Một kỳ World Cup đặc biệt và những giá trị truyền thống của tình yêu bóng đá

Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, yếu tố tinh thần, niềm tự hào truyền thống là hết sức quan trọng. Nó góp phần xây dựng, củng cố lòng tin và sự tự tin đối với các vận động viên, cầu thủ, giúp họ phát huy được tối đa khả năng của mình để giành chiến thắng.

Qatar hứa hẹn một lễ khai mạc World Cup hoành tráng và xa hoa

Sau nhiều tai tiếng trong quá trình vài năm xây dựng các cơ sở hạ tầng và công tác chuẩn bị, nước chủ nhà Qatar sẽ tổ chức lễ khai mạc World Cup 2022 vào tối nay trên Sân vận động Al Bayt ở thành phố Al Khor, ngay trước trận mở màn gặp Ecuador ở bảng A. Có thể nói đây là kỳ World Cup rất đặc biệt bởi lần đầu tiên trong lịch sử 22 lần được tổ chức, giải vô địch bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh diễn ra không phải vào dịp hè như thường lệ mà vào mùa đông, dịp cuối năm. Đó cũng là bởi vì quốc gia Tây Á này nằm ở khu vực có khí hậu sa mạc khô nóng, mùa hè nắng nóng kéo dài và nhiệt độ có lúc lên tới 44 độ C. Chính vì vậy, World Cup 2022 được tính toán diễn ra vào mùa đông khi khu vực này có nhiệt độ trung bình từ 10-20 độ C, mùa được coi là mát mẻ nhất trong năm ở Qatar và điều đó cũng làm xáo trộn không ít lịch thi đấu bóng đá quốc tế vào dịp này.

Qatar hứa hẹn một lễ khai mạc World Cup hoành tráng và xa hoa

Qatar hứa hẹn một lễ khai mạc World Cup hoành tráng và xa hoa

Sau Hàn Quốc và Nhật Bản, Qatar là quốc gia thứ ba của châu Á trở thành nước chủ nhà tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới (FIFA World Cup). Với sự giàu có đến từ khí đốt và dầu mỏ, Qatar đã tạo một kỷ lục thế giới mới về chi phí cho một kỳ World Cup khi đầu tư hơn 200 tỷ USD, gấp gần 20 lần so với chi phí mà Nga đầu tư tổ chức giải đấu năm 2018. Nước chủ nhà cũng cho biết World Cup 2022 chỉ là một phần của kế hoạch "Tầm nhìn Qatar 2030" - chiến lược của Chính phủ Qatar nhằm thúc đẩy sự phát triển chuyên sâu của đô thị, cơ sở vật chất và công nghiệp quốc gia.

Nước chủ nhà Qatar hứa hẹn khán giả sẽ được chứng kiến lễ khai mạc World Cup hoành tráng nhất trong lịch sử, với màn trình diễn pháo hoa ấn tượng và chương trình ca nhạc với sự góp mặt của nhiều ca sĩ, ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới hiện tại. Việc World Cup 2022 bắt đầu bằng một màn trình diễn âm nhạc hoành tráng cũng khác biệt hẳn so với nhiều kỳ World Cup gần đây thường nghiêng về các cuộc đồng diễn là chính yếu.

Có thể thấy thông điệp từ World Cup 2022 cũng có phần ảnh hưởng từ quá khứ, với lịch sử các bài hát của World Cup được xem là một phần không thể thiếu và bắt nguồn từ World Cup 1962 ở Chile. Khi đó, người ta muốn ghi dấu ấn ở một kỳ World Cup không chỉ là các cuộc tranh tài trên sân cỏ mà còn là âm nhạc, biểu tượng cho từng thời kỳ của thế giới.

Các bảng đấu tại World Cup 2022

Các bảng đấu tại World Cup 2022

Từ 4 kỳ World Cup gần đây nhất (các năm 2006 - Italy, 2010 – Tây Ban Nha, 2014 – Đức, 2018 - Pháp), chiếc Cúp Vàng thế giới đều thuộc về các đội bóng châu Âu và “lục địa già” đã vượt khu vực Nam Mỹ (9 lần vô địch) với 12 lần vô địch. Điều đó cũng cho thấy sự hiệu quả của bóng đá kỷ luật, khoa học đang vượt trội. Châu Âu và Nam Mỹ vẫn sẽ là hai đối thủ chính đua tranh Cúp Vàng tại World Cup lần này, với những đại biểu như Brazil, Argentina, Pháp, Đức, Tây Ban Nha. Một lần nữa, người hâm mộ sẽ ngóng đợi về việc đội bóng nào sẽ là chủ nhân của chức vô địch thế giới. Cúp Vàng danh giá sẽ vượt biển đến Nam Mỹ hay thêm một lần nữa ở lại châu Âu?

