'Món quà đầu tiên'

Khi bạn còn là cây con, tôi không mong ước gì hơn bạn sớm ngày ra quả để gia đình tôi hưởng trái ngọt.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cây bơ thân mến!

Mùa Hè đã đi qua, để lại dư âm là những quả bơ nặng trĩu trên thân bạn. Thật vui vì năm nay bạn lại cho một mùa bội thu như vậy! Nhưng để được như vậy, bạn đã phải trải qua 5 năm vươn lên, trưởng thành, ra hoa kết trái. Thời gian dài ấy trôi qua cũng có nhiều câu chuyện đã xảy đến để vun đắp lên cuộc đời của bạn – cuộc đời của một cây bơ cao lớn, cường tráng như bây giờ!

Bạn còn nhớ chứ? Mới ngày nào bạn còn nhỏ bé, thâm thấp đến chân tôi mà giờ đây đã vươn những cành cây, tán lá lên cao để đón ánh Mặt trời, làm tôi thấy thật tự hào làm sao! Năm bố và tôi đón bạn về với khu vườn lại chính là năm gia đình tôi có một ngôi nhà mới rộng hơn, khang trang hơn.

Khi bạn còn là cây con, tôi không mong ước gì hơn bạn sớm ngày ra quả để gia đình tôi hưởng trái ngọt. Không phải nói quá sự xuất hiện của bạn trong thời điểm ấy rất hiếm ở mảnh đất quê tôi – quê lúa Thái Bình.

Theo tôi được biết, cây bơ phù hợp với khí hậu ở các tỉnh phía Nam hơn ở vùng Đồng bằng Bắc bộ. Bố tôi từng nói: “Không biết cây bơ có sống được với khí hậu, thời tiết ở đây không?”. Có những lo lắng bắt đầu luẩn quẩn trong tôi. Tuy nhiên, bố lại bảo: “Thế mới cần con phải để ý, chăm sóc chứ!”. Vậy là tôi tiếp nhận “trách nhiệm cao cả” ấy, hàng ngày chăm sóc bạn.

Những ngày thật khó khăn đúng không, cây bơ yêu quý? Cũng vì đó mà tôi thật cẩn thận chăm nom bạn đến nơi đến chốn. Không uổng phí công sức của tôi, sau một khoảng thời gian, bạn đã cao lên tới hơn đầu tôi. Tôi thực sự vui lắm đó! Vì bước đầu trong mong ước có bơ nhà để ăn đã thành công!

Giai đoạn tiếp theo trong đời, bạn đã có thể tự khôn lớn, phát triển và không cần đến việc phải chăm sóc hàng ngày. Bạn đừng nghĩ vì vậy mà tôi không để ý đến bạn. Từng ngày tôi quan sát, theo dõi từng chồi non mới được nảy ra từ thân bạn. Từng chồi non ấy cho tôi thật nhiều hi vọng.

“Nhanh thôi, sẽ đến ngày bạn ra hoa kết trái”, tôi mỉm cười thầm nghĩ. Thấm thoắt một năm trôi qua, từ cây con thấp bé, bạn nay đã trở thành “đàn anh, đàn chị” trong khu vườn. Sinh trưởng và phát triển như vậy, cũng đến độ bạn vào mùa sinh sản.

Năm ấy, bạn ra rất nhiều hoa, ngay từ lần đầu, có khi phải đến cả trăm bông ấy chứ! Những “tín hiệu màu vàng xanh” ở cuối mỗi cành hứa hẹn tương lai sẽ sai trĩu quả. Đó là suy nghĩ non nớt của tôi. Thực ra, ai trong gia đình tôi cũng nghĩ vậy.

Thế nhưng, thực tế lại khác hoàn toàn. Đến ngày đậu quả, tôi không tìm đâu thấy ngoài quả lẻ loi trong góc giữa các tán lá. Thật không thể tin được! Hàng trăm bông hoa như vậy mà chỉ có một quả bơ đậu. Có chút thất vọng nhưng bạn đừng lo nhé! Mới là năm đầu tiên, bạn “bói” ra một quả là tốt lắm rồi.

Tôi tìm hiểu trên mạng rằng tỉ lệ kết trái của cây bơ rất thấp mặc dù có rất nhiều hoa. “Vỏn vẹn 1%”, tôi bất ngờ trước sự thật khó tin ấy. Sau khi nghe những câu chuyện khác thì tôi nghĩ một trái bơ đã là thành quả.

