Mở cửa nhà, giới thiệu văn hóa Việt

Ngày cuối cùng của tháng 5, sự kiện 'Trình diễn nấu cơm Việt ở Brussels' do IVB - Intercultureel Centrum Vietnam en Pacific in Bruxelle (Trung tâm Liên văn hóa Việt Nam và Thái Bình Dương tại Brussels) tổ chức, đã diễn ra tại căn bếp nhỏ của nghệ sĩ Quỳnh Iris de Prelle.

Trước đó, IVB cũng đã tham gia sự kiện Trang phục dân tộc tại Bảo tàng Bel vue do FMDO (Federatie van Mondiale Democratische Organisaties - Liên đoàn các tổ chức toàn cầu và dân chủ thuộc Bộ Văn hóa vùng Flanders tại Brussels) tổ chức. Giữa không gian cổ kính, sang trọng của một trong những bảo tàng danh giá nhất châu Âu, người xem bất ngờ chứng kiến tượng thần đội nón, màn trình diễn áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, nón thúng quai thao... độc đáo của người Việt và người nước ngoài yêu Việt Nam.

Theo kế hoạch, ngày 3-8, IVB cùng GS Nguyễn Đăng Hưng sẽ tổ chức chiếu phim về hành trình tri ân chữ quốc ngữ (của Quỹ Tôn vinh tiếng Việt và chữ quốc ngữ) tại Bỉ.

 Quỳnh Iris de Prelle mặc áo tứ thân giới thiệu trang phục Việt trong sự kiện Trang phục dân tộc tại Bảo tàng Bel vue của Bỉ do FMDO tổ chức. Ảnh: NVCC

Quỳnh Iris de Prelle mặc áo tứ thân giới thiệu trang phục Việt trong sự kiện Trang phục dân tộc tại Bảo tàng Bel vue của Bỉ do FMDO tổ chức. Ảnh: NVCC

Người khởi xướng các hoạt động của IVB là nhà thơ, nghệ sĩ độc lập Quỳnh Iris de Prelle. Suốt hơn 10 năm định cư tại Bỉ, chị đã cùng thi ca rong ruổi khắp các dự án, sự kiện liên văn hóa từ thủ đô Brussels đến vùng biển Ostende. FMDO biết đến Quỳnh qua các sự kiện này. Nhận thấy ở Quỳnh tinh thần tích cực, khả năng thích ứng cao cũng như tình yêu đối với cả văn hóa Việt và Bỉ, FMDO đã đón nhận IVB của Quỳnh như một phần của chuỗi dự án về phát triển đa dạng văn hóa cho các cộng đồng ở Brussels.

Quỳnh chia sẻ: “IVB là cộng đồng Việt Nam, tập hợp được khả năng và tâm huyết của chính kiều bào nên chúng tôi sẽ thể hiện một Việt Nam tích cực và năng động trong các sự kiện lễ hội văn hóa ở Bỉ”.

Trực tiếp tham gia nhiều sự kiện đọc thơ - trình diễn nghệ thuật tại Bỉ, Quỳnh hiểu rõ nếu làm về văn hóa, bạn phải là người dấn thân và không ai có thể thay thế bạn. Để từng bước thực hiện ước mơ dựng một ngôi nhà mang tên ID Việt Nam (Căn cước Việt) tại Brussels, chính Quỳnh là người mở cửa để đón khách vào nhà mình. Căn hộ giữa lòng Brussels của Quỳnh chỉ khoảng 90m². Cô cùng chồng và 2 con vẫn khéo léo vun vén để đón gần 30 thực khách vào nhà tham gia sự kiện Trình diễn nấu cơm Việt ở Brussels cuối tháng 5 vừa qua. Trong căn bếp hẹp chỉ có thể rửa rau bên này và xoay lại dùng đũa đảo cơm bên kia, anh em Le Brothers là Lê Đức Hải, Lê Ngọc Thanh cùng nghệ sĩ, đầu bếp Fausto Grossi Terenzio gốc Italy vẫn xoay xở nấu được các món tươm tất đãi thực khách ở Bỉ.

Độc đáo ở chỗ cơm không phải nấu từ nồi cơm điện mà là một chiếc nồi gang. Trong nồi gang, gạo mang từ Việt Nam chuyển mình bung chín và tỏa hương. Hơn 1kg gạo trong khoảng 7kg gạo anh em Le Brothers mang tới châu Âu đãi khách lần này được trồng từ một khoảnh lúa giữa cánh đồng trù phú ở hạ du sông Hương, xã Phú Mậu, TP Huế. Thực hiện dự án trồng lúa này gồm anh em nghệ sĩ Le Brothers và nghệ sĩ Hàn Quốc Gemini Kim. Đây là dự án trao đổi văn hóa Đông - Tây thông qua việc các nghệ sĩ mang lúa gạo thu hoạch được đi giới thiệu với bạn bè thế giới.

 Quỳnh Iris de Prelle mặc áo tứ thân cùng bạn bè quốc tế giới thiệu trang phục Việt trong sự kiện Trang phục dân tộc tại Bảo tàng Bel vue của Bỉ do FMDO tổ chức

Quỳnh Iris de Prelle mặc áo tứ thân cùng bạn bè quốc tế giới thiệu trang phục Việt trong sự kiện Trang phục dân tộc tại Bảo tàng Bel vue của Bỉ do FMDO tổ chức

Trong sự kiện Trình diễn nấu cơm Việt tại Brussels, chủ nhà còn giới thiệu loại gạo nâu đặc biệt của Việt Nam do Hàn Quốc nhập và bán tại Bỉ. Một túi gạo nâu nhỏ nhưng giá khá cao. Loại gạo thứ ba cũng được giới thiệu là gạo từ miền Nam nước Pháp do người Pháp trồng. Bên nồi gang nấu 3 loại gạo còn có những chảo rau củ do Quỳnh chuẩn bị. Đầu bếp Fausto Grossi Terenzio mang đến các loại rau thơm và hoa hái từ tự nhiên rất thú vị. Fausto chỉ kết hợp rau củ với dầu ăn và muối nhưng các món lên đĩa đều ngon miệng và tốt cho sức khỏe.

Nhà nhỏ nhưng tấm lòng rộng mở, thực khách hôm ấy đến nhà Quỳnh đã có được trải nghiệm thú vị, đáng nhớ về cơm Việt và tình cảm nồng hậu của người Việt ngay giữa Brussels. Giá trị Quỳnh nhận lại từ các hoạt động này cũng là cảm giác cô đang có được lúc này.

“IVB ra đời như một dòng chảy trong tôi, cũng như sự trưởng thành của bản thân khi ở Bỉ. Tôi đã tìm được tiếng nói và phong cách của mình giữa sự đa dạng cộng đồng văn hóa tại Brussels”, Quỳnh chia sẻ.

KIỀU BÍCH HƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mo-cua-nha-gioi-thieu-van-hoa-viet-post744828.html