Mở cánh cửa cho người khuyết tật
Colin Blackwell còn nhớ như in cảm giác đối mặt với thách thức khi đóng vai người lãnh đạo một chương trình toàn cầu phải ra quyết định sa thải 20.000 lao động trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 10 năm. Kể từ đó, ông luôn trăn trở với hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống bằng cách hỗ trợ cộng đồng, đặc biệt là người khuyết tật.
Hành trình khởi nghiệp của Colin Blackwell được kể lại vào một buổi chiều trung tuần tháng 4 vừa qua, khi dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu. Người viết bài và nhân vật phải sử dụng nền tảng họp trực tuyến Zoom để trao đổi thông tin, theo quy định giữ khoảng cách xã hội về thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của Covid-19 của chính phủ. Dù vậy, việc giao tiếp trên không gian ảo không làm giảm đi cảm xúc của Colin Blackwell khi ông hồi tưởng lại hành trình 6 năm đồng hành cùng Enablecode và những người khuyết tật Việt Nam.
Cách TPHCM, nơi đặt trụ sở Enablecode, khoảng 300km, tại Nhà may mắn Đăk Nông (Maison Chance), Trịnh Quốc Đại (35 tuổi) đang làm công việc mà anh sẽ không bao giờ nghĩ mình có thể làm được, đó là lĩnh vực công nghệ thông tin khi mà các sinh hoạt cơ bản của bản thân anh vẫn cần phải có người hỗ trợ. Bị liệt hai chân từ khi mới sinh, hai tay rất yếu, gần như không thể cầm được bất kỳ vật gì nặng, vậy mà giờ đây anh có thể kiếm được hơn 4 triệu đồng/tháng, số tiền tuy không nhiều với người lành lặn nhưng lại vô cùng ý nghĩa với anh Đại khi anh có thể có chút tiền phòng thân và đóng góp lại Maison Chance nơi anh đang sinh sống.
“Ngoài làm cho Enablecode, tôi đang học một số chương trình mới để phục vụ công việc sau này như SEO (tối đa hóa công cụ tìm kiếm), hay lập trình", anh Đại nói.
Tương tự, chị Gái Nhỏ (33 tuổi) liệt tứ chi, thậm chí không thể điều khiển được ngón tay, vậy mà chị vẫn có thể kiếm được vài triệu đồng mỗi tháng, tùy vào tình tình trạng sức khỏe của mình. “Tôi sử dụng lòng bàn tay để nhập dữ liệu", chị Nhỏ nói. Đây là công việc mơ ước của chị khi chị phải có người hỗ trợ các sinh hoạt cá nhân.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục nhân viên là người khuyết tật đang làm việc cho Enablecode, một công ty công nghệ do ông Colin Blackwell là nhà sáng lập và CEO.
Là người Anh tới Việt Nam vào những năm 90, ông Colin khởi đầu với việc thành lập tư vấn nhân sự cho tập đoàn PwC. Ông cũng là nhà sáng lập nhiều hiệp hội nhân sự tại Việt Nam và khu vực. Sau khi rời Việt Nam những năm sau đó, ông đã vươn lên vị trí quản lý nhân sự toàn cầu cho một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Đức. Một tay ông nắm toàn bộ việc tuyển dụng và quản lý nhân sự cho công ty có quy mô 70.000 nhân viên.
Nhưng lên cao cũng đồng nghĩa gió lớn, có những cơn gió khiến ta cảm thấy sảng khoái khi mình đang được tận hưởng nó từ đỉnh núi, nhưng cũng có những cơn gió độc, đôi khi khiến ta gục ngã. Cách đây đúng 10 năm, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Colin không còn muốn làm lãnh đạo nữa khi ông phải đứng đầu một chương trình mà ông không bao giờ muốn làm: sa thải 20.000 lao động trên toàn cầu. Sau chương trình khô khan và vô cảm đó, ông không tìm thấy ý nghĩa trong công việc hiện tại.
Quay trở lại Việt Nam những năm sau đó, ngoài việc duy trì sự nghiệp trong lĩnh vực nhân sự, ông còn đi tìm cho mình một hành trình mới, có ý nghĩa cho cộng đồng nơi ông sinh sống. Đó là làm từ thiện, hỗ trợ người khuyết tật. Ông đã chủ động liên hệ với một vài tổ chức từ thiện để hỗ trợ người khuyết tật và cùng thảo luận với họ về cách thức tốt nhất để hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam. Thật bất ngờ khi tất cả người khuyết tật đều mong muốn có một công việc để nuôi sống bản thân, để thấy rằng họ vẫn còn có ý nghĩa với xã hội.