Ở quê tôi, không chỉ gia đình tôi mà còn nhiều người khác cũng trồng bơ, mong có quả. Chẳng hạn, cây bơ của một ông cùng làng dù đã trồng từ lâu rồi (không biết là bao giờ) nhưng đến thời điểm ấy vẫn chưa đậu quả. Tôi hạnh phúc nhìn quả bơ đầu tiên ấy mong sớm được thưởng thức trái ngọt mà bấy lâu mình dày công chăm sóc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Quả đúng bạn chẳng phụ lòng tôi, che chở, bao bọc, nuôi dưỡng quả bơ ấy hết mức có thể. Những ngày trời mưa có gió to là lúc tôi lo lắng nhất. Nhỡ đâu chẳng may quả bơ ấy rụng non thì công sức đành đổ sông đổ bể. Chắc bạn cũng lo vậy nhỉ?

Rồi cuối cùng, quả bơ còn xanh non ngày nào chẳng mấy chốc như cái bầu nước, da xanh ngả sang tím thẫm. “Khi hột bơ rời hẳn thịt, đó là thời điểm vàng để thưởng thức”, bà tôi nói vậy.

Quả bơ ấy được vặt xuống khi toàn thân đã đầy màu tím lịm. Nhưng cũng phải chờ thêm đôi ngày nữa nắn khẽ thấy hơi mềm tay thì mới có thể thưởng thức “món quà đầu tiên” từ bạn.

Mẹ đã tách vỏ, bỏ hột bơ ra rồi cho chút đường đánh lên với đá. Vị bơ béo ngậy quyện với cái mát lạnh của đá mang lại cảm giác thật sảng khoái trong những ngày cuối Hè. Ăn xong mà tôi vẫn thèm thuồng nhưng đành mong chờ vào năm kế tiếp. Trước đó thì: “Cảm ơn bạn nhé, cây bơ!”

Quả đúng như kì vọng, năm sau là một năm bội thu. Ôi sao mà quả sai đến vậy! Bạn khi ấy trưởng thành, lực lưỡng như một “nóc nhà” của khu vườn trái cây. Trên thân cây khỏe khoắn ấy gánh bao nhiêu là quả bơ trơn bóng. Nhiều quả tạo thành hẳn một chùm to, trông thật thích mắt. Hàng chục, à không, phải đến trăm quả ấy chứ! Vậy là tôi được thỏa ước nguyện ban đầu: Được ăn bơ xả láng.

Năm ấy nhiều đến nỗi mà gia đình tôi phải biếu tặng mọi người cũng không hết, phải bảo quản lâu dài trong tủ đá. Thú thật, “bơ đá” quả là không chất lượng bằng bơ tươi. Bạn đừng buồn nhé! Dẫu vậy, đó vẫn là món giải khát tôi yêu thích.

Được một mùa bơ bội thu như thế, tôi vui sướng nghĩ tới những năm tiếp theo, tiếp theo nữa. Bạn sẽ luôn dành tặng cho gia đình tôi những quả bơ chất lượng, ngon nhất.

Tuy nhiên, như một điều tất yếu, bạn “bị bệnh”. Thật bất thường khi một ngày tôi thấy bạn trơ trụi, xơ xác đến nỗi vô hồn. Cây bơ lực lưỡng, khỏe mạnh xanh tươi màu lá tôi vẫn thấy lại tiêu điều như vậy. Thân bạn gồ ghề, xù xì đùn lên nhiều đốm mùn ở nhiều cành, thậm chí ở thân cây. Đây là căn bệnh đã lấy đi sự sống của nhiều loại cây trồng – sâu đục thân, do “phát bệnh” từ bên trong nên khó có thể chữa được.

Tôi buồn rầu nghĩ thời gian tôi cùng bạn gắn bó đến đây là kết thúc sao? Mỗi ngày trôi qua trông bạn lại càng yếu ớt, cằn cỗi. Nhưng, phép màu đã đến. Một ngày đẹp trời tôi thấy một sắc xanh nảy trên cành của bạn. Sắc xanh cho tôi hy vọng về sự hồi sinh, sức sống sẽ tràn về.

Quả nhiên, mấy tuần sau, bạn đã lấy lại được dáng vẻ oai phong vốn có. Bạn đã trở lại với tôi. Tôi vui mừng vì bóng cây tôi hằng ngồi mát không biến mất, vui vì vẫn được thưởng thức món bơ đánh đá “đầy mị lực”.

Thấm thoắt đã 5 năm trôi qua, bạn vẫn luôn vững vàng như vậy dù cho có gió bão, mưa giông, bệnh tật. Năm nay, bạn lại ra những quả bơ thật to, đẹp. Có điều lâu chín quá! Nhanh lên nhé, mình chờ lâu lắm rồi!

Phùng Xuân Bách (Lớp 11A1 Trường THPT Đông Thụy Anh, Thái Thụy, Thái Bình)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/mon-qua-dau-tien-post656103.html