Miệt mài giữ lửa nghề truyền thống
Sinh ra và lớn lên ở miền quê có nghề truyền thống làm trống nổi tiếng khắp cả nước - làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam), anh Nguyễn Văn Minh cùng vợ con rời quê đến lập nghiệp ở khu I, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) và vẫn giữ nghề truyền thống.
Anh Nguyễn Văn Minh, chủ cơ sở sản xuất trống truyền thống Hoàng Minh, thị trấn Cao Phong (Cao Phong) giới thiệu về những chiếc trống do mình làm ra.
Đến thị trấn Cao Phong không khó để tìm được cửa hàng bán trống của anh Minh. Cửa hàng nhỏ với giàn chiêng, trống như một điểm nhấn nổi bật giữa khu phố. Người đàn ông tuổi đã ngoại tứ tuần với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo luôn miệt mài với công việc sản xuất ra những chiếc trống.
Trò chuyện với anh Minh được biết, trống Đọi Tam làm từ 2 nguyên liệu chính là gỗ mít và da trâu. Để có được một chiếc trống hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn. Chất lượng của trống tốt hay không phụ thuộc vào nguyên liệu cũng như kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ thẩm âm của người làm. Gỗ mít được lựa chọn để làm trống phải là những cây mít tốt, phơi nắng cho khô. Tiếp đến là xẻ những chiếc dăm trống. Nhờ bí quyết gia truyền, người làm trống sẽ sản xuất ra những chiếc dăm trống có kích thước đều như một để khi ghép thành thân trống không có kẽ hở. Dăm trống được ghép với nhau bằng keo dính. Da trâu để làm mặt trống lựa chọn từ những con trâu có tuổi đời khoảng 5 năm trở lên. Khi thuộc da lưu ý không được quá dày hoặc quá mỏng vì sẽ ảnh hưởng đến độ vang của trống. Da trâu phải phơi từ 12 - 20 giờ đồng hồ dưới nắng thì mặt trống mới đảm bảo bền và để được lâu. Khi thân trống được ghép hoàn chỉnh, da trâu phơi nắng đủ tiêu chuẩn đến công đoạn bưng, bịt mặt trống sao cho thật căng, mịn, tạo được đầy đủ âm trầm và bổng. Sau đó thẩm âm lại thật kỹ và chuẩn xác để trống có tiếng to, vang, trầm, bổng. Trống sau khi đã hoàn thiện, để trông bắt mắt hơn, anh Minh sơn màu đỏ, vàng hoặc vẽ hoa trang trí lên thân trống.
Hiện nay, tại cơ sở sản xuất trống truyền thống Hoàng Minh có các sản phẩm trống với đủ loại kích thước như trống lễ hội, trống lân sư rồng, trống trường học, trống của đội nhạc hiếu... Từ những chiếc trống to đường kính trên 2 m, 1 m đến những trống nhỏ có kích thước mặt trống 30 cm, cao 15 cm... Giá của mỗi chiếc trống dao động từ 300 nghìn - hơn 2 triệu đồng. Theo anh Minh, thời điểm bán trống chạy nhất vào khoảng tháng 8 mùa tựu trường, trung thu và dịp đầu xuân năm mới với nhiều lễ hội được tổ chức tại các địa phương.
Là nghề thủ công, các công đoạn làm trống (trừ xẻ dăm trống) đều phải làm bằng tay, không có sự hỗ trợ của máy móc. Dù thu nhập khá thấp nhưng nghề làm trống đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của anh Minh. Gắn bó với nghề đến nay hơn 30 năm, nhưng anh chưa từng có ý nghĩ sẽ bỏ nghề. Hàng ngày, bên cạnh công việc chính là làm vườn, anh Minh đều cố gắng dành ra một khoảng thời gian nhất định để làm trống, thỏa niềm đam mê và tâm huyết. Anh Minh chia sẻ: "Vì không phải là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày nên số lượng bán ra không đều, phụ thuộc vào từng thời điểm trong năm. Vì nhu cầu của khách hàng ngày càng ít nên số lượng và kích cỡ của trống cũng theo đó bị hạn chế”.
Hiện, khách hàng mua sản phẩm tại cơ sở sản xuất trống Hoàng Minh hầu hết là cá nhân mua lẻ nên mối quan tâm lớn nhất của anh Minh là tìm được thị trường ổn định để tiêu thụ sản phẩm.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/246/136986/miet-mai-giu-lua-nghe-truyen-thong.htm