Một nửa của đặc sản

Từ một món ăn, người ta không chỉ hiểu về giá trị lao động mà còn biết tới tính văn hóa của vùng đất sản sinh ra món ăn ấy.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vừa công bố, sau gần 10 năm triển khai, hành trình tìm kiếm và quảng bá các giá trị ẩm thựcViệt Nam đã tìm ra top 100 món ăn đặc sản và top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Tiêu chí đề xuất, lựa chọn món ăn mang hơi thở của Việt Nam. Các món ăn sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên để chế biến, khẩu vị phù hợp với nhiều người, tốt cho sức khỏe…

Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam, gồm: Gỏi sầu đâu khô cá lóc (An Giang), cơm trái dừa (Bến Tre), hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang), cua Năm Căn (Cà Mau), vịt nấu chao (Cần Thơ), hủ tiếu Sa Đéc (Đồng Tháp), gỏi cá trích (Kiên Giang), bún chả cá Quy Nhơn (Bình Định), lẩu thả (Bình Thuận), phở khô (Gia Lai), bún bò (Huế), rau bò khai Ba Bể (Bắc Kạn), bánh đa cua (Hải Phòng), thắng cố Bắc Hà (Lào Cai), súp lươn (Nghệ An), chả mực Hạ Long (Quảng Ninh)…

Có thể thấy, những món ăn được bầu chọn đều là những đặc sản rất đặc trưng của các vùng miền. Món ăn không chỉ ngon, nhiều người ưa thích, có lợi cho sức khỏe mà còn đầy đủ các yếu tố đại diện cho văn hóa của vùng đất hình thành món ăn đó.

Văn hóa ẩm thực là nét văn hóa tự nhiên hình thành trong cuộc sống. Với mọi vùng miền, ẩm thực không chỉ mang tính vật chất mà còn ẩn chứa ý nghĩa tinh thần. Qua ẩm thực người ta có thể hiểu được con người, lối sống, đạo lý, phép tắc, phong tục.

Việc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam thực hiện hành trình gần 10 năm trời để tôn vinh giá trị ẩm thực là cần thiết. Thế nhưng, trong việc bình chọn và tôn vinh ẩm thực lại cũng đặt ra những câu hỏi cho tương lai, rằng món ăn ấy có giữ được vị thế và nâng tầm văn hóa hay không?

Một ví dụ đơn giản trong top 100 món ăn vừa được bầu chọn là thắng cố Bắc Hà (Lào Cai). Nếu bạn ăn trong các nhà hàng sang trọng thì món ăn này hoàn toàn khác lạ với thắng cố ở chợ phiên Bắc Hà. Tại hầu hết các nhà hàng, nậm pịa (phân non) bị loại trừ vì cho rằng không đảm bảo vệ sinh. Trong khi đó, đặc trưng để tạo ra món thắng cố chính là nậm pịa. Những người sành ăn còn nói rằng “không nậm pịa bất thành thắng cố”.

Trong xã hội hiện đại, nhiều quan niệm bị thay đổi, nhiều giá trị bị đảo lộn. Thử hỏi có bao nhiêu người nội trợ biết làm món đặc sản của vùng quê mình đang sống? Có bao nhiêu người biết trân trọng ẩm thực quê hương?

Nhìn đám trẻ nhỏ bây giờ, chúng chỉ biết đến đồ ăn nhanh như phô mai que, xúc xích, bim bim… chứ nào biết đến ẩm thực quê mình. Bậc làm cha mẹ, mấy người giảng giải cho con em mình về giá trị ẩm thực?

Vì vội vã với công việc mà bát mì tôm thay cho phở nóng, món ăn nhanh độc hại thay cho dinh dưỡng mẹ nấu. Đó là chưa nói đến từ một món ăn, cha mẹ có thể dạy dỗ con cái mình hiểu được giá trị lao động, biết được cách làm cũng như cách ăn, cách mời cũng như hướng ngồi, như các cụ xưa từng dạy “học ăn, học nói”.

Một nửa của đặc sản là văn hóa. Văn hóa sản sinh ra món ăn, nhưng chính món ăn cũng bồi đắp làm dày tầng văn hóa. Thế nên người xưa mới gọi là “văn hóa ẩm thực”. Thiếu văn hóa, nem công chả phượng cũng trở nên vô nghĩa.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/mot-nua-cua-dac-san-cb4lwXyMg.html