Một cuộc đời, một lá gan

Ngày Thế giới phòng, chống viêm gan năm nay có chủ đề: 'Một cuộc đời, một lá gan' nhằm nêu bật tầm quan trọng của gan đối với cuộc sống khỏe mạnh và yêu cầu mở rộng quy mô phòng ngừa, xét nghiệm và điều trị viêm gan do vi-rút để bảo vệ sức khỏe của gan, ngăn ngừa bệnh gan và đạt các mục tiêu loại trừ viêm gan vào năm 2030.

Vi-rút viêm gan A, B, C, D và E có thể gây ra nhiễm trùng gan cấp tính và mạn tính, dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Các loại vi-rút này tạo thành nguy cơ lớn đe dọa sức khỏe toàn cầu. Tại Việt Nam, vi-rút viêm gan B là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan, tỷ lệ nhiễm viêm gan B ước tính từ 8 - 10% dân số.

Viêm gan B thường ít có những biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu khiến người bệnh chủ quan. Các triệu chứng viêm gan B xuất hiện rõ rệt khi bệnh đã tiến triển qua thời gian dài. Lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là nguồn chính gây nhiễm vi-rút viêm gan B mãn tính. Bởi vậy, tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ sau khi sinh, sau đó tiêm 2 - 3 liều trong vòng 6 tháng là biện pháp rất quan trọng để ngăn ngừa viêm gan B mãn tính và bảo vệ trẻ suốt đời khỏi nhiễm căn bệnh này.

Thống kê của ngành y tế tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 4.655/4.786 trẻ được tiêm vắc-xin phòng viêm gan B trong 24 giờ sau sinh, đạt 97,3%. Vắc-xin viêm gan B được triển khai tiêm tại các bệnh viện và một số phòng khám có tỷ lệ sinh cao, chưa triển khai tới các trạm y tế. Trước thực trạng ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng sinh con tại nhà còn phổ biến, để đảm bảo trẻ sơ sinh được tiêm vắc-xin viêm gan B phòng bệnh, ngành y tế đã triển khai tiêm vắc-xin phòng viêm gan B sơ sinh tại nhà, xây dựng mô hình thí điểm ở 13 xã thuộc vùng III của huyện Bắc Hà.

Các trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Hà đã xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin viêm gan B sơ sinh và thực hiện từ tháng 5/2023. Đến nay, đã có 18 trẻ sơ sinh tại các xã Thải Giàng Phố, Lùng Phình, Nậm Mòn, Cốc Ly, Bản Cái, Hoàng Thu Phố được tiêm chủng. Chị Hoàng Linh Chi, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Thu Phố cho biết: Khi nắm được thông tin về trường hợp sinh tại nhà thông qua đội ngũ y tế thôn, chúng tôi đến tuyên truyền cho gia đình lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ và nhận được sự đồng thuận. Cán bộ y tế của trạm đã được tập huấn các bước thực hành và an toàn trong tiêm chủng.

Bệnh viêm gan B cũng có thể lây nhiễm qua nhiều con đường khác, như tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch cơ thể khi quan hệ tình dục, tiêm chích không an toàn hoặc tiếp xúc với dụng cụ sắc nhọn; tiếp xúc với máu của người nhiễm vi-rút viêm gan B qua vết thương hở; sau khi thực hiện thủ thuật y tế như làm răng, nạo hút thai, cắt bao quy đầu, nội soi đường tiêu hóa...

Nhờ sự phát triển của y học, người dân có thể tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh viêm gan A và viêm gan B. Bên cạnh đó, để phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan, chúng ta nên thực hiện một số biện pháp, như không dùng chung kim tiêm, không dùng chung các vật dụng cá nhân (dao cạo râu, bàn chải đánh răng…); thực hiện an toàn tình dục; ăn chín uống sôi; có lối sống lành mạnh, tập thể dục hằng ngày; hạn chế sử dụng rượu, bia; kiểm soát cân nặng và điều trị thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ…

Ông Mai Đại Thành, Trưởng Phòng Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Cộng đồng hãy nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh viêm gan, thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm, chủ động tiếp cận dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan để bảo vệ sức khỏe. Mỗi người dân cần đi tầm soát các bệnh lý viêm gan ít nhất 1 lần dù chưa có biểu hiện bệnh để phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mot-cuoc-doi-mot-la-gan-post371403.html