Món quà đặc biệt dành tặng Hà Nội

Tập thơ 'Bay qua Hồ Gươm' của nhà thơ - nhà báo Huỳnh Mai Liên là một món quà đặc biệt dành tặng Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Lấy cái nhìn trẻ thơ đầy trong trẻo, những tác phẩm là tiếng nói thủ thỉ tâm tình, là tình yêu Hà Nội gửi gắm qua mỗi thế hệ.

Chắt chiu từng con chữ

Chọn 54 bài ngụ ý nhắc về thời khắc lịch sử giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954, "Bay qua Hồ Gươm" là một tập thơ đặc biệt. Nói vậy bởi lẽ toàn bộ tập thơ nói về một thành phố, dành riêng cho một thành phố: Hà Nội, dệt nên một bức ký họa về một Thủ đô đa sắc màu, vừa cổ kính vừa hiện đại, vừa quen thuộc vừa đầy bí ẩn.

Đây là kết quả cả quá trình lao động miệt mài với con chữ của một người phụ nữ yêu thơ đắm đuối, viết thơ như tiếng nói thôi thúc từ nội tâm của mình. Công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, ngoài thời gian cho công việc, chị chắt chiu từng giây phút quý giá để viết từng bài thơ nhỏ xinh, chủ yếu là lấy tiếng nói của trẻ thơ, viết cho trẻ thơ.

Đọc từng con chữ, chúng ta sẽ cảm nhận được tình cảm thiết tha của chị gửi gắm qua mỗi tác phẩm. Tình cảm ấy thể hiện bằng việc chị sống tròn đầy với thành phố này, từ vỉa hè, hàng cây, thời tiết, sự giao cảm chuyển mùa, những di tích, những người nghệ nhân... Tất cả những điều được chị chắt lọc qua công việc, đặc biệt là việc quan sát tỉ mỉ phố xá, con người, cảnh vật Hà Nội hàng ngày.

Nói về tập thơ này, nhà thơ Huỳnh Mai Liên chia sẻ, hồi đầu năm chị có suy nghĩ, năm nay là kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. “Mình sẽ viết gì cho Hà Nội nhỉ? Viết cái gì để gắn với tháng 10/1954?”. Những tự vấn đó thôi thúc chị phải buông cuốn sách đang biên tập ở một chủ đề khác để hình thành một cuốn sách mới mà theo chị là đầy gian khổ và vất vả vì phải dành nhiều thời gian cho việc viết, chỉnh sửa, biên tập...

Mới đây, tập thơ đã có buổi ra mắt tại Hà Nội, trong không khí rộn ràng của các sự kiện văn hóa - nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Chia sẻ tại sự kiện, nhà thơ Thụy Anh cho biết khi cầm trên tay bản thảo tập thơ "Bay trên Hồ Gươm", đọc để viết lời tựa, chị đã rất xúc động. Bởi lẽ, thơ là một phần nhưng tấm lòng của một người làm thơ gửi gắm tới Hà Nội của một người mẹ muốn con cũng yêu Hà Nội như mình mới là điều quan trọng. "Những bài thơ của Huỳnh Mai Liên đã cho tôi tìm lại những góc yên bình của Hà Nội xưa mà tôi tự trách mình trước đây đã không lắng lại, không "bay trên Hồ Gươm", bay trên bầu trời Thủ đô với những cảm xúc rất trong trẻo ấy”, nhà thơ Thụy Anh nói, và thêm rằng, mỗi thế hệ đều có một Hà Nội của riêng mình, Mai Liên không áp đặt cái nhìn về Hà Nội của những người sinh những năm 1970 như chúng tôi vào trong thơ mà tác phẩm của chị còn có cả hình ảnh Hà Nội hiện đại. Chị đã kết nối để có nhiều Hà Nội đan xen vào với nhau, tạo nên bức tranh khá tổng thể của Thủ đô ngày hôm nay.

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên (giữa) và nhà thơ Thụy Anh tại buổi ra mắt tập thơ "Bay qua Hồ Gươm"

Nhà thơ Huỳnh Mai Liên (giữa) và nhà thơ Thụy Anh tại buổi ra mắt tập thơ "Bay qua Hồ Gươm"

Đối thoại, kết nối giữa tình yêu Hà Nội

Mỗi vần thơ giống như một lời thủ thỉ ngọt ngào của người mẹ, kể cho con nghe về thành phố nơi chúng đang lớn lên. Từ những con phố cổ rêu phong đến những tòa nhà chọc trời hiện đại, từ mặt Hồ Gươm lấp lánh đến những hàng cây xanh mát, tất cả đều hiện lên sống động qua ngôn ngữ giàu hình ảnh.

