Mỗi khi viết là một lần 'soi' lại mình

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng (thứ hai, từ phải sang) cùng đoàn văn nghệ sĩ Phú Yên chụp ảnh lưu niệm tại hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát trong Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: YÊN LAN

Hơn 30 năm lặng lẽ “cày xới” trên cánh đồng chữ, nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đã in 11 tập sách. Với ông, mỗi khi viết văn là một lần soi lại chính mình.

Từng làm việc tại UBND xã Hòa Hiệp, viết tin bài cộng tác với Báo Phú Khánh, và rồi ông Trần Quốc Cưỡng “bén duyên” với văn chương. Năm 1984, những bài thơ nho nhỏ chuyển tải tâm tư, tình cảm của một người con nơi làng cát Hòa Hiệp xuất hiện trên mặt báo. Sáu năm sau, ông chuyển sang viết văn xuôi và thấy mình hợp với thể loại này.

Hơn 30 năm lặng lẽ “cày xới” trên cánh đồng chữ, nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên, đã in 11 tập sách, gồm: bảy tập truyện ngắn, hai tập tản văn, một tập thơ và một tập truyện dài. Năm 2018, tập truyện ngắn Ngựa trắng của ông được Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải B. Cũng trong năm đó, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tháng 2 vừa qua, đứa con tinh thần mới nhất của nhà văn Trần Quốc Cưỡng ra mắt bạn đọc. Đó là tập truyện ngắn Xã tắc với 18 tác phẩm có “sắc màu” khác nhau, riêng truyện Xã tắc mang đậm hơi thở lịch sử.

* Xin chào nhà văn. Đọc truyện của ông, độc giả thường bắt gặp những hình ảnh thân thuộc của làng quê Nam Trung Bộ, những con người chân chất. Riêng Xã tắc lại rất khác biệt. Từ ý tưởng nào mà ông viết truyện ngắn này?

- Tôi muốn khai thác đề tài lịch sử, muốn tỏ lòng tri ân tổ tiên - những người đã xây dựng nên một triều đại cường thịnh. Thời nhà Trần có nhiều nhân tài với nhân cách nổi bật. Tiêu biểu như Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn - người đã đặt chuyện nhà sang một bên, hết lòng vì đất nước. Ngoài tài năng lỗi lạc về quân sự, chính trị, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn còn có nhân cách lớn, hậu thế kính phục.

* Khai thác đề tài lịch sử có những khó khăn nào, thưa ông?

- Muốn khai thác đề tài lịch sử thì phải biết, phải hiểu về giai đoạn lịch sử đó, kể cả ngôn ngữ cũng phải sử dụng sao cho phù hợp. Cho nên tôi mất nhiều thời gian để có tác phẩm này. Những chi tiết nào thuộc về lịch sử thì phải “ra” lịch sử, nhưng bên cạnh đó là sự sáng tạo của người cầm bút. Đây là tác phẩm mà tôi thích, trước hết là ở đề tài. Đề tài lịch sử hấp dẫn lắm, có điều mình chưa “cày xới” nhiều. Lớp trẻ bây giờ có những người viết về đề tài lịch sử rất hay.

* Nhiều nhà văn nói rằng viết văn rất nhọc nhằn. Riêng ông thì sao?

- Quá nhọc nhằn chớ sao. Tìm ý tưởng, xây dựng cốt truyện đã khó, rồi vừa viết vừa tự… biên tập tác phẩm của mình. Viết văn là nghề vô cùng nghiêm túc. Không phải viết để cầu danh cầu lợi, để tung hô, mà để người đọc cảm nhận những điều tốt đẹp trong đời sống.

* Sau khi viết xong một tác phẩm nhiều thử thách, cảm giác của ông thế nào?

- Tôi cảm thấy như trút một gánh nặng, thở phào sung sướng (cười).

* Vì sao truyện của ông thường “tròn trịa” và ấm áp tình người; nhân vật chính thường hiền lành, lương thiện?

- Văn học nghệ thuật luôn hướng con người đến chân - thiện - mỹ, chống lại cái xấu, cái ác, khơi dậy tình yêu thương, sự gắn kết của con người. Đấy là sứ mệnh của nhà văn trong sáng tác. Tôi luôn tâm niệm điều đó. Tất nhiên trong xã hội cũng có chuyện này chuyện kia nhưng trên trang viết, nhà văn là người khơi dậy tình yêu thương, sự hy sinh, dấn thân, những tình cảm ấm áp của con người. Tôi nghĩ rằng mạch nguồn cảm xúc đó sẽ chảy mãi.

Tôi cũng thích viết truyện về các con vật. Mỗi năm tôi viết về một con giáp. Tôi muốn có 12 truyện ngắn tương ứng với 12 con giáp, hiện tôi đã viết được 10 truyện về 10 con giáp, còn 2 con chưa có là con rồng và con mèo.

* Có khi nào ông muốn thay đổi phong cách, viết một cách gai góc, dữ dội?

- Tôi nghĩ có lẽ khi viết tiểu thuyết thì mới viết gai góc. Tôi cũng có dự định đó. Tác phẩm sau có thể là tiểu thuyết, nhưng tôi cần có một khoảng lặng…

* Tôi thì nghĩ rằng sự gai góc, dữ dội không hợp với ông, vì “cái tạng” của ông là hiền lành, thật thà, và các nhân vật của ông cũng vậy.

- Văn là người. Con người mình thế nào, tâm tư tình cảm ra sao thì thể hiện trên trang viết như vậy. “Cái tạng” này cũng khó mà viết cho gai góc (cười).

* Văn chương mang lại điều gì cho ông?

- Văn chương làm cho tôi cảm nhận cuộc sống tốt đẹp hơn. Khi sáng tác cũng là lúc “soi” lại mình. Mình không thể viết những điều tốt đẹp trong khi bản thân lại không ra gì. Với tôi, mỗi khi viết là một lần “soi” lại mình, rèn cách sống sao cho tốt. Nhà văn trước hết phải gương mẫu, là người góp phần làm cho xã hội văn minh hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn.

* Xin cảm ơn nhà văn!

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng (bút danh Trần Bảo Ngọc) sinh năm 1962, ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (TX Đông Hòa), gắn bó với Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên từ năm 1993. Ông đã in các tập truyện ngắn: Mùa bướm vàng bay (NXB Văn học, 2003), Ngựa hồng (NXB Hội Nhà văn, 2004), Hoàng hôn màu lá mạ (NXB Hội Nhà văn, 2006), Quà phóng sinh (NXB Dân trí, 2010), Ngựa trắng (NXB Phụ nữ, 2018), Thành phố vắng bóng mặt trời (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019), Xã tắc (NXB Thông tin và Truyền thông); các tập tản văn: Mái bếp và khói lam (NXB Hội Nhà văn, 2007), Quê hương nếu ai không nhớ (NXB Thanh niên, 2007); tập thơ Ước nhớ vườn xưa (NXB Hội Nhà văn, 2009) và tập truyện dài Khúc biến tấu dã tràng (NXB Lao động, 2014).

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/253569/moi-khi-viet-la-mot-%C2%A0lan--soi--lai-minh-%C2%A0.html