Mô hình CLB dân ca tại Cao Bằng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa
Thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng được nhiều câu lạc bộ (CLB) bảo tồn những làn điệu dân ca các dân tộc, thu hút được sự quan tâm của người dân ở nhiều lứa tuổi.
Các buổi tối trong tuần, 20 thành viên của câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ xóm Cẩu Lạn, xã Đức Thông, huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đều có mặt đông đủ tại nhà văn hóa xóm để cùng nhau tập luyện những lời ca, điệu múa. Điều đặc biệt ở CLB này là tập hợp được tất cả những người yêu văn hóa, văn nghệ truyền thống, dù là đồng bào Tày hay Dao. Những điệu hát then đàn tính và những điệu múa cầu, múa bát, hát Páo Dung... đều được mọi người cùng tập và biểu diễn.
Qua gần 3 năm thành lập, các điệu hát dân ca, dân vũ truyền thống dường như vắng bóng trong đời sống thường ngày nay đang được các thành viên CLB gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ trẻ.
Chị Triệu Thị Loan, CLB dân ca xóm Cẩu Lạn chia sẻ: “Ngày đi làm, xong tối dành khoảng 2-3 tiếng tập cùng nhau. Thường thì 20h tập, đến khoảng 22h30 thì kết thúc. Khi có chương trình gì chúng tôi bàn nhau trên nhóm rồi về nhà văn hóa tập luyện. Chúng tôi cũng học hỏi từ các thế hệ trước, ví dụ như Páo Dung thì thế hệ trẻ giờ ít người biết rồi, phải học mới biết được. Rồi về trang phục, cũng bảo nhau gìn giữ bản sắc của dân tộc mình cho các thế hệ sau”.
Cũng như ở một số bản, làng khác, từ khi CLB dân ca, dân vũ xóm Rẳng Khoen, xã Mã Ba, huyện Hà Quảng được thành lập, bà Lương Thị Vàng như được trẻ lại khi những làn điệu dân ca dân tộc Mông được cất lên ở nhà văn hóa mỗi tối. Trước đây, bà Vàng thường chỉ hát lẩm nhẩm khi dệt vải hay khi đi nương… Khi xã có chủ trương thành lập CLB dân ca, dân vũ của xóm để lưu giữ, phát huy và truyền lại cho các thế hệ sau, bà Vàng đã mạnh dạn tham gia trở thành thành viên tích cực.
"Tôi biết hát từ nhỏ, các làn điệu dân ca của người Mông tôi đều hát được. Tham gia câu lạc bộ tôi muốn truyền dạy các bài hát mà mình đã học được để dạy cho con cháu. Tôi chuyên dạy hát và dạy thổi sáo, mong văn hóa dân tộc mình sẽ còn được lưu truyền mãi", bà Lương Thị Vàng chia sẻ.
Cao Bằng hiện có hàng trăm làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo của các dân tộc anh em như Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… Thực hiện Đề án 19 của Tỉnh ủy Cao Bằng về đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng, giai đoạn 2019 - 2025, các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là ngành văn hóa và hội phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh mô hình CLB dân ca, dân vũ, thể thao truyền thống với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đến nay, hàng trăm CLB đã được thành lập ở hầu khắp các xã trên địa bàn toàn tỉnh, thu hút hàng chục nghìn hội viên ở đủ các lứa tuổi khác nhau.
Bà Đào Thị Ban - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mã Ba, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng cho biết tại xã Mã Ba, CLB dân ca đầu tiên được thành lập theo tinh thần Đề án 19 từ tháng 7/2022 với 25 thành viên. Đến nay cả xã Mã Ba đã có 5 CLB như vậy. Để các CLB hoạt động hiệu quả, hàng tuần hoặc các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm,... các thành viên đều có chương trình giao lưu, biểu diễn cùng các câu lạc bộ tại địa phương. Nhờ đó, đời sống văn hóa tinh thần của dân bản ngày càng được nâng lên.
“Xã Mã Ba thì có 2 dân tộc lập các CLB, người Nùng thì có làn điệu Phong slư, sli, lượn, người Mông thì có múa khèn, kèn lá, sáo, dân ca… kết hợp các điệu dân vũ, ngoài ra chúng tôi còn có cả các câu lạc bộ thể thao để mọi người luyện tập”, bà Đào Thị Ban nói.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, Cao Bằng đặt mục tiêu 80% thôn bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 50% thôn xóm có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng... Từ mục tiêu trên, việc bảo tồn, gìn giữ mạch nguồn dân ca các dân tộc đã và đang được tỉnh Cao Bằng quan tâm, các địa phương khéo léo lồng ghép thực hiện.
Từ đầu năm đến nay, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, Cao Bằng tiếp tục đầu tư 21 nhà văn hóa cộng đồng, hỗ trợ đầu tư 10 điểm du lịch cộng đồng và 23 điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tại xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, trong những năm qua, đồng bào Lô Lô (thuộc nhóm dân tộc có dân số dưới 10.000 người) tại xóm Khuổi Khon đã được đầu tư mạnh mẽ cả về hạ tầng cũng như bảo tồn văn hóa, giúp Khuổi Khon trở thành bản du lịch cộng đồng đầy tiềm năng trên con đường kết nối Công viên địa chất non nước Cao Bằng và công viên địa chất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Ông Bế Văn Hùng - Trưởng Ban dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: “Đầu tiên là hoàn thiện hạ tầng về giao thông, điện, nước sạch, trường học, trạm y tế, đồng thời xây dựng về văn hóa. Hỗ trợ bà con gìn giữ, bản sắc văn hóa phục vụ du lịch, phát triển du lịch cộng đồng phát triển, bà con sẽ có thụ hưởng trở lại về kinh tế chứ không đơn thuần là ca hát. Từ việc bảo tồn văn hóa, văn nghệ để bà con có thu nhập, nâng cao đời sống”.
Cùng với ý thức gìn giữ nét truyền thống của người dân, sự hỗ trợ kịp thời, có trọng tâm của chính quyền, đoàn thể giúp các CLB dân ca, dân vũ dần trở thành một hình thức bảo tồn văn hóa hiệu quả, thiết thực. Bởi mỗi câu lạc bộ đều chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa độc đáo, mang được nét đặc trưng riêng của mỗi địa phương, dân tộc. Vừa là một “kênh” nâng cao văn hóa tinh thần cho người dân, vừa góp phần phát huy và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tại mỗi bản làng vùng cao.