Món quà vặt 'thơm ngọt, say say' có mặt hơn 6 thập kỷ ở chợ Cộn Quảng Bình
Món cơm rượu có mùi thơm ngọt đặc trưng, cùng hương vị cay nồng gây thương nhớ tại hàng quà vặt của dì Hà là điểm ghé đến yêu thích của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ tại khu chợ Cộn (TP. Đồng Hới, Quảng Bình).
Bà cụ thân sinh mở hàng cơm rượu từ những năm 1957-1958, đến nay, dì Hà vẫn tiếp tục lấy nghề của mẹ làm kế sinh nhai, cũng là niềm vui mỗi ngày ngồi ở chợ gặp gỡ nhiều người và mang đến món ăn đặc sắc của người Việt, cũng là hương vị tuổi thơ của bao nhiêu đứa trẻ.
Dì Hà tên thật là Trần Thị Vân Hà (SN 1957, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, Quảng Bình), có một quầy bán quà vặt khiêm tốn tại góc nhỏ của chợ Cộn. Mặt hàng duy nhất mà gánh quà dì có là cơm rượu. Nếu để phân loại đây là đồ ăn vặt hay nước giải khát thì khó mà nói được. Bởi lẽ cơm rượu có cả vị nước ngọt hơi lên men cùng nhân nếp thơm mềm, khi cho vào miệng thì có cảm giác như tan trong miệng vừa bùi bùi lại say say, hơi chua nhẹ cùng vị nồng của rượu mang đến hương vị cuốn khó tả.
Sau khi cụ thân sinh mất, dì Hà tiếp nối món nghề nhỏ từ năm 1991, đến nay đã 32 năm. Hàng ngày, dì đều đặn làm những mẻ cơm rượu mới từ hai nguyên liệu cơ bản là nếp và men. Nếp không cần phải là loại tuyển chọn, nhưng phải là nếp mới thì hương vị mới chuẩn nhất. Sau đó, nếp được làm sạch, nấu chín, rồi ủ thành cơm rượu, và dì Hà sẽ chia thành từng phần nhỏ hình khối vuông rubic vừa ăn.
Cơm rượu của dì Hà là loại cơm rượu đặc trưng của miền Trung, gần giống cơm rượu miền Nam nhưng khác hoàn toàn so với cơm rượu khô của miền Bắc vốn được làm từ gạo nếp hoặc lứt nếp. Nước dùng kèm có hơi trắng đục, cơm rượu thì có màu trắng ngà của nếp. Phiên chợ của hàng cơm rượu thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa hàng ngày, “mùa hè thì sớm hơn, mùa đông lại trễ hơn và tùy chợ”, dì Hà cho biết.
Không chỉ có những vị khách quen là các bác, các cô đã lớn hoặc chững tuổi, gánh hàng này còn được nhiều bạn nhỏ của vùng Cộn yêu thích. Hai chị em họ Nguyễn Phương Thảo và Hoàng Gia Hân thích mê món cơm rượu và đã quen mặt “bà Hà”. Cuối tuần, những đứa nhỏ trong nhà được người lớn dắt ra chợ thưởng thức ly cơm rượu ngọt thơm, cay cay cuốn hút.
“Bé ăn thích cơm rượu lắm, mà ăn từ hồi 3 tuổi rồi. Đến nay là đã 8 tuổi, ngót nghét 5 năm và thành khách ruột của quán này”, cô Nguyễn Thị Tân An (SN 1967), người nhà của bé cho biết. Riêng về cô An, cô cũng đến quầy của dì Hà và ăn cơm rượu mỗi ngày. Cô bé Gia Hân nhỏ hơn, cũng ăn ngon lành theo chị. “Cơm rượu ngon, ngọt, không có say chi hết mà con thích ăn lắm. Đến hè, con thích nhất được đi chợ rồi đi ăn chè, ăn bánh rồi ăn cơm rượu của bà Hà”, Phương Thảo tiếp lời bác An của mình.
Được biết, đối với những người bán hàng ở chợ, đi chợ hay chỉ vì mê món cơm rượu mà ghé chợ, thì thức quà này giống với một thứ nước giải khát vừa rẻ lại ngon, mà chất chứa hương vị gì khó quên. Quầy hàng nhỏ của dì Hà hết lượt khách này rồi đến lượt khách khác, mà ai đến dường như dì cũng nhớ mặt gọi tên và hỏi thăm đôi ba câu như người trong nhà.
Điều thú vị là trải qua hơn 30 năm mưu sinh và tìm niềm vui cuộc sống với món quà quê, dì Hà cho biết lượng bán vẫn ổn định như vậy và không thay đổi quá nhiều: “Từ xưa đến nay thì dì vẫn làm chừng ấy, bán như vậy đó. Mọi người vẫn ăn đều đặn chứ không có giảm hơn so với ngày xưa lắm. Mà tụi trẻ con vùng Cộn này vẫn thích cơm rượu nên có người lớn là khách hàng cũ, và mấy đứa trẻ nhỏ là những khách quen thân mới, nên đi chợ với dì là niềm vui”, dì Hà cho biết.
Nhiều người con của vùng Cộn ở những tỉnh thành khác hay thậm chí từ nước ngoài, khi đi xa trở về cũng muốn dùng ngay một chén cơm rượu mang hương vị của quê hương và tuổi thơ một thời. Chị Đặng Thị Thúy Nga (SN 1971), sinh sống và làm việc tại CHLB Đức, nhiều năm trở về cũng háo hức đi chợ và nếm lại vị cơm rượu của ngày xưa, như chưa hề thay đổi.
Cùng với cơm rượu, những quầy bánh rán, bánh chì, quầy chè hay một nồi đậu hũ,… tại chợ Cộn là những món quà vặt truyền thống, gắn liền với tuổi thơ của bao nhiêu thế hệ. Nay, các món ăn ngon dường như vẫn giữ vẹn nguyên hương vị đơn sơ, thuần mộc không biến tấu, không màu mè từ lối bán hàng chân chất ở chợ quê, tạo nên giá trị riêng và giữ một nét đẹp ý nghĩa của khu chợ.
An Đồng