World Cup lần này cũng có thêm những sự kiện “đặc biệt”: Một trong những “ông kẹ” của bóng đá thế giới là Italy – đội đương kim vô địch châu Âu - không có cơ hội đua tranh khi không thể vượt qua vòng loại để tham dự lễ hội bóng đá hấp dẫn này, bỏ lỡ cơ hội cùng ĐT Đức san bằng kỷ lục 5 lần vô địch của ĐT Brazil. Đây là lần thứ hai liên tiếp sân khấu bóng đá lớn nhất hành tinh vắng bóng họ - đội tuyển từng 4 lần lên đỉnh thế giới, chỉ kém mỗi Brazil (5 lần). Bi thảm hơn nữa khi đoàn quân áo Thiên thanh mới cho thấy sự lột xác ngoạn mục với chức vô địch EURO 2020 hồi hè năm ngoái. Bên cạnh đó, một đội tuyển khác cũng vắng mặt là Nga do bị FIFA hủy tư cách tham dự vì liên quan đến cuộc xung đột với Ukraine.

Ronaldo và Messi

Ronaldo và Messi

Nhắc đến giải đấu đặc biệt lần này trên đất Trung Đông với thời tiết khắc nghiệt, không thể không nói tới chuyện của 2 siêu sao bóng đá nổi tiếng nhất hiện nay: Messi-Ronaldo. Gần như chắc chắn, World Cup 2022 sẽ là giải đấu lớn cuối cùng của 2 danh thủ này. Ronaldo (37 tuổi) và Messi (35 tuổi) đã ở thời khắc cuối của sự nghiệp lừng lẫy với đầy rẫy vinh quang sáng chói nhất. “Tre già, măng mọc” là quy luật tự nhiên và họ sẽ nhường lại những sân khấu lớn cho các tài năng trẻ nổi bật hiện nay như Kylian Mbappé (24 tuổi), Erling Haaland (22 tuổi), Pedri (22 tuổi), Vinicius Junior (22 tuổi), Rodrygo (21 tuổi), Gavi (18 tuổi)… Kỷ nguyên Messi-Ronaldo sắp khép lại để mở ra kỷ nguyên cho những tài năng trẻ đang trong độ tuổi tươi mới, đầy khát khao nhưng cũng rất nhiều thử thách chông gai trong môi trường ngày càng khắc nghiệt hơn của bóng đá hiện đại.

Những giá trị truyền thống của tình yêu bóng đá

Và cũng vẫn như mọi kỳ World Cup, các đội bóng châu Phi, châu Á và khu vực khác sẽ đến với ngày hội cũng chỉ để tiếp tục cải thiện thành thích tham dự của chính mình chứ chưa đủ “tầm” để lọt vào đến trận chung kết tranh Cúp Vàng thế giới? Bóng đá sẽ không còn hấp dẫn nếu thiếu đi những bất ngờ và sự khó lường. Một đội bóng hùng mạnh chưa chắc đã chiến thắng một đội bóng yếu hơn mình. Những tính toán, đánh giá khoa học hay mang tính “bắc cầu” theo kiểu thắng đội này thì sẽ thắng đội yếu hơn đều không có kết quả chính xác trong môn “thể thao vua” này. Tỷ số của một trận đấu chưa thể dừng lại khi trái bóng còn lăn và tiếng còi kết thúc trận đấu của trọng tài chưa cất lên.

Nhưng bóng đá vẫn có những “định luật” bất biến khi sự may mắn là chưa đủ mà còn có “ngưỡng” của đẳng cấp, của trình độ, của nền tảng đào tạo từ cơ sở, từ các câu lạc bộ, mà điều đó thì bóng đá châu Phi, châu Á hiện giờ chưa thể sánh bằng các nền bóng đá châu Âu, Nam Mỹ. Chính vì lẽ đó mà tại các giải đấu lớn, như Champions League thì Real Madrid được nhắc đến như mặc định mang trong mình “ADN vô địch” của giải đấu này, còn tại World Cup thì khi nhắc đến ứng cử viên vô địch sẽ luôn là những cái tên như Brazil, Argentina, Đức, Italy và gần đây là thêm Pháp, Tây Ban Nha. Đó là truyền thống, là những chiến công, những chiếc Cúp vô địch cao quý được bày ở phòng truyền thống mà bao thế hệ cầu thủ của các cường quốc bóng đá giành được.

