Miếu Phú Thọ - công trình tín ngưỡng có giá trị của cộng đồng

Miếu Phú Thọ tọa lạc trong cụm dân cư ở khu phố 2, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Đây là ngôi miếu có niên đại xây dựng khá sớm vào năm 1848, cùng thời gian dựng làng, lập ấp của cộng đồng cư dân ấp Phú Thọ.

Miếu Phú Thọ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Ảnh: NHẬT KIM

Miếu Phú Thọ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Ảnh: NHẬT KIM

Lịch sử tạo lập sớm

Phường Phú Lâm có nguồn gốc là làng Hoành Lâm - một làng cổ nằm hạ lưu phía bờ nam sông Đà Rằng. Theo gia phả của các dòng họ lớn đến định cư lâu đời ở đây, thì tiền hiền làng Hoành Lâm là họ Huỳnh với vị thủy tổ là ông Huỳnh Đức Chiếu từ huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh theo đoàn quân Nam tiến vào khai khẩn vùng đất Hoành Lâm vào thế kỷ XVIII. Lúc bấy giờ, rừng rậm lan tỏa và kéo dài từ vùng ven biển đến giáp sông Đà Rằng nên người dân gọi là Hoành Lâm (rừng ngang). Ông Huỳnh Đức Chiếu đã đứng ra tổ chức cho bà con khai hoang vùng đầm lầy rừng rậm hoang vu thành ruộng đồng phì nhiêu, lập thành làng ấp.

Về sau, nhiều dòng họ khác như họ Võ, Dương, Nguyễn, Trần, Lê đến định cư cùng góp sức xây dựng làng Hoành Lâm ngày càng ổn định và trù phú. Trong số các họ đến sau có nhiều công lao kiến tạo đình, lẫm, miếu làng được tôn hậu hiền là họ Võ. Đến năm 1832, làng Hoành Lâm đổi thành Phú Lâm thuộc tổng Hòa Đa, huyện Tuy Hòa gồm 3 ấp: Phú Khương, Phú Ninh, Phú Thọ. Bên cạnh việc khai hoang đồng ruộng, người dân còn xây dựng các công trình kiến trúc đình, lẫm, miếu để phục vụ sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng tâm linh.

Ấp Phú Thọ gồm các xóm: Bến Xe, Chợ Cũ, Vườn Đình, Điện Tuyến. Tháng 12/2007, thực hiện Nghị định 175/2007/NĐ-CP của Chính phủ, phường Phú Lâm chia tách thành 3 phường, gồm: Phú Lâm, Phú Thạnh và Phú Đông. Ấp Phú Thọ thuộc khu phố 2, phường Phú Lâm. Trên địa bàn ấp Phú Thọ, năm 1848 bà con lập ngôi miếu để thờ thần Thành hoàng, các vị thần bản địa và các vị tiền hiền, hậu hiền, thổ công có nhiều đóng góp cho sự hình thành cộng đồng dân cư ở đây. Để phân biệt với các miếu được lập tại các ấp khác ở làng Phú Lâm, người dân đặt tên là miếu Phú Thọ. Lúc mới lập, miếu Phú Thọ chỉ là ngôi thảo am bằng tranh tre, vách đất. Về sau, miếu được trùng tu khang trang hơn bằng vật liệu xi măng, mái lợp ngói, kiến trúc nhà cấp 4.

Theo lời kể của các bậc cao niên, khu vực quanh miếu Phú Thọ cho đến thời điểm 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn khá nhiều cây cổ thụ mọc thành rừng. Nơi này ít người đi qua, phần vì mọi người đồn thổi sự linh thiêng của ngôi miếu nên miếu Phú Thọ khá hoang vắng, chỉ khi tiến hành cúng tế, hoặc trong ấp cần cầu cúng thần linh thì mới có người lui tới. Miếu Phú Thọ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước được cán bộ cách mạng chọn làm nơi trú ẩn khi về liên lạc, hoạt động với cơ sở cách mạng ở Phú Lâm.

Ông Phạm Xuân Luôn, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh kể lại rằng cuối năm 1974, ông từ căn cứ về hoạt động tại Phú Lâm để chuẩn bị cho việc giải phóng tỉnh Phú Yên và được cơ sở đưa về miếu Phú Thọ trú ẩn. Tại đây, ông đã phối hợp với cơ sở bàn bạc và vạch ra kế hoạch, chỉ đạo cho việc nổi dậy giải phóng huyện Tuy Hòa tháng 4/1975.

