Miền Trung - Tây Nguyên: Còn nhiều rào cản trong phát triển kinh tế
Làm thế nào để giải quyết những tồn tại, hạn chế hiện nay để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển? Đó là một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm bàn thảo tại Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2020 vùng miền Trung - Tây Nguyên do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa được tổ chức tại TP. Huế.
Chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế
Với diện tích 150 nghìn km2, dân số hơn 24 triệu người, miền Trung - Tây Nguyên được xem là vùng có vị trí chiến lược quan trọng đối với cả nước. Trong đó, miền Trung được ví như máng xối và Tây Nguyên như mái nhà trong sự gắn kết để tạo tính liên kết phát triển. Với vị trí đắc địa, miền Trung còn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng kết nối giữa hai miền Nam - Bắc.
Biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, chiều dài đường bờ biển 1.900km là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển. Miền Trung còn “là bệ đỡ, là cửa ngõ” ra biển Đông của tỉnh vùng Tây Nguyên kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Vùng có tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập rất lớn.
Trên thực tế thời gian qua, các tỉnh, thành ở khu vực này đã có những liên kết nhất định để phát triển tạo ra một cực tăng trưởng mới của Việt Nam. Các tiềm năng này đã được các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực khai thác, phát huy thế mạnh phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Trong 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn các địa phương (GRDP) bình quân cả vùng miền Trung 8,5%. 10/14 tỉnh cao hơn bình quân cả nước (cả nước 6,76%). Bình quân GRDP của Tây Nguyên 7,3% cao hơn cả nước.
Đặc biệt, ở lĩnh vực thu hút FDI, tính đến ngày 30/6/2019, tổng vốn đầu tư FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2019 của vùng này ước đạt 1,38 tỷ USD, chiếm 7,5% cả nước (cả nước 18,4 tỷ USD). Trong đó, 117 dự án cấp mới với số vốn 1,14 tỷ USD, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018; 22 dự án bổ sung số vốn 76,79 triệu USD. Địa phương thu hút nhiều nhất là Đà Nẵng với 66 dự án, 380,66 triệu USD, tiếp theo là Phú Yên với 1 dự án 216 triệu USD (điện mặt trời), Nghệ An 4 dự án với 212,8 triệu USD…
Bên cạnh kết quả đạt được, nơi đây vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: động lực tăng trưởng công nghiệp của vùng còn yếu. Trong 14 tỉnh, chỉ có 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có dự án động lực quy mô lớn. Các tỉnh còn lại tốc độ tăng trưởng công nghiệp còn thấp, chưa khai thác được thế mạnh hệ thống cảng biển, sân bay sẵn có. Một số hành lang kinh tế (Đà Nẵng - Quốc lộ 1A và hành lang Đà Nẵng - Quốc lộ 14B - 14D - Nam Giang - Đông - Tây; Dung Quất - Tây Nguyên; Quy Nhơn - Tây Nguyên) chưa phát huy sức hút lớn về công nghiệp, dịch vụ; xuất khẩu tăng cao nhưng tỷ trọng còn thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng miền Trung chỉ chiếm khoảng 4,76% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Ngoại trừ Đà Nẵng và Khánh Hòa xuất siêu, các tỉnh còn lại trong vùng chủ yếu là nhập siêu. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt kinh tế vùng. GRDP đến 2018 chỉ chiếm 6,93% GDP của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2018 là 7,3%/năm (đứng thứ 3 trong 6 vùng kinh tế của cả nước) thấp hơn bình quân vùng (7,62%). Tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2019 của 4/5 địa phương tăng trưởng thấp hơn bình quân chung của vùng và cả nước.
Thu ngân sách cũng chưa bền vững, mặc dù tăng cao nhưng số thu một lần, thu không ổn định còn chiếm tỷ lệ lớn, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa, chiếm tỷ lệ từ khoảng 22-25%. Hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư, các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi các tỉnh chưa được đầu tư mới, nâng cấp. Nguy cơ thiếu nước ngọt, nhiễm mặn, đặc biệt tại các tỉnh Nam Trung bộ, Ninh Thuận, Bình Thuận. Nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn cao.
Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp (tỷ lệ qua đào tạo có cấp chứng chỉ mới đạt khoảng 22-23%); nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động trong những năm tới do dịch chuyển dân số vùng và tỷ lệ già hóa dân số đòi hỏi phải có các giải pháp kịp thời trong thời gian tới. Tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với cả nước. Phát triển chưa đồng đều xét trên yếu tố vùng, lãnh thổ giữa các tỉnh trong vùng và nội bộ từng địa phương, ảnh hưởng tới khả năng phát triển vùng một cách đồng bộ, toàn diện.
Phát huy vị trí chiến lược
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công 2019, trên cơ sở đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2019, tập trung làm rõ những vấn đề tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai. Chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kế hoạch 2020, năm có tính chất quyết định trong việc đạt được mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong 5 năm của cả nước cũng như các địa phương; năm cuối cùng của kỳ kế hoạch 5 năm của giai đoạn 2016-2020, các địa phương trong vùng tập trung tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đầu tư công góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch 2020.
Về định hướng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kiến nghị giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nêu ra những tồn tại trong việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2019, việc giải ngân vốn đầu tư công còn rất khiêm tốn, các địa phương chỉ đạt 36,16% dự toán Quốc hội phê duyệt. Giai đoạn 2016 - 2020, lần đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nên còn nhiều vấn đề, do đó rút kinh nghiệm từ lần đầu tiên này để lên kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tốt hơn.
Theo ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện còn khó khăn về hệ thống hạ tầng; quy mô kinh tế nhỏ, chưa tự cân đối ngân sách, thu nhập bình quân đầu người thấp. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và các bộ, ban, ngành trong xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; cần có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trong huy động và phân bổ các nguồn lực cho vùng trong năm 2020, giai đoạn 2021-2025, nhằm tạo kết nối, mang tính đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nhanh và bền vững, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển với vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đánh giá cao những giải pháp, những cách làm mới, những việc làm hay, hiệu quả triển khai thành công tại các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế và triển khai kế hoạch đầu tư công trong những tháng cuối năm 2019; xây dựng phương án kế hoạch 2020, dự báo các vấn đề đột xuất, phát sinh trong triển khai kế hoạch 2020, khó khăn, vướng mắc của các tỉnh.
Đồng thời khẳng định, sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp tháo gỡ cho địa phương nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nước và mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2019 đã đề ra. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, các địa phương cần quan tâm đến các vấn đề: Lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng. Các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng.
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều sự mất cân đối trong sử dụng ngân sách. Quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công sửa đổi. Nội dung của luật này có nhiều điểm mới, đã sửa đổi, tháo gỡ, đơn giản hóa trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 khả thi hơn giai đoạn trước.