Mong nguồn nước sạch về vùng đất ô nhiễm

Hàng chục con người ở nơi bị ví như 'vùng đất chết' này đã tử vong vì căn bệnh ung thư. Nguyên nhân chưa được kết luận nhưng bà con cho rằng, do nguồn nước ngầm nhiễm độc từ việc khai thác quặng chrom, secpentin, amiang... gây ra. Bằng chứng hiện hữu, nhiều hộ dân, trường học không dám sử dụng nước hút lên từ lòng đất để sử dụng cho việc sinh hoạt hàng ngày.

Các bể nước mưa tại Trường Mầm non xã Tế Thắng chỉ đủ phục vụ việc nấu ăn cho con trẻ.

Các bể nước mưa tại Trường Mầm non xã Tế Thắng chỉ đủ phục vụ việc nấu ăn cho con trẻ.

Muốn quên đi quá khứ đau thương

Câu chuyện chúng tôi muốn đề cập ở đây xảy ra tại xã Tế Thắng, huyện Nông Cống (tỉnh Thanh Hóa). Địa phương này nằm dưới chân núi Nưa, nơi có nguồn quặng secpentin, chrom, amiang dồi dào, được người dân cũng như các doanh nghiệp khai thác cách đây nhiều thập kỷ. Tại địa phương này, từng có số lượng người chết do ung thư thuộc hàng nhiều nhất nhì tỉnh Thanh. Có giai đoạn, theo con số thống kê của ông Trần Minh Hán, khi ấy đương giữ chức Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tế Thắng, rằng: Trong một năm, riêng làng Thổ Vị có gần 10 người chết vì căn bệnh ung thư gan, phổi, đường tiêu hóa. Cũng theo con số thống kê của ông Hán, thì tại ngôi làng này, ít nhất có trên 70 trường hợp không thể vượt qua lưỡi hái tử thần do mắc căn bệnh đến nay y học vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Người dân Tế Thắng không hiểu vì đâu mà mình bị ung thư nên họ bàn với ông Hán viết thư gửi kèm theo các viên đá có chứa sợi amiang gửi cho giáo sư Nguyễn Công Thụy - nguyên Viện trưởng Viện K. Giáo sư Thụy đã hồi âm, khuyên bà con nên sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh, không hút thuốc lá, không uống nhiều rượu… Song cho tới nay, những lời khuyên đó vẫn không giúp cư dân bản địa cảm thấy yên tâm. Dựa trên sổ sách của ông Hán đưa ra cho thấy, số người chết do căn bệnh ung thư ở độ tuổi từ 30 - 55 chiếm 54%. Tại làng Thổ Vị có tới 7 gia đình có từ 2 người đến 4 người chết do bệnh K. Điểm hình, 4 số phận con người trong gia đình ông Vũ Đình Rung đều chết vì bệnh K. Đầu tiên là vợ ông, bà Phạm Thị Vẹm mất vì ung thư gan, tiếp theo người con trai Vũ Đình Thắng cũng chết do K gan, rồi đến người con thứ 3 -Vũ Đình Tân bị K phổi và cuối cùng là ông Rung qua đời vì K tiền liệt tuyến.

Cái cảm giác hoang mang trong hư vô bởi không rõ đâu là ngọn nguồn dẫn đến việc có không ít người mắc phải căn bệnh quái ác thật khủng khiếp. Họ không biết đâu là tác nhân gây nên sự nghiệt ngã đến kinh hoàng đối với con người, nguồn nước, amiang hay secpentin! Tất cả đều nằm trong sự nghi hoặc của những nông dân gắn cả đời mình với ruộng đồng, nơi chôn rau cắt rốn. Đến giờ, người dân Tế Thắng chỉ muốn quên đi quá khứ bi thương đó. Họ không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng thực sự quá khứ đau buồn đó vẫn hiện hữu trong trái tim những người thân thích. Chúng tôi không mong muốn, người dân càng không, nhưng tới nay vẫn chẳng ai dám khẳng định, nguồn nước ngầm nằm dưới gầm đất Tế Thắng có đảm bảo an toàn để họ sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày hay không!

Nước ngầm có vị mặn chát

Ông Hoàng Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã Tế Thắng cho biết: Toàn xã hiện có 1.567 hộ dân với 5.760 nhân khẩu chưa được sử dụng nguồn nước sạch. Bà con đã thực hiện việc khoan sâu xuống lòng đất tới 50m nhưng khi hút lên, nước có màu đen, vị mặn chát nên chả gia đình nào dám dùng vào việc đun nấu thức ăn. Do vậy, người dân phải đầu tư xây bể chứa, tích trữ nước mưa để dè sẻn sử dụng trong cả năm. Riêng nguồn nước ngầm họ chỉ dùng để rửa ráy, tưới cây. Song giếng khoan cũng có thời điểm khan hiếm nước, nhiều hộ dân cắm tới cả chục mũi mà vẫn chẳng thấy nước đâu. Ở các giếng khoan tìm thấy nước thì vào mùa khô, nước cũng cạn kiệt xuống mức thấp nhất.

