Một lòng theo Đảng

Trở lại Lộc Ninh, vùng đất anh hùng, thủ đô kháng chiến, thủ phủ Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần kiên trung của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng bào không ngần ngại gian khổ một lòng theo Đảng, sẵn lòng ăn các loại rau rừng để nhường cơm, gạo, muối cho cách mạng, bộ đội địa phương đấu tranh chống giặc, giành độc lập cho dân tộc. Khi đất nước hòa bình, Lộc Ninh không ngừng phát triển lớn mạnh, nhân dân biên giới, trong đó có đồng bào DTTS luôn đoàn kết một lòng tin yêu theo Đảng, chính quyền.

Ăn củ chụp, nhường cơm cho cách mạng

Lớn lên giữa căn cứ cách mạng, ông Lâm Móp (SN 1951, dân tộc Khmer) ở xã Lộc Quang sớm ý thức tinh thần đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Khi mới 15 tuổi, ông đã thoát ly tham gia kháng chiến trên chiến trường Lộc Ninh. Sau khi huyện Lộc Ninh thành lập Đại đội vũ trang địa phương C31, ông Lâm Móp được phân công phụ trách Tiểu đội phó Tiểu đội 1, Đại đội C31. Ông nhớ lại: Bấy giờ, đồng bào Khmer ở xã Lộc Quang nói riêng và toàn huyện Lộc Ninh nói chung đều một lòng theo cách mạng. Nếu thanh niên trai tráng khỏe mạnh xung phong đi bộ đội thì các lực lượng khác ở lại địa phương cùng đoàn kết một lòng với bộ đội, nuôi giấu cán bộ cách mạng nằm vùng. Khi ấy đồng bào DTTS nơi đây dù khó khăn nhưng rất vui vẻ vào rừng đào củ chụp, củ chuối để ăn, còn dành lương thực, gạo, muối cho cán bộ cách mạng và gom góp gửi cho bộ đội chiến đấu chống giặc.

Các cựu chiến binh DTTS xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh ôn lại kỷ niệm một thời xông pha nơi lửa đạn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh

Các cựu chiến binh DTTS xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh ôn lại kỷ niệm một thời xông pha nơi lửa đạn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh

Ở Lộc Quang bấy giờ có 82 trường hợp, trong đó có 13 hộ đồng bào Khmer và S’tiêng đã khéo léo nuôi giấu bộ đội, đoàn kết bảo vệ cách mạng.

Còn tại xã Lộc Tấn, những năm sau chiến lược chiến tranh mùa khô (1965-1967), đồng bào đã đoàn kết cùng với cán bộ, nhân dân toàn xã và huyện Lộc Ninh kiên quyết đấu tranh, nhường cơm, sẻ áo để cùng chiến đấu giành độc lập, tự do. Trong cuốn Lịch sử xã Lộc Tấn (1930-2006) còn ghi rõ: “Trên mặt trận chống bình định, phong trào đấu tranh của nhân dân ở Lộc Tấn liên tục phát triển. Các ấp dân tộc như ấp Bù Núi và các khu tập trung của người DTTS, bà con S’tiêng luôn tỏ rõ lòng tin yêu vào cách mạng, vào Đảng. Dân sóc Bù Núi chưa đầy nửa tháng đã dành dụm và tìm mọi cách mua hơn 50kg gạo gửi vào cứ cho cán bộ cách mạng” (trang 115, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh).

Với tinh thần một lòng theo Đảng, đồng bào DTTS ở Lộc Ninh đã sáng tạo bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng.

Tin theo Đảng, đời sống ấm no

50 năm sau ngày giải phóng, huyện Lộc Ninh đang từng ngày đổi thay phát triển. Nhiều vùng đồng bào DTTS đã đoàn kết, đồng lòng theo Đảng, không ngừng tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu cho quê hương, gia đình.

Sau gần 10 năm về vùng kinh tế mới, đời sống gia đình anh Kim Phi Công ở khu định canh, định cư xã Lộc Thành đã thật sự khởi sắc. Ngôi nhà đại đoàn kết cấp từ năm 2014 nay được anh sửa sang, hoàn thiện lại, kiên cố, khang trang hơn. Trong ngôi nhà mới, anh đã sắm sửa nhiều thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu vật chất và hưởng thụ tinh thần của các thành viên trong gia đình. Không ngừng đổi mới sáng tạo và chăm chỉ lao động, sản xuất, hiện nay, gia đình anh Công là một trong những hộ có đời sống khá trong vùng, cùng góp sức làm thay đổi diện mạo khu vực đồng bào DTTS.

Anh Công chia sẻ: Khi về định cư ở đây, ngoài được hỗ trợ nhà, 1 ha đất canh tác, chúng tôi còn được hỗ trợ cặp bò sinh sản. Tuy nhiên, sau 3 năm chăn nuôi không mang lại hiệu quả cao, tôi xin chuyển đổi sang nuôi dê sinh sản và dê thương phẩm. Số vốn từ bán bò, tôi đầu tư chuồng trại, con giống và chăm sóc đàn dê. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã luôn tạo bệ đỡ kịp thời để gia đình tôi nỗ lực vươn lên.

Ông Nguyễn Cao Thanh Sang, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Thành cho biết: Khu định canh, định cư xã Lộc Thành có 62 hộ dân tộc S’tiêng và Khmer không có đất ở, đất sản xuất từ các xã Lộc Thiện và Lộc Thành được tập hợp về đây sinh sống. Bên cạnh được cấp nhà ở, 1 ha đất sản xuất, các hộ dân sinh sống tại đây còn được trao phương tiện sản xuất, con giống để thay đổi cuộc sống. Điều đó cho thấy, dự án định canh, định cư càng khẳng định, chính sách mà Đảng, Nhà nước luôn quyết tâm thực hiện đối với đồng bào DTTS ở khu vực khó khăn là một chủ trương đúng đắn và hợp lòng dân.

Huyện Lộc Ninh có 14 thành phần dân tộc cùng sinh sống, đồng bào DTTS chiếm gần 21%. Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, UBND huyện tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để dân hiểu và bằng nhiều cách để dân tránh tin theo các thế lực thù địch. Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư các chương trình, dự án cho vùng đồng bào DTTS, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Hồ Quang Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

Cẩm Liên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/131971/mot-long-theo-dang