Miền nghiêng lai láng

Những cuộc phô trương nghĩa khí không thấy thẹn mà chỉ thấy đầy. Người cho, người nhận và người chứng kiến đều râm ran hạnh phúc. Hóa ra nghèo giàu gì cũng có thể rạng ngời. Hóa ra quanh mình ai cũng có chút thơm tho dẫu chỉ một bông, một nụ.

Ngày Tết năm ngoái, bạn nói học trò đến nhà của một cô giáo nọ đông lắm, quà cáp lùm xùm. Tôi ngạc nhiên. Chưa tới "mùng ba Tết thầy" mà. Người bạn nói họ tranh thủ đến trước vì sợ bận không đến được. Xứ này lễ nghĩa lắm chị ơi. Nghĩa thầy trò cũng nằm trong lễ. Dẫu đói khát cũng phải tròn lễ. Thà chết chớ không mất lễ.

Đi làm ăn xa, Tết nhất giỗ chạp không tiền thì không dám về quê chơi. Không phải người quê tham lam gì vật chất. Nhưng đi làm ăn xa về tiền bạc eo hẹp, lễ nghĩa không tròn, người ở nhà cảm thấy bất an cho người tha phương đang nghèo, đang khổ; người đi xa về cảm thấy mình đem thêm lo lắng cho cha mẹ, họ hàng. Vậy đó, hoặc là không về hoặc đủ lễ mới về.

Nghe bạn kể, tôi chợt nghĩ về chữ lễ ở xứ mình. Ai cũng ngại lễ nên cứ xuề xòa “lễ ở tấm lòng”, “lễ ở cái tâm”. Nghèo, không “lễ” vẫn cứ lặn lội tìm nhau. Một bữa cơm với cái trứng vịt luộc dầm nước mắm, một trái dưa leo xắt lát, cứ thế nhai nhóc nhách, cứ thế rôm rả tâm tình nhắc về kỷ niệm. Vậy thôi mà trong lòng nhau nghe ấm, nghe thương. Bạn bè mà lễ lộc rườm rà thế nào cũng bị rầy “bày đặt tốn hao, tao đâu có cần gì thứ đó”. Người cha, người mẹ nhận lễ từ con hơi nhiều cũng thấy xót tiền, xót của.

Tôi nhớ bà mẹ của ông Hai Phiên, người đạo sĩ được cả làng yêu quý, tôn kính, ngưỡng vọng. Ông Hai không cơm dâng nước rót cho mẹ tuổi già. Ông thoát ly tất cả vòng luẩn quẩn để được tinh anh “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Ông sống nhẹ như những áng mây. Tới chỗ nào có đất cứ vun xới trồng trọt, cây ra hoa ra trái ai ăn cũng được, con gì ăn hết cũng vui.

Thời cuộc biến thiên vật đổi sao dời, ông vô sản từ cái áo manh quần đến nơi ăn chốn ở. Ngay cả miếng cơm cũng chẳng màng tích trữ. Ai cho cũng nhận, ai nhận cũng cho, chẳng chừa lại món gì. Không có gì ăn thì hái rau, hái cỏ luộc lên cũng no ấm qua ngày. Không học vị học hàm nhưng từng lời minh triết chảy vào đời không dư không thiếu. Bà mẹ ông chỉ cần ông sống có đạo kiểu vậy, cứ bình tâm mà minh triết, tìm thấy lối sáng giữa cuộc sống đầy tranh chấp, đầy oán hờn là bà mừng. Giải thoát được là phước tổ tiên cha mẹ. Ông bước ra khỏi vòng hỷ nộ ái ố, danh lợi, tình... là ông trả nghĩa sinh thành đẹp nhất. Người mẹ an lạc cho tới lúc về với ông bà.