Là người có bề dày trong lĩnh vực nhân sự tại nhiều tập đoàn lớn, ông nghĩ tìm việc cho họ không khó. “Tôi nói với các tổ chức từ thiện hãy gửi cho tôi các hồ sơ xin việc tốt nhất. Từ mối quan hệ của mình, tôi có thể xin việc được cho họ", ông Colin nghĩ lại.
Khi nhận được hồ sơ của người khuyết tật, ông sững sờ nhận ra mọi chuyện không hề đơn giản như ông nghĩ. Rất ít hồ sơ chất lượng, đủ trình độ để bắt đầu một công việc đơn giản, chưa nói tới các công việc phức tạp. Và đây cũng là bức tranh chung về trình độ của lao động khuyết tật trên cả nước.
Theo số liệu Điều tra Quốc gia về Người Khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố đầu năm 2019, Việt Nam có hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Cũng theo điều tra này, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật ít có cơ hội được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật.
Tại các nước phương tây, tỉ lệ lao động khuyết tật có việc làm dưới 30%. Tại Việt Nam, vẫn chưa có thống kê chính thức nhưng theo ông Colin, con số này còn thấp hơn do văn hóa của người Việt muốn bao bọc, che chở cho con cái bị khuyết tật. Điều này tốt, nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc họ ít có cơ hội được tới trường, ít có cơ hội kiếm được tiền nuôi sống bản thân sau này.
“Khi nói chuyện với những người khuyết tật, tôi thấy họ tha thiết muốn có việc, không chỉ để có thêm thu nhập mà còn để chứng tỏ rằng họ có giá trị, họ có thể làm được gì đó cho xã hội. Giống như chúng ta vậy”, ông Colin nói. Mong muốn của người khuyết tật cứ thế đeo đẳng Colin những năm sau đó.
Năm 2014, Colin Blackwell tình cờ gặp một nhóm bạn trẻ khuyết tật. Họ đang học đại học về công nghệ thông tin tại TP.HCM. Nhờ mối quan hệ của mình, ông đã giới thiệu các bạn trẻ này làm website cho một số công ty mà ông quen biết. Kết quả là họ làm rất tốt.
“Tôi khuyến khích họ thành lập công ty chuyên thiết kế website nhưng như bao bạn trẻ mới ra trường khác, họ chưa đủ tự tin để đứng ra thành lập. Vậy là tôi đứng ra thành lập công ty, thuê văn phòng và trả tất cả các chi phí liên quan. Enablecode thành lập từ đó, với quy mô rất nhỏ", ông Colin nói và giải thích thêm: “Enable ngược lại với disabled (khuyết tật) và code tượng trưng cho công nghệ. Enablecode nghĩa là khả năng sử dụng công nghệ".
Để một doanh nghiệp sống và thành công được đã khó, để doanh nghiệp xã hội tồn tại còn khó hơn rất nhiều khi họ vừa phải tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra hiệu ứng tốt cho xã hội, ví dụ tạo việc làm cho đối tượng được cho là khó xin việc nhất trong xã hội. Enablecode cũng phải vật lộn để tồn tại như bao doanh nghiệp khác bởi công nghệ thông tin phát triển chóng mặt, những kiến thức mà nhân viên của Enablecode có dần trở nên lỗi thời. Có những chương trình lập trình trước đây phải làm cả tháng thì nay trong một buổi trưa. Đây cũng được cho là thời kỳ khó khăn nhất của công ty.
“Cuộc chơi đã thay đổi và chúng tôi buộc phải thay đổi theo", ông Colin nói.
Giờ đây, thử thách tiếp theo của startup này lại quay trở về với gốc ban đầu của nhà sáng lập, tức ngành nhân sự. Đâu là kỹ năng công ty cần đào tạo cho nhân viên để họ có thể theo đuổi sự nghiệp trong tương lai? Làm thế nào để kiến thức của họ thường xuyên được nâng cao, không bị tụt hậu so với sự phát triển của công nghệ? Đây là câu hỏi mà Colin luôn suy nghĩ làm sao để công ty ngày một phát triển tốt hơn.
May mắn là sau đó Colin gặp được một người bạn cũ, đang sở hữu một công ty gia công phần mềm cho khách hàng châu Âu. Ông này áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) để gia công cho các đối tác nước ngoài. Nhân viên làm ở khâu ban đầu của dự án chỉ mất 2 giờ đào tạo và có thể làm việc tại nhà. “Tôi thấy đây là công việc tuyệt vời dành cho người khuyết tật", ông Colin nói.