Tác giả đã “hóa thân” vào đủ mọi nhân vật xung quanh: Khi là chú chim sẻ líu lo, lúc là cụ rùa già kể chuyện xưa, có khi lại là cả cột cờ Hà Nội thầm thì với gió mây. Qua đó, người mẹ đưa em vào một cuộc phiêu lưu kỳ thú, khám phá Hà Nội ở nhiều góc nhìn khác nhau, nhiều cảnh sắc thân quen, ở nhiều chiều không gian thời gian.

"Bay qua Hồ Gươm" không chỉ là một bức tranh thơ về cảnh quan Hà Nội, mà còn là những bức ký họa về cuộc sống và con người nơi đây. Huỳnh Mai Liên đã khéo léo đưa vào tầm mắt của trẻ thơ hình ảnh những người lao động tảo tần, những nghệ nhân phố cổ - những người góp phần tạo nên linh hồn của Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tác giả đã khắc họa sinh động hình ảnh những người lao động vỉa hè, những con người bình dị nhưng chăm chỉ, góp phần tạo nên nhịp sống hàng ngày của thành phố.

Trong tập thơ này, Huỳnh Mai Liên đứng trên giọng điệu, cái nhìn của trẻ thơ để viết về Hà Nội. Chẳng hạn, thành phố hơn 1.000 tuổi thì phải gọi như thế nào, một cô bé đi vào cửa hàng mua nến để thắp nến mừng sinh nhật Hà Nội thì loay hoay không biết mua bao nhiêu cây... Những suy nghĩ đó không đơn giản, không phải cố mà được, không phải ép mà được. Đó là những giây phút xuất thần của nhà thơ viết cho thiếu nhi.

"Viết cho thiếu nhi thì giọng điệu phải hết sức nhẹ nhõm, trong sáng, thanh thoát nhưng không được ngây ngô. Rất nhiều nhà thơ bị rơi vào tình trạng giả vờ là trẻ em để nói theo giọng điệu của trẻ em… Thông qua tập thơ này, Huỳnh Mai Liên đã tìm ra con đường của mình. Sự gắn bó với thiếu nhi của chị ngày càng sâu đậm. Tôi tin rằng thời gian tới chị Mai Liên sẽ có những câu thơ sắc nét hơn nữa để lại lâu trong tâm trí bạn đọc", nhà thơ Thụy Anh khẳng định.

Có mặt tại buổi ra mắt cuốn sách "Bay qua hồ Gươm", nhà báo Tạ Bích Loan khẳng định tập thơ "Bay qua Hồ Gươm" là một món quà đặc biệt gửi tới Hà Nội trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tiếp nối tập "Biển là trẻ con", nhà thơ Mai Liên vẫn khiến người đọc ngạc nhiên bởi trí tưởng tượng phong phú, độc đáo. “Tôi nghĩ khi đọc cuốn sách này chúng ta có những lợi ích cho bản thân và các con của mình. Bởi lẽ chúng ta sẽ có những hình tượng, hình ảnh mới lạ, điều này rất cần thiết cho người làm công việc sáng tạo nói chung và trẻ nhỏ vì các con đang trong quá trình khám phá thế giới xung quanh. Điều đặc biệt trong tập thơ này là Mai Liên đã làm những cuộc đối thoại, kết nối giữa thành phố với trẻ em, các cây với nhau, giữa con người với thiên nhiên... Để có những cuộc kết nối liên tục như vậy, Mai Liên phải có năng lực rất đặc biệt là hóa thân, thấu hiểu để tạo thành sự nhân văn nhất quán trong các tác phẩm”, nhà báo Tạ Bích Loan chia sẻ.

Đi cùng những bài thơ của Huỳnh Mai Liên là minh họa của họa sĩ nhí - con gái Mai Khuê của chị với bảng màu rực rỡ, tươi đẹp, nét vẽ đã trưởng thành hơn nữa so với chính em. Mai Khuê cũng là họa sĩ minh họa cho nhiều tập thơ của Huỳnh Mai Liên. Sự cộng hưởng của những bài thơ đáng yêu và nét vẽ tươi tắn này khiến tập thơ giống như cây cầu nối tình cảm giữa các thế hệ trong gia đình trước một đối tượng gắn bó chung, là Thủ đô yêu dấu.

Hà Thư

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/mon-qua-dac-biet-danh-tang-ha-noi-156514.html