Mốc son hai thập kỷ: Kỳ cuối - Còn lại việc sắp đặt
Thanh Hóa, bên cạnh nét tương đồng chủ đạo với dòng chảy liên tục nghìn năm của lịch sử dân tộc Việt Nam, có rất nhiều nét riêng biệt, từ điều kiện tự nhiên đến đặc điểm văn hóa, tộc người, lịch sử và truyền thống. Sự khác biệt trên tạo ra những lợi thế nhất định để Thanh Hóa phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Những dòng dầu thô đầu tiên từ tàu Millennium, qua phao SPM, vượt 35km đường ống ngầm về Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (tháng 8-2017) - dấu mốc quan trọng tiến tới vận hành thương mại Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: P.N
Những con số vĩ đại
Dễ dàng nhận thấy trong những nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Thanh Hóa có những bước chuyển mình rất mạnh mẽ. Cụ thể, một số lĩnh vực, một số mũi có bước đột phá lớn. Nếu tính tốc độ tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong kinh tế có nông nghiệp, nông thôn mới chúng ta làm rất tốt; trong công nghiệp có những dự án tầm cỡ thế giới. Nói về chuyện ngân sách, khẳng định chẳng tỉnh nào có tốc độ tăng thu ngân sách nhanh như Thanh Hóa.
Nếu lấy mốc năm 2010, khi ông Trịnh Văn Chiến đương giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh Hóa mới thu ngân sách được 4.000 tỷ đồng trên địa bàn. Nhưng đến 2019, thời điểm này, ông Chiến đương nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, Thanh Hóa đã thu được gần 29.000 tỷ đồng, chính xác là 28.817 tỷ đồng, tốc độ tăng thu ngân sách trong 9 năm qua tăng gấp gần 7 lần. Tới thời điểm này, Thanh Hóa đã cân đối ngân sách được gần 90%. Việc huy động vốn đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước tới nay, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2020, Thanh Hóa đã huy động được 63.000 tỷ đồng.
Nói về thu ngân sách nội địa mới kinh khủng, nếu như năm 2010, Thanh Hóa thu được 1.800 tỷ đồng, khi đó dân số toàn tỉnh hơn 3,4 triệu người; đến hết năm 2019, dân số nhích thêm khoảng hơn 200 nghìn người (3,64 triệu người) nhưng thu ngân sách nội địa tăng lên con số gần 18.000 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần so với thời điểm 9 năm trước đó. Đây là con số phản ánh thực lực của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 tăng 15,77% đứng thứ 3 cả nước; đến năm 2019, Thanh Hóa vươn lên đứng đầu cả nước với tốc độ tăng trưởng trên 17%.
Nói thêm về câu chuyện sáp nhập thôn, Thanh Hóa có 5.971 thôn nhưng sau sáp nhập đã giảm đi 1.578 thôn. Về việc sáp nhập xã giảm đi 76 đơn vị. Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến cho rằng, những gì đã nêu ở trên là những con số vĩ đại của Thanh Hóa đạt được trong quá trình phát triển nhanh, bền vững suốt những năm gần đây. Từ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho đến các ngành, các cấp, sự đồng lòng của Nhân dân đã bền bỉ, miệt mài làm việc để chúng ta có được một Thanh Hóa khang trang ngày hôm nay. Tất cả sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa xuyên suốt qua 4 nhiệm kỳ sẽ là tiền đề, động lực, nguồn lực để xây dựng tầm vóc, vị thế trong những năm tới để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của Thanh Hóa ở tương lai không xa.
Tôi cho rằng, những thành tựu trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt từ năm 2010 đến nay thì đây là lúc cần thiết Thanh Hóa phải định vị lại chính mình trong sự phát triển chung của vùng và cả nước. Xin được nhắc lại lời của ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa: “Thanh Hóa phải thực hiện được hai việc. Thứ nhất là Thanh Hóa phải cố gắng lo cho chính mình và thứ hai là Thanh Hóa phải đóng góp xứng đáng cho Trung ương như đã đóng góp rất to lớn trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta từ trước đến nay”.