Cổ động viên Việt Nam luôn cổ vũ cuồng nhiệt.

Cổ động viên Việt Nam luôn cổ vũ cuồng nhiệt.

Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, yếu tố tinh thần, niềm tự hào truyền thống là hết sức quan trọng. Nó góp phần xây dựng, củng cố lòng tin và sự tự tin đối với các vận động viên, cầu thủ, giúp họ phát huy được tối đa khả năng của mình để giành chiến thắng. Trong các trận bóng đá ở châu Âu hay Nam Mỹ, các đội bóng, các câu lạc bộ đều có những bài hát truyền thống ngợi ca hào hùng, khích lệ các cầu thủ đang thi đấu trên sân. Từ trẻ em đến người già đều thuộc và say mê hát nó khiến bầu không khí trên sân bóng thật đặc biệt. Và những thế hệ cổ động viên sau này khi đến sân xem bóng đá cũng sẽ kế tiếp hát các bài hát đó với những gương mặt đầy tự hào vì tình yêu của mình dành cho đội bóng con cưng. Đó mới là truyền thống, đó mới là bóng đá.

Về tình yêu bóng đá, người hâm mộ Việt Nam chắc chắn không thua kém bất cứ nơi nào trên trái đất này, thậm chí có thể nói là có lúc quá cuồng nhiệt. Từ thời đất nước còn chiến tranh, đời sống còn khó khăn thì tình yêu bóng đá của người Việt Nam luôn bùng cháy trên các sân cỏ, hay ở những lúc chen chúc xem chung nhau qua một chiếc tivi đen-trắng nhiễu mờ vài chục năm trước đây. Tình yêu đó vẫn luôn được duy trì và bồi đắp từ thế hệ này qua thế hệ khác, tuy có lúc thăng trầm theo thành tích của đội tuyển quốc gia, của mỗi đội bóng mà họ hâm mộ, yêu quý. Đó cũng là một truyền thống, là tài sản lớn để bóng đá Việt Nam vươn cao hơn trong tương lai.

Mỗi mùa World Cup, EURO hay các giải đấu có ĐT Việt Nam tham gia tranh tài đều thấy được sự cuồng nhiệt và tình yêu bóng đá như thế ở khắp mọi nơi. Nhiều tụ điểm xem bóng đá với màn hình lớn, tại các quán ăn, quán bar hay thậm chí là chiếc tivi ở một hiệu tạp hóa ven đường đều đông kín người chăm chú theo dõi. Xem bóng đá mà ngồi ở nhà một mình thì chẳng có gì vui và đối với các cổ động viên Việt Nam thì cần phải xem ở chỗ đông người, náo nhiệt và quan trọng nhất là được hò hét thỏa thích. Những âm thanh xuýt xoa tiếc nuối hay sự bùng nổ với âm lượng desibel cực đại của từ “Vào…” đã từng gây ấn tượng mạnh với các vị khách nước ngoài khi đến mảnh đất hình chữ S này. Từ nhân viên công chức nhà nước đến anh chạy xe ôm, người lao động ngoài trời sẽ phải cân bằng đồng hồ sinh học của mình mỗi khi mùa World Cup đến, khi trải qua hàng tháng trời “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”.

Chắc chắn sáng hôm sau mỗi đêm diễn ra những trận cầu hấp dẫn, tại các bàn cà phê, quán ăn, nơi làm việc hay bất cứ đâu… sẽ là những câu chuyện bình phẩm về bóng đá. Và họ cũng luôn mơ ước và kỳ vọng ĐT Việt Nam lần đầu tiên sẽ góp mặt tại giải đấu lớn nhất hành tinh khi từ World Cup 2026, số đội bóng tham dự sẽ được nâng lên tới 48 đội so với 32 đội như hiện nay./.

Nguyễn Hải/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-thao/mot-ky-world-cup-dac-biet-va-nhung-gia-tri-truyen-thong-cua-tinh-yeu-bong-da-post983826.vov