Enablecode đang hợp tác với nhiều đối tác quốc tế nhưng không thể tiết lộ tên của họ. Tuy nhiên, để độc giả dễ hình dung, Enablecode đang hợp tác với một công ty của Pháp có mô hình gần giống với Google Map. Công ty này muốn tất cả các cửa hàng, quán cafe, quán ăn...trên mọi ngõ ngách của Pháp đều phải được liệt kê trong phần mềm của họ nhằm phục vụ khách du lịch. Các sinh viên hoặc lao động bán thời gian được công ty này thuê với nhiệm vụ đi quanh thị trấn, khu phố nhỏ để chụp ảnh và gửi dữ liệu về để AI xử lý. Ví dụ trong 20.000 bức ảnh, có những bức ảnh AI không thể hiểu được. Như một bức ảnh có rất nhiều cửa hàng khác nhau, người thường có thể dễ dàng nhận biết được đâu là cửa hàng bánh mì, nhà hàng hay quán cafe,… nhưng AI lại không nhận biết được tất cả. Đây là công việc sẽ dành cho người khuyết tật làm việc cho Enablecode phân loại các cửa hàng này một cách chính xác nhất.
Đôi khi, một bức ảnh chỉ tên của cửa hàng nhưng không biết cửa hàng đó bán gì, vì vậy vẫn cần bàn tay con người tìm kiếm trên google tên cửa hàng và dán nhãn một cách chính xác loại hình cửa hàng đó. “Đây là yếu tố cần bàn tay con người", ông Colin nói.
Tìm thấy cơ hội việc làm cho người khuyết tật, vị lãnh đạo người Anh có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam, lại tiếp tục hành trình đến các trung tâm bảo trợ người khuyết tật để mang công việc tới cho họ. Ban đầu, những người khuyết tật di chuyển tới trụ sở Enablecode để được đào tạo. Nhưng việc di chuyển của họ rất vất vả khi họ phải di chuyển bằng xe lăn trên đoạn đường khá dài, có khi tới gần trưa mới tới nơi. Dần dần, việc đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, nhân viên ở tại nhà vẫn có thể kiếm ra tiền.
Đây là quá trình được ông Colin gọi là vừa học, vừa cải tiến trong chặng đường phát triển của công ty. “Chúng tôi ngày càng có nhiều người khuyết tật cộng tác làm việc tại nhà. Họ làm theo tiến độ công việc mà họ đề ra, họ không phải di chuyển, giảm chi phí và thời gian đi lại", ông Colin nói.
Nhiều người cho rằng tạo công việc cho người khuyết tật đã khó, tạo công việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư về trí óc, công sức, thời gian và cả sự kiên trì lại càng khó khăn hơn. Dưới con mắt của người làm trong ngành nhân sự, ông Colin lại cho rằng, không có nghề nào hợp với họ hơn công nghệ thông tin khi họ không cần dùng nhiều sức lực thể chất như lao động phổ thông. Hơn nữa, người khuyết tật hoàn toàn có thể học hỏi liên tục từ các trang giáo dục trực tuyến, học từ youtube mà không cần đến trường đại học như trước kia.
“Thời đại công nghệ đang mở ra cánh cửa tiếp cận giáo dục, công việc cho người khuyết tật lớn hơn bao giờ hết”, ông Colin hào hứng nói.
Kể về một trường hợp thực tế tại công ty của mình, một nhân viên khuyết tật luôn muốn tới công ty làm việc thay vì làm việc tại nhà. Anh nhân viên này phải di chuyển 7km trên xe lăn, chật vật lên thang máy, thậm chí phải có người hỗ trợ mở máy tính. Vậy mà chàng trai khuyết tật này luôn đứng đầu bảng về kết quả công việc.
Sau gần 6 năm thành lập, người sáng lập công ty cho rằng, Enablecode sẽ tiếp tục định hướng là công ty công nghệ với các hoạt động cho thuê ngoài dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) cho các đối tác châu Âu, Mỹ. Đồng thời, công ty cũng tăng tuyển dụng người khuyết tật từ 50 người hiện nay lên gấp đôi trong thời gian tới, và hỗ trợ gia tăng hiệu quả công việc của họ.
Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/lf/303363/mo-canh-cua-cho-nguoi-khuyet-tat.html