Có thể thấy rằng, điều kiện và thời cơ để Thanh Hóa tiếp tục cất cánh đột phá, trở thành cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc đã chín muồi. Và để thực hiện được điều đó, Thanh Hóa cũng đã có đường hướng, cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của một địa phương mà dư địa cho phát triển còn rất lớn.
Mốc son mới ở phía trước
Bằng khát vọng hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, Ban Chỉ đạo 218 Trung ương đã xây dựng Đề án “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và được Bộ Chính trị cụ thể hóa tại Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020. Ông Phạm Ngọc Lâm, Phó Vụ trưởng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Thanh Hóa có nguồn nhân lực dồi dào, tính cạnh tranh cao phục vụ phát triển các ngành kinh tế đồng thời cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh mở rộng phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, đào tạo nhất là các dịch vụ đào tạo nhân lực chất lượng. Lực lượng lao động của tỉnh Thanh Hóa có quy mô lớn hơn nhiều so với các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng và có tính cạnh tranh cao về chi phí. Bên cạnh đó, hiện chi phí lao động tại tỉnh Thanh Hóa thấp hơn 30-40% so với các tỉnh khác ở đồng bằng sông Hồng. Dự báo, trong tương lai, lợi thế này vẫn được duy trì và là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng của Thanh Hóa đến năm 2045.
Nhưng để biến khát vọng, biến mong muốn của Hồ Chủ tịch thành hiện thực, Thanh Hóa phải thực hiện được ba đột phá chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với những đột phá của Trung ương khóa XII, XIII: Trước tiên là đột phát về thể chế: Đột phá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính công; mức độ ứng dụng và sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin. Cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế. Hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thể chế liên kết vùng.
Đột phá về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các cực tăng trưởng, kết nối với các tỉnh khác ngoài vùng (Tây Tây Bắc; đồng bằng sông Hồng: đường cao tốc, đường ven biển...); Trung tâm logistics hạng I; Cảng nước sâu Nghi Sơn hạng I A; nâng cấp sân bay Thọ Xuân đạt tiêu chuẩn quốc tế... Đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao: Cán bộ lãnh đạo, quản lý; nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực; văn hóa và con người Thanh Hóa.
Đó là tất cả những gì được đặt ra trong Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định: Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phát triển Thanh Hóa. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã xác định rõ 5 quan điểm cho Thanh Hóa. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030: Thanh Hóa phải trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, là trung tâm của vùng và cả nước. Đặc biệt, Thanh Hóa phải là cực tăng trưởng mới; tứ giác tăng trưởng. Người dân có mức sống cao, các giá trị di sản văn hóa và lịch sử được bảo tồn và phát huy...
Tầm nhìn đến năm 2045: Thanh Hóa phải trở thành “tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước”. Trong đó phải đảm bảo: Phát triển toàn diện các ngành kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm. Phát triển hài hòa giữa các vùng, miền; thành thị và nông thôn. Phát triển nhanh, đột phá nhưng bền vững về kinh tế - xã hội và môi trường. Gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đảm bảo sự đoàn kết giữa các dân tộc. Tuy nhiên để Thanh Hóa tổ chức thực hiện thành công thì việc “Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền” là tối quan trọng.
Tôi tin, Thanh Hóa đã đặt ra mục tiêu cho riêng mình thì sẽ thực hiện được mục tiêu đó để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ tại buổi nói chuyện với các đại biểu thân sĩ, trí thức, phú hào khi lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947. Người căn dặn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh phải xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu...”.
Một lần nữa, khẳng định rằng, Nghị quyết 58 có một ý nghĩa hết sức quan trọng, là mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa và còn là một mốc son để khẳng định vai trò quan trọng của Thanh Hóa trong những đóng góp đổi mới, phát triển của cả nước.