Mở rộng phạm vi áp dụng để xử lý các hành vi vi phạm

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho biết, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ các khu vực nội thành của các TP trực thuộc Trung ương mới áp dụng mức phạt tiền cao hơn không quá 2 lần mức phạt chung. Do vậy, bà đồng tình với quan điểm của Hà Nội là mở rộng địa bàn áp dụng cả nội thành và ngoại thành theo hướng nâng mức xử phạt không quá 2 lần so với quy định của Chính phủ.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm ngày 26/3/2024. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm ngày 26/3/2024. Ảnh: Quốc hội

Mở rộng địa bàn áp dụng với Hà Nội

Theo dự thảo Luật mới nhất, việc xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn Thủ đô được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và HĐND TP Hà Nội quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm;

Áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm hành chính trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; người có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định trong các lĩnh vực quy định tại điểm a khoản này có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đó; Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính quy định tại điểm b khoản này.

Các trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính: công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng; công trình xây dựng lấn chiếm đất công, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh được xây dựng trên diện tích đất chuyển mục đích sử dụng trái phép; nhà ở xây dựng trong khu vực cấm xây dựng hoặc xây dựng trên đất không phải là đất ở theo quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy đã đưa vào hoạt động; cơ sở kinh doanh vũ trường, bar, karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

HĐND TP Hà Nội quy định hành vi vi phạm áp dụng biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính trên cơ sở Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, mẫu văn bản yêu cầu và thủ tục áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

Cần nâng mức xử phạt

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm ngày 26/3/2024, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình kiến nghị, cần nâng mức xử phạt, mở rộng phạm vi áp dụng để xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm.

Đại biểu tỉnh Quảng Bình cho biết, đối với việc mở rộng địa bàn áp dụng đối với các lĩnh vực: văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm; giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ, dự thảo Luật đã quy định mở rộng phạm vi áp dụng “trên toàn địa bàn TP” (Luật Thủ đô trước đây chỉ quy định trong khu vực nội thành), quy định này nhằm khắc phục bất cập về xử phạt vi phạm hành chính khác nhau giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành trong cùng địa bàn TP.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm thông tin, cần nghiên cứu, đối chiếu, so sánh với Luật Xử lý vi phạm hành chính cho thấy, tại khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã quy định “Đối với khu vực nội thành của TP trực thuộc Trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung…” và do HĐND TP quy định.

Như vậy, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, chỉ các khu vực nội thành của các TP trực thuộc Trung ương mới áp dụng mức phạt tiền cao hơn không quá 02 lần mức phạt chung.

Theo đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đồng tình với quan điểm của Hà Nội là mở rộng địa bàn áp dụng cả nội thành và ngoại thành theo hướng nâng mức xử phạt không quá 02 lần so với quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, về lâu dài đại biểu kiến nghị, cần nghiên cứu để sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính nhằm áp dụng chung cho tất cả các TP trực thuộc Trung ương trên phạm vi cả nước.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mo-rong-pham-vi-ap-dung-de-xu-ly-cac-hanh-vi-vi-pham-375896.html