Minh bạch giá dịch vụ y tế

Sau nhiều lần lỗi hẹn kể từ năm 2019, Bộ Y tế chính thức đưa ra Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp và dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Được kỳ vọng khắc phục tình trạng “loạn giá”, góp phần cải thiện đời sống nhân viên y tế, nâng cao chất KCB… nhưng ngay khi dự thảo được Bộ Y tế lấy ý kiến, dư luận băn khoăn về cách tính giá dịch vụ y tế cần phù hợp để góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Theo dự thảo thông tư, dịch vụ KCB theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một như: Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế..., tối đa 300.000 đồng/lần khám. Các cơ sở y tế khác tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Đáng chú ý, giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) tối đa 3 triệu đồng/ngày/phòng một giường với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một; phòng 2 giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường và phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.

Các cơ sở y tế khác tại các thành phố trực thuộc Trung ương, giá giường nằm điều trị tối đa 2 triệu đồng/ngày; các địa phương còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng một giường; giảm dần cho các loại phòng 2, 3, 4 giường.

Như vậy, giá giường nằm trong dự thảo cao hơn khoảng một triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.

Bộ Y tế khẳng định, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư, phát triển. Hiện, giá dịch vụ KCB bảo hiểm y tế (BHYT) đã lỗi thời, chưa tính đủ 7 yếu tố cấu thành giá (gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư và phát triển dịch vụ), thu không đủ bù chi nên cần điều chỉnh giá các dịch vụ kỹ thuật song hành với quy định giá khám và giường bệnh.

Xung quanh câu chuyện này, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định các mức giá khác nhau trên lý thuyết đáp ứng những nhu cầu KCB khác nhau của người dân. Tuy nhiên, giá giường bệnh theo yêu cầu 3 triệu đồng/ngày là cao so với bình quân thu nhập.

Trong khi đó, tình trạng bệnh viện quá tải lâu nay chưa khắc phục được. Điều người bệnh mong muốn là thêm bệnh viện, thêm giường bệnh để họ được thật sự là bệnh nhân, chứ không phải là quy định những đẳng cấp giường bệnh khác nhau, để lấy đi số ít ỏi giường bệnh ở bệnh viện công. Điều này sẽ tạo ra tình trạng bất công trong tiếp cận dịch vụ KCB ngay trong các bệnh viện nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia, thông tư trên nếu được chấp thuận sẽ khắc phục được những “điểm nghẽn” trong thực hiện tự chủ tại các bệnh viện công lập. Khung giá cho từng hạng bệnh viện là cơ sở để các bệnh viện tự nâng cao chất lượng dịch vụ và tay nghề đội ngũ chuyên môn đáp ứng sự lựa chọn của bệnh nhân.

Khi bệnh viện công có nguồn thu từ cung cấp dịch vụ theo yêu cầu sẽ có nguồn bù đắp cho đầu tư trang thiết bị cho hoạt động chung. Bệnh viện cũng có nguồn đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế, để họ yên tâm làm việc, phục vụ người bệnh. Khi đó, chính bệnh nhân thu nhập thấp được hưởng lợi.

Dư luận đồng tình ủng hộ nguyên tắc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB. Song, cách tính như thế nào cần phải được công khai, minh bạch để người bệnh nắm được. Mặt khác, quỹ BHYT phải thanh toán đủ chi phí cho các dịch vụ cơ bản, không để bệnh nhân phải trả thêm với các dịch vụ đáng ra họ được hưởng. Các cơ sở y tế kiên quyết không để xảy ra tình trạng “phân biệt đối xử” với bệnh nhân BHYT khiến họ phải lựa chọn KCB theo yêu cầu.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/minh-bach-gia-dich-vu-y-te-post457692.html