Mong bệnh viện đừng thiếu thuốc

Quy định mới về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế của Bộ Y tế chỉ là một giải pháp tình thế trong trường hợp thiếu thuốc do khách quan.

Cấp phát thuốc cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Cấp phát thuốc cho bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Buổi sáng, mấy ông bạn hưu ngồi uống trà ở nhà ông Thê. Thấy ông Phương cầm điện thoại say sưa đọc tin tức trên mạng, thỉnh thoảng lại nhíu mày, ông Thê hỏi:

- Đọc gì mà chăm chú thế ông Phương?

- À, tôi đang đọc thông tư mới của Bộ Y tế quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh. Tôi bị tiểu đường, huyết áp cao, u tuyến tiền liệt, suy thận, tháng nào cũng phải đến bệnh viện ít nhất 1 lần. Thế nên phải đặc biệt lưu ý đến những quy định mới liên quan tới bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh.

- Quy định này mấy hôm trước tôi cũng đã xem. Đây là một trong những giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế khi bệnh viện thiếu thuốc đấy.

- Ối giời, người bệnh bỏ tiền ra mua thuốc xong phải tự đến cơ quan Bảo hiểm Xã hội làm thủ tục nhận tiền, rất mất thời gian và công sức. Mà có phải đơn giản đâu, cơ quan Bảo hiểm Xã hội phải thẩm định mới chi trả, lại thêm một lực lượng nữa để làm việc này. Nếu thuốc có hoạt chất cùng loại nhưng tên khác mà bệnh viện cho mua ngoài thì bệnh nhân cũng không được chi trả. Thêm nữa là chỉ được trả theo giá thầu, nếu người bệnh có mua đắt hơn cũng phải chịu. Thuốc là mặt hàng đặc biệt, người bán bảo bao nhiêu thì người mua theo chứ đâu dám thắc mắc…

- Cũng bất cập nhỉ. Đâu phải bệnh nhân nào cũng có tiền, đâu phải người bệnh nào cũng có người thân để ra ngoài mua thuốc, rồi chờ làm thủ tục nhận tiền.

- Đúng thế, chưa kể có thể phát sinh tiêu cực trục lợi quỹ bảo hiểm ấy.

- Ông lại “mách nước” cho những người có lòng tham rồi. Đầu năm 2025 thông tư mới có hiệu lực mà.

- Biết là khi luật đi vào cuộc sống mới thấy hết những điều có lợi, những cái không ổn, nhưng các ngành chức năng cũng phải lường trước được nhiều tình huống có thể xảy ra. Chỉ mong các cơ sở y tế không thiếu thuốc, vật tư y tế.

- Ai cũng mong thế nhưng thiếu thuốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào do nhiều nguyên nhân như do nguồn cung, do đấu thầu không có đơn vị trúng thầu, hoặc nhà thầu không cung ứng kịp thời…

- Thay vì người bệnh phải trực tiếp thanh toán với cơ quan Bảo hiểm Xã hội thì nên có cơ chế để bệnh viện chi trả cho người bệnh, rồi bệnh viện thanh toán lại với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Như thế rất gọn nhẹ, vừa giảm thủ tục cho người bệnh, đồng thời tăng trách nhiệm của bệnh viện trong việc bảo đảm thuốc, thiết bị y tế.

- Ý kiến hay đấy - ông Thê gật gù.

Im lặng nghe 2 ông Phương và Thê nói qua lại với nhau một hồi, ông Luyến mới lên tiếng:

- Đây chỉ là một giải pháp tình thế trong trường hợp thiếu thuốc do khách quan thôi. Trách nhiệm cung ứng thuốc, thiết bị y tế là của cơ sở y tế. Các bệnh viện phải bằng mọi cách, cố gắng hết sức để có thuốc cho người bệnh. Khi không được nữa mới áp dụng quy định trên.

Ngừng một lát, ông Luyến nói tiếp:

- Bộ Y tế khẳng định không mong muốn thực hiện quy định mới này nhưng vẫn phải ban hành để khắc phục những điều bất khả kháng. Đây mới chỉ là bước gỡ, là giải pháp tình thế trong giai đoạn ngắn nhằm bù đắp một phần chi phí mà người bệnh tự bỏ ra chứ không phải toàn bộ các ông ạ.

- Vâng, tôi hiểu rồi. Gốc rễ của vấn đề là các bệnh viện phải đấu thầu, mua đủ thuốc và vật tư y tế, đừng để thiếu - ông Phương đồng tình.

NGUYỄN VĂN CÁT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mong-benh-vien-dung-thieu-thuoc-397137.html