội dung trên mạng xã hội; Hướng dẫn kiến thức vận hành cụm kênh ban đầu cho bộ phận digital của Báo; Được bảo vệ bản quyền content (nội dung) trên các kênh; Hỗ trợ đăng ký lấy xác thực tick xanh từ các nền tảng TikTok, YouTube.
Ngoài ra, Báo Người Lao Động còn được hỗ trợ rà soát tình hình bản quyền của cụm kênh hàng ngày, đặc biệt là với kênh YouTube; Cập nhật các quy định thay đổi/bổ sung nguyên tắc cộng đồng, các thông tin mới nhất từ các nền tảng; Được hỗ trợ đăng tải livestream, chia sẻ các thông tin của Báo Người Lao Động trên các kênh trong hệ thống MCV Network để tăng hiệu quả truyền thông; Đồng thời có cơ hội tăng doanh thu khi khai thác các nội dung của báo trên các nền tảng.
“Việc hợp tác này mới chỉ tiến hành bước đầu nên chưa có sự so sánh hiệu quả về kinh tế so với trước đây. Tuy nhiên, việc phát triển các nền tảng mạng xã hội và đưa nội dung (tài nguyên có sẵn từ báo điện tử) lên môi trường số sẽ lan tỏa được thương hiệu, đồng thời phát sinh doanh thu từ các kênh mạng xã hội”, nhà báo Lê Cường tin tưởng.
Đứng ở góc độ làm nội dung, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng biên tập Báo điện tử Vietnamplus cũng nhận định, chuyển đổi số đã giúp các tòa soạn đa dạng hóa nguồn thu. Một trong những mảnh đất mới (chưa biết có màu mỡ hay không) mà báo chí có thể khai phá là mô hình “Partnership with other platforms” (tạm dịch là Hợp tác với các nền tảng số). Mô hình này được Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản Tin tức Thế giới nhắc đến lần đầu trong Báo cáo Insights năm 2022.
“Mô hình cho thấy nỗ lực của các cơ quan báo chí để thích nghi với sự thay đổi của môi trường truyền thông số cũng như tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Lợi ích của mô hình này là nhằm tiếp cận nhiều độc giả hơn thông qua các nền tảng khác, cải thiện trải nghiệm của người dùng, đa dạng hóa nội dung (chủ yếu thông qua video và podcast).
Và yếu tố quan trọng nhất là tăng doanh thu, tận dụng nguồn doanh thu từ quảng cáo kỹ thuật số trên các nền tảng lớn. Một khi Google, Facebook đã nắm tỷ lệ lớn từ quảng cáo kỹ thuật số thì việc hợp tác với các nền tảng này để chia sẻ doanh thu đó cũng không phải là một ý tưởng tồi”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật phân tích.
Tuy vậy, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật cũng chỉ rõ, mô hình này cũng đặt ra một số thách thức, trong đó có việc kiểm soát quảng cáo hiển thị trên các tảng số; hoặc có nguy cơ phụ thuộc hay tuân thủ luật chơi riêng của các nền tảng (ví dụ như vấn đề bản quyền).
Đứng ở góc độ doanh nghiệp hợp tác triển khai, ông Lê Tiên Long, Trưởng phòng Truyền thông, Công ty cổ phần Công nghệ và Truyền thông Đa phương tiện 5G cho rằng, hiện nay công chúng của báo chí và cả truyền thông tiếp cận thông tin trên nền tảng mạng xã hội là chủ yếu. Do đó, sử dụng các nền tảng mạng xã hội sẽ giống như việc báo chí có thêm “cánh tay nối dài” để đưa nội dung tiếp cận độc giả dễ dàng hơn.
Dưới góc độ quản lý báo chí, ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân luôn nhấn mạnh: “Độc giả ở đâu, Báo Nhân Dân sẽ ở đó”. Suy rộng ra, tất cả báo chí cũng phải tiếp cận độc giả, công chúng như thế. Việc sử dụng các nền tảng số chính là phục vụ mục tiêu này, đem lại lợi ích cho cả các cơ quan báo chí và độc giả. Như vậy báo chí cũng có thêm những độc giả mới trên các nền tảng khác ngoài các hạ tầng truyền thống.
Báo chí cần tự chủ trên các nền tảng số?
Theo Nhà báo Lê Cường, để đưa nội dung lên khai thác ở các nền tảng mạng xã hội, các báo nên tìm đến một đối tác MCN (mạng đa kênh) uy tín để cùng triển khai. Bởi khi đó hai bên sẽ hỗ trợ được cho nhau; đồng thời đây cũng là cách các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube, Facebook, TikTok đang làm với các MCN, Media Partner.
Về bản chất, MCN được nền tảng cung cấp các công cụ cổng bản quyền để bảo vệ bản quyền cho nội dung, công cụ phân tích dữ liệu (analytics), hỗ trợ thông báo cập nhật mới nhất của nền tảng, tăng view, tăng phân phối nội dung... Ví dụ Facebook, để bật tính năng kiếm tiền quảng cáo trong luồng, fanpage chỉ được bật khi hội đủ các điều kiện về số liệu, nội dung của nền tảng và phải tham gia vào mạng lưới Bussiness Manager (cũng tương tự như MCN của YouTube)…
Tuy nhiên ông Lê Tiên Long cũng lưu ý, việc hợp tác với đối tác hay tự khai thác nội dung trên các nền tảng số hiện nay tùy thuộc vào khả năng của từng cơ quan báo chí. Có nhiều cơ quan báo chí không chỉ mạnh về sản xuất nội dung, mà còn am hiểu và đã vận hành tốt các nền tảng mạng xã hội, hoàn toàn có thể tự làm, thậm chí còn có thể đi tư vấn cho các đơn vị bạn.
“Nếu cơ quan báo chí nào chưa quen với việc triển khai các nền tảng mạng xã hội, có thể kết hợp với các đơn vị có kinh nghiệm tư vấn, hướng dẫn cách làm, hoặc phối hợp với một công ty có năng lực để triển khai. Các công ty này không chỉ tư vấn, hướng dẫn cho các cơ quan báo chí mà còn giúp các tòa soạn bảo vệ bản quyền, xử lý các nội dung vi phạm các chính sách của nền tảng”, ông Lê Tiên Long gợi ý.
Được biết, ngoài hỗ trợ về mặt nghiệp vụ thì các công ty quản lý Network có thể giúp các cơ quan báo chí tối ưu doanh thu quảng cáo, tạo thêm nguồn thu nhập cho báo – đây cũng chính là một trong những mục tiêu quan trọng các tòa soạn hướng tới.
Chỉ khi có thêm những độc giả mới trên các nền tảng khác ngoài các hạ tầng truyền thống, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, báo chí mới tối ưu hóa được các sản phẩm, nội dung và có thêm nguồn doanh thu.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mien-dat-moi-cho-doanh-thu-bao-chi-2293459.html