Người ta thường kể cho hàng xóm nghe nhiều về cái nhân nghĩa của con cháu hơn là kể về cái lễ mâm cao cỗ đầy mình được tặng. Ảnh minh họa. Ảnh: Lý Phú Tại

Hầu hết mẹ cha, thầy chú xứ tôi đều chung ước mơ như vậy. Họ cho đi cả cuộc đời vì con, vì trò, chỉ mong đứa nhỏ nên người. Cái “người” mà họ hướng tới là cách sống biết nghĩa nhân, biết phước thiện và biết lối sáng tìm về. Người bề trên đúng nghĩa nhận vật chất từ bề dưới chỉ dám vui ở tấm lòng. Không dám vui ở giá trị bạc tiền. Vì khởi lòng tham quà cáp của con cháu là khởi ý niệm phản chính lời dạy của mình. Trọng vật chất là trọng phú khinh bần, tự thân bề trên thấy kỳ, thấy thẹn vì mình đang phá vỡ tấm gương mình kỳ công tạo dựng.

Người ta thường kể cho hàng xóm nghe nhiều về cái nhân nghĩa của con cháu hơn là kể về cái lễ mâm cao cỗ đầy mình được tặng. Cũng có người kể về những xa hoa mình được hưởng thụ từ lòng hiếu thảo. Nhưng, nhìn người bạn già thanh bạch xung quanh tự nhiên cũng thấy sự se sua của mình hào nhoáng rẻ tiền. Thôi thì kể về nghĩa khí, cái món mà ai cũng có thể dự phần: “Con tui mới gửi tiền về mua cho mấy bà trong xóm miễu mấy trăm ký gạo”, “Mấy tháng dịch, lương nó không bao nhiêu nhưng nó cũng nuôi mấy đứa bạn không có việc làm”.

Hồi đáp câu chuyện tình người bằng một câu chuyện tình người: “Bỏ ống âm đức có mất mát gì đâu. Mỗi tháng tui cũng dành chút tiền mua thuốc men cho chùa”. Những cuộc phô trương nghĩa khí không thấy thẹn mà chỉ thấy đầy. Người cho, người nhận và người chứng kiến đều râm ran hạnh phúc. Đời mình dẫu như cây nghịch mùa, nhánh nhóc đèo đẹt vẫn nhón lực tàn nở được một mùa thơm. Hóa ra nghèo giàu gì cũng có thể rạng ngời. Hóa ra quanh mình ai cũng có chút thơm tho dẫu chỉ một bông, một nụ.

Nơi này cái nghĩa tương trợ nó mạnh hơn cái ý nghĩ đền ơn. Bởi chữ đền ơn được biến thể qua một cách thức mới. Nợ tình không trả thẳng mà trả lòng vòng. Nhận ơn người nhưng trả ơn đời. Nhiều khi đứa học trò không mua quà tặng thầy cô nhưng sẵn sàng mua tập vở làm “từ thiện” cho bạn bè còn đang túng thiếu.

Bởi thầy cô, cha mẹ trọng gì trẻ con chăm chút cái đó. Thầy cô không biểu hiện quá sung sướng khi nhận được quà thì học trò không quá cực công bày quà cáp. Thầy cô biểu hiện sung sướng khi trò nhớ những bài học thầy cô đã dạy: “Mấy em nên người là món quà lớn lao đối với thầy cô rồi”, trò sẽ hướng tới việc “nên người”.

Nghĩ về nên người, nghĩ về nghĩa khí thì hẳn phải nghĩ về cụ Đồ Chiểu với Lục Vân Tiên, Hớn Minh và cả ở nàng Nguyệt Nga, nàng Kim Liên yếu đuối cũng đầy nghĩa cả. Một dòng chính diện nghĩa khí và đầy hoa thơm hậu vận. Nó là mơ ước của người xưa.