Bà Nguyễn Thị Thêm ở thôn 5, xã Tế Thắng chia sẻ: Giếng nhà bà có độ sâu hơn 50m, không biết nhiễm chất gì nhưng nó có vị mặn. Nếu lấy nước này rửa đồ bằng kim loại thì bị hoen gỉ, hư hỏng, còn giặt quần áo bằng nước giếng khoan thì vải bị ố vàng. Nhà tôi khoan giếng cũng khó khăn lắm, khoan mấy lần mới có nước. Bà Thêm nói: “Vậy nhưng không sử dụng nước giếng sẽ rất khó khăn. Chưa hết, vào mùa khô, giếng nhà tôi cũng bị cạn. Mấy hôm nay, tôi đang phải xin nước nhà hàng xóm về dùng, vất vả lắm. Ông chồng tôi đi làm ăn xa, gom góp mua được cái bể chứa nước mưa nhưng cũng chỉ đủ để phục vụ cho việc nấu ăn mỗi ngày thôi”.

Trong khi đó, giếng khoan của gia đình bà Nguyễn Thị Hợp ở làng Thổ Vị lại bẩn, có phèn, nhớt và dính. Mỗi lần bơm nước lên, bà Hợp phải lọc hai lần để dùng vào việc tắm giặt. Bà Hợp mong muốn: “Ngôi làng này có rất nhiều người bị ung thư, có hộ bị cả nhà, có hộ bị hai vợ chồng chết vì căn bệnh quái ác. Chúng tôi nghi ngờ là do nguồn nước không đảm bảo. Nhân dân ai cũng mong mỏi chính quyền cấp tỉnh, huyện quan tâm, đầu tư khẩn cấp một dự án nước sạch để chúng tôi yên tâm trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe bản thân”.

Người dân Tế Thắng mong mỏi sớm được đầu tư công trình nước sạch.

Người dân Tế Thắng mong mỏi sớm được đầu tư công trình nước sạch.

Bao giờ có nguồn nước sạch?

Câu chuyện người dân Tế Thắng gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt đã đến mức vô cùng cấp thiết. Chính quyền địa phương, trạm y tế, trường học đóng trên địa bàn xã này đang phải vật lộn với vấn đề nước. Bà Đào Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tế Thắng khẳng định: Trường bơm nước ngầm lên để dọn rửa nhà vệ sinh, khi sàn khô thấy có lớp váng màu vàng bám vào. Để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ, nhà trường đã phải đầu tư xây dựng 4 bể chứa nước mưa, mỗi bể chứa được khoảng 20-30m3. “Chúng tôi lọc nước mưa theo phương pháp thủ công qua cát, sỏi để dùng nấu ăn uống quanh năm. Nhà trường mong muốn sớm có nguồn nước sạch phục vụ việc sinh hoạt hàng ngày của cô trò được đảm bảo. Trường cũng có nghe, xã được đầu tư dự án nước sạch nhưng đợi lâu quá, đến nay vẫn chưa có nên ai cũng mong mỏi”- bà Hoa nói.

Trước sự việc trên, ông Hoàng Văn Khánh - Chủ tịch UBND xã Tế Thắng xác nhận: 80-90% nước giếng khoan của xã có vị mặn, màu vàng, chứa sắt. Chính vì vậy, nhà nào cũng phải sắm thêm một bể chứa nước mưa để dùng cho việc ăn uống. Đến đầu năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho thực hiện một dự án nước sạch nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Bên cạnh đó, năm 2018, Viện Dân số, sức khỏe và phát triển cũng có dự án hỗ trợ người dân Tế Thắng với mong muốn bà con sớm được tiếp cận nguồn nước sạch bằng việc đấu nối đường ống nước từ chi nhánh cấp nước thị trấn Nông Cống về. Nhưng dự án không được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận vì trùng dự án đang được triển khai. Từ đó, câu chuyện nước sạch ở Tế Thắng chìm vào im lặng cho tới nay.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống đồng quan điểm: Hiện nay trên địa bàn xã Tế Thắng, nước sinh hoạt phục vụ nhân dân rất nan giải. Trong khi đó, nguồn nước ngầm lại không đảm bảo chất lượng, có nơi nước giếng khoan mang màu đen, nơi thì màu vàng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. “Tại các kỳ họp HĐND xã, huyện, nhiều lần cử tri đã kiến nghị về tình trạng này. Không chỉ bà con, với trách nhiệm của mình, huyện cũng đang rất nóng ruột, mong muốn sớm được Nhà nước đầu tư dự án cấp nước sạch phục vụ cho nhân dân xã Tế Thắng”- ông Tuấn nói.

Thiết nghĩ, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân thuộc trách nhiệm của các ngành chức năng. Trong đó, để đảm bảo cuộc sống cho người dân xã Tế Thắng, khẩn thiết nhất ở thời điểm này, địa phương cần được UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm đặc biệt, đầu tư một công trình cấp nước sạch phục vụ cho cuộc sống của hàng nghìn gia đình.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/mong-nguon-nuoc-sach-ve-vung-dat-o-nhiem-tintuc447369