Môi giới bất động sản có thực sự là thủ phạm đẩy giá bất động sản lên cao?
Môi giới bất động sản có vai trò là cầu nối trong hoạt động mua bán bất động sản. Trong lúc giá bất động sản tăng nóng như hiện nay, nghề môi giới ngành này lại tiếp tục được đưa ra bàn luận, đặc biệt là hiện tượng 'ăn chênh giá'...
Thời gian gần đây, nhiều người đã đặt câu hỏi liệu giá bất động sản tăng cao có phải do môi giới thổi giá để kiếm lời từ chênh lệch hay không. Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã chỉ ra rằng, môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính gây ra sự tăng giá chóng mặt trên thị trường.
THÀ CHẤP NHẬN HOA HỒNG THẤP, NHƯNG ĐỀU ĐẶN
Tại buổi họp báo vừa diễn ra với chủ đề “Thực hư chuyện môi giới Bất động sản đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) khẳng định, môi giới bất động sản không phải là nguyên nhân chính khiến bất động sản bị đẩy giá trong thời gian qua.
Bởi hành lang pháp lý mới ngày càng siết chặt hoạt động môi giới bất động sản, làm tăng tính kỷ luật và chuyên nghiệp của nghề. Theo đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024 đã chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024, góp phần giúp hành lang pháp lý liên quan đến thị trường bất động sản trở nên hoàn thiện hơn. Trong đó, có các quy định tương đối chặt chẽ đối với hoạt động môi giới bất động sản.
Cụ thể, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải đáp ứng các điều kiện gồm: có chứng chỉ hành nghề; hoạt động trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc dịch vụ môi giới bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc, muốn hành nghề môi giới bất động sản, các cá nhân phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng. Được kiểm chứng bởi “chứng chỉ hành nghề” thông qua các kỳ thi sát hạch.
Để đảm bảo việc kiểm soát hoạt động của các các nhân làm nghề, luật mới cũng quy định, không cho phép việc các cá nhân hành nghề tự do, mà phải gắn với một doanh nghiệp nhất định. Quy định này giúp việc theo dõi, quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cá nhân môi giới bất động sản được chặt chẽ và sát sao hơn.
Với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản, luật cũng quy định rất chặt chẽ, yêu cầu phải có quy chế hoạt động; cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu; có ít nhất 1 cá nhân có chứng chỉ hành nghề…
Không chỉ vậy, luật cũng quy định rất rõ về các biện pháp xử phạt đối với các nhân, doanh nghiệp hoạt động môi giới không đạt chuẩn, cung cấp thông tin sai lệch, thiếu chính xác, gây ảnh hưởng tới khách hàng, nhà đầu tư.
Theo ông Đính, quyết định giá bán bất động sản là quyền của chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản. Môi giới bất động sản không được phép tham gia. Họ được tiếp cận bảng giá của chủ đầu tư gần như cùng lúc với khách hàng, nhà đầu tư.
“Một điều đáng lưu ý, giá bán bất động sản càng cao, môi giới bất động sản càng gặp khó khăn. Hơn ai hết, môi giới bất động sản chính là người mong muốn giá bán bất động sản được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng”.
Một thực tế mà hầu như sàn giao dịch nào cũng gặp phải là mức giá bán các sàn đề xuất đều bị chủ đầu tư “chê thấp”. Bởi lẽ, chủ đầu tư lúc nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận và thường có tâm lý sợ các sàn đưa ra mức giá thấp để dễ “đẩy hàng”.
Nhưng để có thể tiếp cận với khách hàng, thì sàn giao dịch và môi giới bất động sản cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí PR, marketing. Nếu giá bán bất động sản quá cao, vượt quá khả năng tài chính của nhiều người, sức hấp dẫn của sản phẩm sẽ bị giảm sút, khả năng chốt khách sẽ khó khăn hơn.
“Chính vì vậy, sàn giao dịch,môi giới bất động sản chính là người mong muốn giá bán bất động sản được xác định ở mức phù hợp nhất. Có như vậy, việc môi giới bán hàng mới thuận lợi, người làm nghề môi giới mới có cơ hội nhận hoa hồng. Bởi lẽ, môi giới “sống dựa vào hoa hồng”. Họ thà chấp nhận hoa hồng thấp, nhưng đều đặn để duy trì cuộc sống và tích tiểu thành đại, còn hơn cả năm theo đuổi một “deal to” mà luôn trong tình trạng “hên xui””, Chủ tịch VARS nhấn mạnh.
Thời gian qua, giá bất động sản tăng cao, ông Đính cho rằng, trong câu chuyện tăng giá đó, không loại trừ những trường hợp đầu cơ, trục lợi, lợi dụng sự mất cân bằng của cung - cầu để ôm hàng, thổi giá nhằm “lướt sóng”, kiếm chênh lệch.
Vậy nhưng cần xác định rất rõ, đây là hành vi của những “tay đầu cơ”, có tài chính. Hành vi của họ là quan sát, lắng nghe, theo dõi từng biến động của thị trường. Và ngay khi nhận thấy cơ hội, họ “liều lĩnh chốt deal”, để rồi găm hàng, tìm “mồi ngon” và sang tên, hưởng chênh lệch.
