Một số kết quả trong xây dựng nông thôn mới (Bài 2)

Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế tuyến huyện và tuyến xã, là tuyến y tế gần dân nhất, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Từ đó góp phần thực hiện công bằng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và bảo đảm an sinh xã hội.

Xem bài 1

Y tế cơ sở không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân mà còn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia với việc đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế. Việc nâng cao năng lực hoạt động cho hệ thống y tế cơ sở không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng mà còn tạo tiền đề cho các địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.

Trà Vinh hiện có 120 đơn vị trực thuộc Sở Y tế; trong đó, tuyến tỉnh có 11 cơ sở, tuyến huyện, thị xã, thành phố có 09 cơ sở, tuyến xã, phường, thị trấn có 100 cơ sở gồm: 99 trạm y tế và Phòng khám Đa khoa khu vực Hòa Minh, huyện Châu Thành. Tổng số nhân lực y tế công lập trên 3.370 người, trong đó, trên 1.420 người công tác tại tuyến y tế cơ sở. Thực hiện tiêu chí 15 về Y tế, những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng y tế cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh: hiện toàn tỉnh có 09 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 06 Trung tâm Y tế các huyện: Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè, Trà Cú, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải có giường bệnh và thực hiện 02 chức năng là y tế dự phòng và khám, chữa bệnh, 03 Trung tâm Y tế còn lại thực hiện chức năng y tế dự phòng (do tại địa phương đã có bệnh viện đa khoa).

Thời gian qua, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã và thành phố đã được đầu tư xây mới và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp mở rộng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị thiết yếu và nhiều trang thiết bị hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân ở tuyến cơ sở và giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Ngoài ra, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Bên cạnh, nhiều trạm y tế xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân địa phương, 100% trạm đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% trạm y tế có bác sĩ góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và thực hiện tốt công tác y tế dự phòng tại cơ sở.

Bác sĩ Sơn My, Trạm Y tế Phương Thạnh khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế.

Bác sĩ Sơn My, Trạm Y tế Phương Thạnh khám bệnh cho người dân tại Trạm Y tế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Tiểu Cần cho biết: huyện Tiểu Cần có Bệnh viện Đa khoa khu vực và 14 trạm y tế xã, thị trấn, 100% trạm y tế có bác sĩ, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong 06 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế trong huyện thực hiện khám, chữa bệnh cho trên 73.000 lượt người. Đồng thời, thực hiện tốt các công tác y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em… Thực hiện tiêu chí y tế trong XDNTM, ngoài tập trung đầu tư hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực, đội ngũ y, bác sĩ còn tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân. Đồng thời, các trạm y tế phối hợp chính quyền địa phương cài đặt sổ sức khỏe điện tử cho người dân…

Tại Trạm Y tế xã Hiếu Trung, đơn vị đạt chuẩn quốc gia về y tế đầu tiên của huyện Tiểu Cần, theo Bác sĩ Thạch Nệt Sa Mết, Trưởng Trạm Y tế: bình quân hàng ngày trạm tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, người dân tin tưởng vào khả năng khám, điều trị của y, bác sĩ tại địa phương. Ngoài khám, chữa bệnh thông thường, Trạm còn thực hiện một số kỹ thuật, thủ thuật, khâu rửa vết thương, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng bệnh, điều trị Đông - Tây y kết hợp, dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Huyện Càng Long cũng là đơn vị thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đảm bảo yêu cầu tiêu chí y tế trong XDNTM.

Trạm Y tế xã Phương Thạnh có 13 phòng chuyên môn, 07 nhân sự, đảm bảo chuẩn quốc gia về y tế. Bác sĩ Chuyên khoa I Sơn My, Trưởng Trạm Y tế Phương Thạnh cho biết: ngoài khám bệnh, điều trị, dự phòng, Trạm Y tế Phương Thạnh còn thực hiện siêu âm chẩn đoán bệnh, tạo niềm tin cho người dân địa phương. Với dân số khoảng 12.500 người, bình quân hàng tháng có trên 700 lượt người dân đến khám, chữa bệnh, tập thể y, bác sĩ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Ông Trần Văn Út, đến Trạm Y tế tái khám chia sẻ: tôi hay bệnh, nhất là tăng huyết áp, đau nhức nên thường đến Trạm khám và nhận thuốc bảo hiểm y tế giúp duy trì sức khỏe. Y, bác sĩ rất vui vẻ, tận tình điều trị và hướng dẫn cách ăn uống giúp cải thiện sức khỏe.

Ngoài thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chất lượng khám, chữa bệnh và hoạt động của hệ thống y tế cơ sở từng bước được nâng lên. Đồng thời, kéo giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Nhằm tạo niềm tin của người dân đối với tuyến y tế cơ sở, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Bên cạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông để Nhân dân hiểu và tin tưởng vào chất lượng y tế cơ sở.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/mot-so-ket-qua-trong-xay-dung-nong-thon-moi-bai-2-39237.html