Ngày nay nghĩa khí không chỉ ở chỗ thấy cảnh bất bình chẳng bỏ qua mà còn ở chỗ nhận phía trên rót về phía dưới. Như dòng nước, như dòng sông cứ hồn nhiên nhận ào ạt nước của mây trời thác núi rồi quanh co, lèo lách tràn xuống những miền đất trũng thấp xa xôi. Mảnh đất đồng bằng nghiêng nghiêng phía biển, con người cũng nghiêng nghiêng về biển trời nhân ái. Tràn hoài, tràn hoài hóa ra không phải chỉ tràn qua những ao tù nước đọng mà là đang về phía tận cùng là biển. Để rồi giữa đại dương mênh mông lại được bay cao trên chuyến bay nhẹ tênh mang sứ mạng mây trời.

Một dạng thuận luật trời. Cũng tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên như luật của rừng là mạnh được yếu thua. Nó là quy luật của dòng chảy, nơi cao đổ dồn về nơi thấp. Vùng đất của quy luật cân bằng. Vùng đất thuận tự nhiên, sống được nhờ dòng chảy, hòa trong dòng chảy, làm đầy thêm dòng chảy. Giàu thì khó chớ miếng ăn để sống không khó. Chỉ cần thấy người đói thì người có hai chén cơm dễ dàng sẻ cho người kia một chén. Nhà có chục lít gạo để dành ăn nhưng thấy đói thì sẵn sàng chia cho người này một lít, người kia nửa lít. Ở phải trời thương kiếm được cái khác mấy hồi. Cho không cần báo đáp. Người cho đang mở cuộc giao dịch âm đức với phía ông trời. Là kiếp nào đó con cháu không phải đói khổ vì thiếu miếng cơm chén cháo. Người cho chỉ mong người nhận cũng học theo họ, cho những người khổ hơn mình. Vậy là hạt giống nghĩa khí được lan tỏa xa dần, rộng dần rồi trùm phủ.

Có người ái ngại cái nết hay cho của xứ mình. Tập quán đó làm cho cá biệt một số người lười, thà sống nghèo nhàn hạ không cần làm vẫn không lo đói. Thật ra sự cho trong lối sáng bao giờ cũng ẩn chứa chút suy tư. Cũng phải cân phân chắt lọc. Như lớp học nhỏ của trường tôi, những tờ giấy vẽ cũng được san sẻ. Vừa đủ xài thôi. Ai xin nhiều hơn bị kiện tụng “cô ơi bạn xin dư, là bạn tham”. Có vài bạn cũng mãi xin, xin từ hồi còn lớp một cho tới lớp năm. Nhưng chỉ cần hôm nào đó dành dụm được ít tiền, bạn mua giấy tặng lại bạn khác đã thấy ánh mắt lấp lánh hạnh phúc.

Trong cuộc đời này, ngay cả những đứa con nít tiểu học vẫn thích nhận từ người cao và cho người thấp. Niềm vui của sự cho là một niềm vui của người trên cao. Niềm vui cho nó kéo dài hơn, nó sang cả hơn niềm vui nhận. Có ai mà muốn mãi mãi hèn mọn đi xin xỏ suốt đời. Lối hèn hay lối sang đều là lựa chọn cá nhân và lối đi nào cũng có cái giá của nó. Con đường cho nhận cứ thuận chiều luân lưu ngày càng dày thêm, rộng thêm kể cũng là nét văn hóa. Cứ thế miền đất nghiêng nhẹ như không luôn vận hành đúng sứ mệnh đổ về nơi trũng nhất rồi gặp nhau ở mênh mông biển cả.

Mỗi độ cuối năm, bên cạnh chút lễ đáng có với tổ tiên ông bà cha mẹ, những chân tình lại chảy xuôi về những mảnh đời nhỏ lẻ đơn côi. Mùa xuân không nở riêng cho giới cao sang. Niềm vui cho nhận hội ngộ nhau rộn rã góc trời, rộn rã miền nghiêng nhẹ như hơi sương hơi nắng.

Võ Diệu Thanh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mien-nghieng-lai-lang-42581.html