Mô hình trồng lúa 'đỉnh cao' giúp nông dân An Giang thắng lớn trong cuộc 'cách mạng lúa gạo'

Nông dân tỉnh An Giang áp dụng các mô hình trồng lúa tiên tiến, qua đó giúp cải thiện môi trường, chất lượng nông sản góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, nông dân tỉnh An Giang đang thực hiện mô hình canh tác bền vững và mô hình ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp với vùi phân trên cây lúa theo đề án 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Chất lượng cao, phát thải thấp

Vừa qua, trao đổi với Người Đưa Tin ông Trần Thanh Hiệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, mới đây Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang) đã tổ chức hội thảo triển khai thêm mô hình ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp với vùi phân trên cây lúa.

Cụ thể, mô hình được thực hiện tại ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang với tên gọi mô hình canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải “Áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân”; thực hiện vụ thu đông 2024; giống lúa OM18; lượng giống 80kg/ha; lượng phân 200kg/ha; diện tích 15ha.

Mô hình sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp vùi phân so với phương pháp truyền thống đã giảm lượng giống gieo sạ khoảng 50%; giảm lượng phân bón: 44,6 kg/ha N – 5,6 kg/ha P2O5 – 15,2kg/ha K2O; công lao động: giảm được 2 lần bón phân và 1 lần phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); hiệu quả kinh tế: lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn đối chứng 2.660.000 đồng/ha.

Nông dân tỉnh An Giang dùng Drone phun thuốc cho lúa.

Nông dân tỉnh An Giang dùng Drone phun thuốc cho lúa.

Việc triển khai mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân, là một trong những hoạt động hướng đến triển khai có hiệu quả mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Bên cạnh mô hình canh tác bền vững (SRP), nông dân được hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác theo hướng 1 phải, 5 giảm (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch) giúp quản lý lượng nước tưới, nâng cao hiệu quả trong việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV.

Đồng thời, giảm thiểu tác động môi trường, thúc đẩy sử dụng tài nguyên hiệu quả và khả năng phục hồi với biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Thanh Hiệp, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững SRP sau triển khai trình diễn, đã giúp nông dân nâng cao ý thức về sản xuất nông nghiệp theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ và chú trọng chất lượng sản phẩm làm ra.

Bên cạnh hiệu quả về kinh tế, mô hình canh tác nếp theo SRP còn mang lại hiệu quả tích cực về môi trường. Lượng khí phát thải bình quân đạt 1,97 tấn CO2eq/vụ/ha, tương đương chỉ số công bố của Ngân hàng Thế giới trong điều kiện sản xuất lúa tại Việt Nam.

Ngoài ra, nhờ quản lý nước theo quy trình AWD (kỹ thuật tưới nước ướt khô xen kẽ - PV) còn góp phần rất lớn trong việc giảm lượng khí phát thải của quá trình canh tác.

Dùng Drone phun thuốc ngoài nhiệm vụ phun thuốc chúng còn có nhiều nhiệm vụ khác như: rải phân bón, sạ lúa,...

Dùng Drone phun thuốc ngoài nhiệm vụ phun thuốc chúng còn có nhiều nhiệm vụ khác như: rải phân bón, sạ lúa,...

Mặt khác, việc giảm sử dụng thuốc BVTV hợp lý; sử dụng đúng lúc, đúng liều lượng còn tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng; đặc biệt, cải thiện mật độ thiên địch trên đồng ruộng.

Việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân vô cơ còn góp phần cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, cải tạo đất, giảm suy thoái tài nguyên đất và phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng lúa, nếp và tăng thu nhập người sản xuất…

Ngoài ra, từ thực tiễn triển khai thí điểm của mô hình canh tác theo hướng SRP, giúp nông dân giảm 20-30% lượng phân bón hữu cơ, thay thế bằng phân bón vô cơ để nâng cao chất lượng gạo.

Bên cạnh đó, nông dân giảm 50% số lần sử dụng thuốc BVTV, đạt mục tiêu về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm và giảm chi phí thuốc BVTV.

Mô hình còn giúp tăng thu nhập và cải thiện môi trường sống, chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trước các diễn biến phức tạp biến đổi khí hậu.

Nông dân tỉnh An Giang thường xuyên được tập huấn về việc sử dụng thuốc BVTV.

Nông dân tỉnh An Giang thường xuyên được tập huấn về việc sử dụng thuốc BVTV.

Thông tin với Người Đưa Tin, ông Trương Minh Đạt (ngụ xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: "Gia đình tôi đang thực hiện mô hình canh tác bền vững theo hướng 1 phải, 5 giảm.

Trước kia, cứ thấy mặt ruộng vừa khô là bơm nước vào, còn bây giờ áp dụng phương pháp đặt ống nước để theo dõi. Khi nào thấy nước xuống thấp hơn mặt ruộng 20cm thì mới bơm nước".

Theo ông Đạt, nhờ kỹ thuật mới này giúp nông dân giảm khoảng 300.000 đồng/ha chi phí bơm nước. Đối với công lao động, khi áp dụng biện pháp giảm nước thì mặt ruộng đảm bảo khô ráo cho máy gặt đập liên hợp hoạt động trong vụ hè thu. Thu hoạch 1.000 m2 bằng máy gặt đập chỉ tốn khoảng 200.000 đồng, còn thu hoạch thủ công thì tăng rất cao.

Kỹ thuật canh tác này không chỉ giúp giảm phát thải từ việc trồng lúa, mà còn giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Nhân rộng mô hình

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Trần Thanh Hiệp cho biết, ngoài mô hình canh tác bền vững (SRP), thì mô hình ứng dụng máy sạ hàng hiệu ứng hàng biên kết hợp với vùi phân trên cây lúa đã mang lại hiệu quả rất cao cho nông dân ở tỉnh An Giang.

Gieo sạ hàng bằng khí động thổi các hạt giống đi trong ống qua vòi phun thoát ra ngoài, với kết cấu đó có thể điều chỉnh khoảng cách hàng xa hay gần dễ dàng, đặc biệt là điều chỉnh cách gieo sạ theo hiệu ứng hàng biên.

Thổi hạt bằng khí động lúa dễ phát triển, hạt giống tiếp xúc đất nhiều, giúp cho giống không bị trôi khi trời mưa to.

Nông dân tỉnh An Giang tập huấn về mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình 1 phải 5 giảm.

Nông dân tỉnh An Giang tập huấn về mô hình sản xuất lúa thương phẩm theo quy trình 1 phải 5 giảm.

Đồng thời, có thể vùi phân sâu khởi mặt đất từ 3 – 5 cm, giúp cho phân không bị bay hơi, không bị trôi theo nước ra khỏi ruộng...

Từ đó, tăng lợi nhuận do tăng năng suất và giảm chi phí; giảm phát thải khí nhà kính, giảm phát thải ra môi trường bên ngoài. Qua đó, làm cơ sở đúc kết nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh An Giang.

Theo ông Hiệp, kết quả sau khi áp dụng các kỹ thuật mới bắt đầu từ vụ Đông Xuân 2022-2023 trong trồng lúa trên địa bàn tỉnh, vụ cao nhất cho tổng sản lượng lúa 933 tấn với 120ha, 7,775 tấn/ha.

Nguyễn Thanh Xuân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mo-hinh-trong-lua-dinh-cao-giup-nong-dan-an-giang-thang-lon-trong-cuoc-cach-mang-lua-gao-204241010164712793.htm