Sau năm 1975, một thời gian dài miếu Phú Thọ thiếu sự quan tâm của cộng đồng nên xuống cấp, dột nát và đổ sập vào năm 2010. Bà con ở đây thành lập ban vận động gồm các ông Phạm Xuân Luôn, Nguyễn Hữu Kim, Lương Văn Nhân, Nguyễn Đồng Khanh, Phan Văn Phụng, Đỗ Tôn Của, Nguyễn Tấn Đê, Nguyễn Ngọc Đỉnh, Dương Tấn Tài để huy động nguồn kinh phí xây dựng lại miếu. Miếu Phú Thọ từ khi tạo lập cho đến nay gần 200 năm. So với các công trình tín ngưỡng vùng đồng bằng Tuy Hòa thì đây là ngôi miếu có lịch sử tạo lập vào loại sớm.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa

Trên khu vực ngôi miếu cũ và được đổ thêm đất nâng cao nền tránh bị ngập khi mùa mưa, miếu được trùng tu xây dựng mới có kiến trúc cổ lầu, vách xây gạch, mái lợp ngói tây. Mặt tiền ngôi miếu có khắc hàng chữ Hán và chữ Việt: Miếu Phú Thọ. Trên đầu dao mái trang trí đắp nổi hoa văn và trên chóp mái đắp hai con rồng trong thế lưỡng long chầu nhật làm cho ngôi miếu trông mềm mại, cổ kính. Miếu có 2 phần: chánh điện và sân. Ngôi chánh điện có diện tích 5m x 5m, có 3 ban thờ: ban thờ Thành hoàng ở giữa khắc chữ Thần, hai bên là tả ban và hữu ban thờ các vị thần bản địa; bên trái có bàn thờ tiền, hậu hiền và thổ công. Trước mỗi ban thờ và cửa miếu có khắc các câu đối Hán Nôm với nội dung mong ước về sự thịnh vượng, yên bình, no ấm của người dân địa phương.

Án ngữ trước ngôi chánh điện qua khoảng sân rộng là bình phong có khắc nổi hình kỳ lân cách điệu, hai bên là trụ biểu có đặt con nghê bằng xi măng. Ngăn cách giữa không gian miếu với khu chợ trước mặt là cổng tam quan có khắc nổi hàng chữ Miếu Phú Thọ. Sân miếu được che mát bởi cây lộc vừng cành lá sum suê. Việc thờ phụng tại miếu được bà con trong khu phố rất coi trọng, cắt cử người lau dọn và lo việc hương đăng, hoa quả ngày đầu tháng và rằm. Hiện tại, ban quản lý miếu do ông Phạm Xuân Luôn làm trưởng ban có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động người dân khu phố gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, các hoạt động tín ngưỡng tại miếu theo quy định của pháp luật.

Miếu Phú Thọ là công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của cư dân địa phương. Trước năm 1945, việc tế lễ diễn ra 2 lần trong năm gọi là xuân kỳ thu tế. Trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, việc tế lễ bị gián đoạn. Khi miếu được trùng tu cho đến nay, việc cúng tế được khôi phục theo nghi thức truyền thống, có đọc chúc văn và tấu nhã nhạc với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong khu phố 2. Lễ tế diễn ra vào tháng 3 và tháng 8 (âm lịch). Lễ vật để dâng cúng Thành hoàng và các bậc tiền hiền, hậu hiền, thổ công là hương đăng, hoa quả và thịt heo nguyên con. Việc tế lễ tại miếu Phú Thọ được ban quản lý miếu tổ chức nhằm hướng đến việc cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi việc làm ăn của cư dân trong khu phố đều thuận lợi, may mắn. Đây cũng là dịp để bà con trong khu phố gia tăng sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Miếu Phú Thọ còn lưu giữ những phong tục thờ cúng mang tính truyền thống của cộng đồng cư dân địa phương. Với lịch sử gần 200 năm tồn tại, miếu Phú Thọ là chứng tích quan trọng trong quá trình khai hoang lập làng của cộng đồng cư dân phường Phú Lâm. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống này chính là góp phần bảo vệ di sản văn hóa, truyền thống của dân tộc.

TS ĐÀO NHẬT KIM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/321416/mieu-phu-tho-cong-trinh-tin-nguong-co-gia-tri-cua-cong-dong.html