Vị chuyên gia đánh giá, những đối tượng này hoàn toàn khác với môi giới bất động sản. Bởi môi giới bất động sản làm nghề và hưởng thù lao từ hoạt động tư vấn, giới thiệu và chốt khách. Họ không đủ tài chính để ôm hàng, chờ tăng giá. Nếu có, thì số lượng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, không đủ để điểm mặt, đặt tên, chứ chưa nói đến nguy cơ “tạo sóng” hay “lũng đoạn thị trường”.
VẪN CÓ MÔI GIỚI LÀM VÌ LỢI ÍCH NHÓM
Đồng tình với quan điểm của Chủ tịch VARS, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 12, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, nghề môi giới bất động sản là một nghề vô cùng quan trọng, việc siết chặt các điều kiện kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản là cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, để đảm bảo hoạt động quản lý môi giới đạt hiệu quả, môi giới cần tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp. Tổ chức xã hội nghề nghiệp cho các nhà môi giới cần được hoạt động độc lập, có tư cách pháp nhân. Không chỉ là cơ quan quản lý, đào tạo, tổ chức xã hội nghề nghiệp của các nhà môi giới còn là cơ quan đại diện cho tiếng nói chung của các cá nhân, tập thể hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh môi giới bất động sản.
Đây cũng là cầu nối giữa những đối tượng này với cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, ban hành các quyết định kỷ luật khi các cá nhân môi giới thực hiện các hành vi sai phạm.
“Về việc có hay không môi giới bất động sản đẩy giá, ngoài các nhà môi giới hoạt động chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng hành nghề, chấp hành tốt các quy định pháp luật, thì cá biệt vẫn còn có một số cá nhân môi giới bất động sản bị lợi ích chi phối, bất chấp quy định pháp luật, cấu kết với các nhà đầu tư kinh doanh bất động sản nâng giá hoặc dìm giá thị trường. Nhưng chắc chắn hiện tượng này không thể tránh khỏi trong nền kinh tế thị trường.”, ông Phúc giải bày.
Với góc nhìn là một doanh nghiệp, ông Lê Đình Chung, Tổng Giám đốc SGO Homes khẳng định, để thị trường vận hành, không thể thiếu vai trò của môi giới. Giai đoạn thị trường “đóng băng", môi giới “vắng bóng", cả thị trường hô hào môi giới quay trở lại hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, khi thị trường tốt hơn, thì môi giới lại bị “đổ lỗi" làm giá cả tăng “nóng" tại một số khu vực.
Về giá bán, Tổng Giám đốc SGO Homes cho biết, xu hướng tăng giá bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giá bất động sản tăng trưởng mạnh trong một thời gian rất ngắn là điều bất bình thường. Thị trường bất động sản bao gồm ba chủ thể chính là chủ đầu tư, môi giới và người mua. Nhưng câu chuyện đẩy giá lại quy chụp hoàn toàn do môi giới là bất hợp lý.
Ông Chung cho hay: “Giá bất động sản tăng cao, nguyên nhân chủ yếu do các chủ đầu tư lớn độc quyền nguồn cung, dẫn dắt về giá. Chi phí đầu tư tăng cao, nhu cầu mua lớn trong khi nguồn cung khan hiếm khiến các chủ đầu tư đặt kỳ vọng cao hơn về lợi nhuận. Bản thân người môi giới không có khả năng can thiệp về mức giá của thị trường.
Hơn thế nữa, môi giới bất động sản là đối tượng không mong muốn giá bất động sản tăng nhất. Bởi khi chủ đầu tư bán giá cao, cơ hội chốt khách sẽ khó khăn hơn, môi giới sẽ vất vả hơn, nhưng thực tế phần phí cho môi giới họ nhận về vẫn không thay đổi”.
Hiện nay, tất cả các chủ thể trên thị trường, từ các cá nhân, tổ chức đầu tư, kinh doanh, các tổ chức xã hội nghề nghiệp tới cấp quản lý Nhà nước, đều khẳng định giá bất động sản tăng cao bất hợp lý. Thế nhưng, trên thực tế, hiện hành lang pháp luật của nước ta vẫn chưa có bất kỳ một công cụ chính thức nào để chứng minh sự tăng trưởng bất hợp lý về giá của bất động sản.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, Phó Ban tuyên truyền lý luận, Tiến sĩ kinh tế đề xuất, để quản lý và có các chỉ đạo điều tiết kịp thời, Việt Nam cần xây dựng bộ chỉ số giá về nhà ở, giá đất và bất động sản thương mại, để đo lường mức độ thay đổi về giá theo thời gian.
Đây cũng là bộ chỉ số quan trọng, đã được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, sử dụng để phân tích kinh tế vĩ mô, phản ánh sự tăng trưởng kinh tế, đo lường rủi ro... cũng như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc ra quyết định liên quan đến bất động sản.
TS. Nguyễn Minh Phong cũng đánh giá rất cao về đề án nghiên cứu chỉ số giá do Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (đơn vị trực thuộc Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) đang thực hiện. Và mong rằng, đề án sẽ sớm được hoàn thiện.
“Muốn thị trường có thể vận hành một cách thực sự minh bạch thì cơ sở thông tin, dữ liệu là vô cùng quan trọng. Chúng ta phải có một kho dữ liệu đủ lớn, đảm bảo tính chính xác. Có như vậy, công tác nghiên cứu thị trường mới hiệu quả. Từ đó, các cơ chế, chính sách nhằm điều tiết thị trường mới có thể đúng và trúng”, vị Tiến sĩ chia sẻ thêm.