Minh bạch tiền công đức - Kỳ 1: Xóa bỏ nghi kỵ và tranh chấp lẫn nhau trong cộng đồng

Việc 'phát tâm công đức giọt dầu' là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Song, yêu cầu bức thiết phải ban hành văn bản riêng về quản lý tiền công đức nói riêng, quản lý thu - chi tài chính, tài trợ khác nói chung để nguồn tiền này được sử dụng đúng mục đích.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hướng đến minh bạch, rõ ràng

Việc “phát tâm công đức giọt dầu” là nét đẹp văn hóa từ ngàn đời nay, là thói quen của nhiều người mỗi khi tới các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng. Cùng với nhu cầu tâm linh và sự phát triển của xã hội, chùa không chỉ là nơi hành lễ mà còn là địa điểm du lịch. Vì thế tiền công đức cũng nhiều hơn.

Theo số liệu thống kê, chỉ mấy ngày khai hội, đã có hàng trăm nghìn lượt người đổ về chùa Hương, dự kiến trong 3 tháng lễ hội, số tiền thu được sẽ lên đến hàng trăm tỷ đồng; còn tại Yên Tử mỗi năm cũng đón hơn một triệu lượt khách, số tiền thu được đạt hơn 40 tỷ đồng. Đặc biệt, tại chùa Ba Vàng, số tiền ước tính cũng lên đến hàng trăm tỷ mỗi năm.

Tương tự, với tín ngưỡng dâng sao giải hạn, chùa Phúc Khánh niêm yết giá mỗi người là 150.000 đồng. Các ngôi chùa khác ở Hà Nội có mức giá dao động 150.000 - 500.000 đồng. Với mức giá và số người đăng ký dâng sao giải hạn, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến ước chừng có chùa đình đám về dâng sao giải hạn mỗi năm thu cả trăm tỷ đồng.

Với số tiền lớn như vậy nhưng ở nhiều nơi việc quản lý lại chưa minh bạch, rõ ràng khiến không ít người như chị Nguyên Thị Huệ, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội tỏ ra nghi ngờ, không biết tiền công đức sẽ đi về đâu, được sử dụng vào mục đích gì? Những băn khoăn của chị Huệ cũng như của nhiều phật tử khác cũng là điều dễ hiểu.

Chị Huệ cho rằng nếu dòng tiền đó không ai quản lý, không được chi tiêu một cách minh bạch thì rất dễ đi vào túi cá nhân, vừa lãng phí, vừa không đi đúng hướng là nguồn lực để phát triển văn hóa, tôn giáo đúng quy định.

Loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân

Trao đổi với truyền thông, bà Vũ Thị Hải Yến, Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, những năm qua, việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội còn nhiều bất cập, có xu hướng thương mại hóa và lợi dụng tổ chức lễ hội vì mục đích kinh tế. Còn để xảy ra tranh chấp ở một số di tích giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng, nhất là các Khu di tích lịch sử quốc gia, Khu di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có di tích là cơ sở tôn giáo, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo.

Việc quản lý di tích và tổ chức lễ hội trong tình hình mới, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố kinh tế thị trường, đòi hỏi các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích vật chất cần được quản lý theo hướng minh bạch, rõ ràng, loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Điển hình như vụ việc mới đây một thủ quỹ Tiểu ban di tích cụm Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội ra CQCA trình báo bị lừa mất số tiền 5,6 tỷ đồng. Đây là số tiền do Nhân dân địa phương và thập phương công đức nhiều năm nay. Điều đáng nói là cách quản lý tiền công đức thiếu chặt chẽ thể hiện ở cả việc các cột nội dung trong sổ ghi công đức thiếu nhiều trường thông tin như: ngày tháng, địa chữ, chữ ký người đóng góp. Bất cập hơn toàn bộ số tiền công đức của nhà đền này lại chỉ giao cho một người giữ quỹ theo hình thức gửi tiết kiệm cá nhân.

Theo quy định của pháp luật, tiền công đức là một tài sản của tổ chức tôn giáo, thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng, định đoạt theo khoản 5 Điều 21 và Điều 56, Luật Tín ngưỡng tôn giáo.

Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo các quy định tại khoản 3 Điều 3, khoản 6 Điều 7, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

Vì vậy, việc quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích đồng thời là cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, thì người đại diện cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ là hợp lý. Dù vậy, Nhà nước cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền, xử lý nghiêm các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo PGS TS Bùi Xuân Đính, Chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương, cơ chế quản lý tiền công đức còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau đã dẫn đến câu chuyện trục lợi tiền công đức, gây ra những nghi kỵ và tranh chấp lẫn nhau trong cộng đồng.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/minh-bach-tien-cong-duc-ky-1-xoa-bo-nghi-ky-va-tranh-chap-lan-nhau-trong-cong-dong-324664.html