Mở rộng mô hình mạ khay cấy máy
Vụ xuân năm 2022, diện tích lúa cấy bằng máy toàn tỉnh là 1.593 ha, đạt 79,7% kế hoạch. Vụ xuân 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh là 4.598,8 ha, đạt 104% kế hoạch, gấp gần 3 lần so với vụ xuân 2022. Thực tiễn sản xuất cho thấy, đưa máy cấy vào đồng ruộng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, đó là: Giải phóng sức lao động; giảm chi phí sản xuất; năng suất, chất lượng được nâng lên. Vì vậy, những năm gần đây, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh không ngừng được mở rộng.
Vụ xuân năm 2022, diện tích lúa cấy bằng máy toàn tỉnh là 1.593 ha, đạt 79,7% kế hoạch. Vụ xuân 2023, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh là 4.598,8 ha, đạt 104% kế hoạch, gấp gần 3 lần so với vụ xuân 2022. Thực tiễn sản xuất cho thấy, đưa máy cấy vào đồng ruộng đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, đó là: Giải phóng sức lao động; giảm chi phí sản xuất; năng suất, chất lượng được nâng lên. Vì vậy, những năm gần đây, diện tích lúa cấy bằng máy của tỉnh không ngừng được mở rộng.
Bà Trần Thị Thăng, thôn Ba Làng, xã Thanh Phong (Thanh Liêm) chia sẻ: Vụ xuân 2023 là vụ thứ hai gia đình tôi thực hiện cấy lúa bằng máy. Trước đây, phần lớn diện tích gieo cấy gia đình tôi thực hiện bằng phương pháp gieo sạ. Tuy nhiên, do lúa cỏ xuất hiện, ảnh hưởng nặng đến năng suất, chất lượng lúa, vì vậy gia đình tôi quyết định chuyển sang cấy lúa bằng máy. Vụ mùa năm 2022, gia đình tôi cấy 4 sào, năng suất, chất lượng lúa cao hơn hẳn so với gieo sạ. Bên cạnh đó, cấy lúa bằng máy khắc phục gần như triệt để tình trạng lúa cỏ; lại giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… Vì vậy, vụ xuân năm 2023, gia đình tôi quyết định mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy lên 8 sào.
Về Thanh Phong, qua tìm hiểu được biết, hiện tổng diện tích gieo cấy toàn xã là 378 ha. Từ vụ xuân năm 2022 trở về trước nông dân trong xã thực hiện gieo sạ trên phần lớn diện tích, trừ một số ít diện tích thùng vũng, đồng sâu người dân cấy thủ công. Từ năm 2021, lúa cỏ bắt đầu xuất hiện, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả gieo trồng. Năm 2022, do bị nhiễm lúa cỏ nặng, có diện tích năng xuất chỉ được 50kg thóc/sào. Một số ít diện tích phải cắt bỏ hoàn toàn. Để khắc phục tình trạng trên, vụ mùa năm 2022, Thanh Phong lần đầu tiên đưa máy cấy vào đồng ruộng. Sau khi thu hoạch, năng suất, chất lượng lúa bằng cấy máy cao hơn hẳn so với cấy thủ công và gieo sạ.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của cấy lúa bằng máy, ông Lê Văn Tí, quyền Giám đốc HTXDVNN Thanh Phong phấn khởi cho biết: Nếu so với lúa cấy thủ công (cấy cùng giống), năng suất lúa cấy bằng máy cao hơn từ 30-40 kg/sào; so với gieo sạ, lúa cấy bằng máy năng suất cao hơn từ 70-80kg/sào. Không chỉ cao hơn về năng suất, chất lượng, cấy lúa bằng máy còn giảm được công lao động, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. “Trăm nghe không bằng một thấy”, tận mắt chứng kiến những lợi ích thiết thực từ việc cấy lúa bằng máy trong vụ mùa 2022, vụ xuân 2023, nông dân xã Thanh Phong đã mở rộng diện tích cấy máy lên 186ha.
Cũng như xã Thanh Phong, vụ xuân 2023 nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả gieo trồng. Theo kết quả tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ xuân 2023, diện tích cấy lúa bằng máy của tỉnh là 4.598,8 ha, đạt 104,1% kế hoạch (trong đó: Duy Tiên 310ha; Kim Bảng 552,2 ha; Lý Nhân 500 ha; Bình Lục 850 ha; Thanh Liêm 2.174,6ha; Phủ Lý 212ha). Để đạt được kết quả tích cực này, thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện mở rộng mô hình mạ khay cấy máy trên đồng ruộng. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, các địa phương, ngành chức năng còn làm tốt việc khảo sát, chọn điểm, quy hoạch vùng sản xuất; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân thực hiện mô hình; cử cán bộ thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn thực hiện.
Đưa máy cấy vào đồng ruộng giúp tháo gỡ được khó khăn về lao động cho nhiều địa phương, công lao động nặng nhọc được giải phóng. Cùng với đó, nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới, dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao năng suất, hiệu quả gieo trồng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện mô hình đã dần hình thành được chuỗi liên kết giữa các tổ dịch vụ gieo cấy, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, đưa máy cấy vào đồng ruộng góp phần hoàn thiện chu trình cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung.
Hiệu quả đã được khẳng định, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện mô hình mạ khay cấy máy hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, đó là: Giá cả vật tư đầu vào, như: phân bón, giống, các nguyên liệu khác và công lao động tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng ở một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, không chủ động được việc tưới tiêu nước. Một số người dân chưa quen khi cấy lúa bằng máy (mật độ thưa hơn so với gieo thẳng hoặc cấy tay), từ đó tạo tâm lý lo lắng, dặm thêm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất lúa. Mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ cho các tổ làm dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, công tác tổ chức sản xuất ở nhiều địa phương còn hạn chế nên chưa xây dựng được vùng cấy máy tập trung.
Ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Theo tính toán từ thực tiễn sản xuất, hiệu quả kinh tế của mô hình cấy lúa bằng máy cao hơn hẳn so với các phương pháp gieo cấy khác từ 7 - 10 triệu đồng/ha. Mô hình mạ khay cấy máy là hướng đi tất yếu hướng tới cơ giới hóa đồng bộ tất cả các khâu trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả cây trồng.
Để tiếp tục mở rộng diện tích mạ khay cấy máy, thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, nông dân ở cơ sở; đặc biệt, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu, cử cán bộ kỹ thuật về làm cùng với các chủ máy cấy, bám sát, hướng dẫn từ khi làm mạ khay đến khi đưa mạ ra đồng cấy giúp người dân nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật; đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu cho người sử dụng máy móc, thiết bị về kỹ thuật sử dụng, sửa chữa máy cấy, dây chuyền gieo mạ khay.
Các địa phương cần quy hoạch lại đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng với phương châm "một cánh đồng - một giống", để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy nói riêng và cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nói chung. Cùng với đó, tạo điều kiện về mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; quy hoạch đồng ruộng thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Đặc biệt, các tổ dịch vụ mạ khay cấy máy phải linh hoạt, chủ động kết nối, phối hợp với các tổ dịch vụ mạ khay cấy máy trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy của các địa phương.
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/nong-nghiep/mo-rong-mo-hinh-ma-khay-cay-may-96175.html