Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy

Trong tiếng Việt, rất nhiều từ ghép đẳng lập bị nhận lầm là từ láy. Sau đây là một số trường hợp mà nhóm biên soạn Từ điển từ láy tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB Khoa học Xã hội - 2011) đã thu thập và giải nghĩa (phần sau gạch đầu dòng để trong ngoặc kép là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi).

- “RẠNG RỠ tt. 1. Sáng lên rực rỡ. Ánh ban mai rạng rỡ. Gương mặt rạng rỡ. 2. Vẻ vang, được nhiều người biết đến và cảm phục. Danh tiếng ngày một rạng rỡ. Chiến thắng Điện Biên Phủ làm rạng rỡ cho dân tộc”.

Thực ra rạng rỡ là từ ghép đẳng lập [nghĩa đồng đại]; cụ thể: rạng gốc Hán là chữ lượng 亮 nghĩa là sáng (như rạng ngời; “Rạng đông trên quê hương Việt Nam” - tên một bài hát); rỡ nghĩa là rõ rệt, sáng ngời (như rực rỡ; sáng rỡ; rỡ rỡ; rờ rỡ):

- Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên giảng nghĩa của từng thành tố như sau: “rạng 2 ở trạng thái sáng hẳn lên: nụ cười làm rạng cả khuôn mặt ~ đèn nhà ai, nhà ấy rạng (tng)”; “rỡ • t. [cũ] sáng ngời một cách đẹp đẽ: nắng vàng rỡ ~ Một trận khói tan, Nghìn năm tiết rỡ. Đn: rỡ ràng”.

Những ngữ liệu “nụ cười làm rạng cả khuôn mặt”, “Một trận khói tan, Nghìn năm tiết rỡ”, cho thấy cả rạng và rỡ đều độc lập trong hành chức, nên trong từ rạng rỡ không có yếu tố láy.

- “RỰC RỠ tt. Có nhiều màu sắc tươi đẹp, lộng lẫy, đáng chiêm ngưỡng. Trang hoàng rực rỡ. Ngày chiến thắng thành phố rực rỡ cờ hoa. “Nắng trưa rực rỡ sao vàng”. (Tố Hữu). Tương lai rực rỡ của đất nước”.

Rực rỡ cũng là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: rực nghĩa là sáng bừng lên, tỏa ánh hào quang hoặc sức nóng mạnh mẽ (như sáng rực; đỏ rực; Ánh sáng bỗng rực lên cuối trời; bếp lửa rực hồng); rỡ nghĩa là sáng ngời lên một cách tươi đẹp (như Vầng dương sáng rỡ; Nắng vàng rỡ... Xin xem lại mục RẠNG RỠ phía trên).

Những ngữ liệu như “bếp than cháy rực lên”, “nắng vàng rỡ”, cho thấy rực rỡ là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.

- “NHẢY NHÓT đgt. Nhảy bằng những động tác trẻ, vui và thích thú. Vừa đi vừa nhảy nhót như con sáo. Chúng vùng vẫy, nhảy nhót, nhào lộn (...) rồi kéo nhau vụt chạy giống như đàn ngựa phi nước đại” (Võ Quảng). “Suốt ngày cô bé nhảy tưng tưng ngoài hành lang như nốt nhạc nhảy nhót trên khuông nhạc” (Ma Văn Kháng).

Nhảy nhót là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: nhảy nghĩa là nhún chân, bật cả thân mình lên cao để di chuyển, hoặc vượt qua một chướng ngại, khoảng cách nào đó (như Thằng bé vừa đi vừa nhảy chân sáo.); nhót là vừa đi vừa nhún bước, theo kiểu chân co chân duỗi, chân cao chân thấp, chân nặng chân nhẹ (như: đi nhót nhân; đi cà nhót):

- Đại Nam quấc âm tự điển giải nghĩa: “nhót. n. Súc mình, rút lại. Nhót chơn. Chơn rút lại, phải đi nhón, không đi cả bàn được”.

- Việt Nam tự điển: “nhảy • 1 Co chân lại mà cất mình lên <> Nhảy qua, nhảy xuống”; “nhót • Nói bộ người một chân có tật, đi không được bằng - thang <> Đi nhót chân”.

Tham khảo: Nhót trong tiếng Thanh Hóa còn có nghĩa là nhảy, lẻn đi một cách nhanh chóng (thường với hàm ý quở mắng, như Vừa sáng ra đã nhót lên cây rồi [leo trèo cây nghịch ngợm]; Nó nhót đi chơi rồi!).

Như vậy, nhảy nhót là từ ghép đẳng lập, không phải từ láy.

- “RÓN RÉN pht. (Động tác) thật nhẹ nhàng, cố kìm nén mình để không gây tiếng động hoặc điều gì thất thố. Rón rén đến sau lưng bạn. Rón rén bước vào phòng. Ăn rón rén từng hạt một. Rón rén thưa. “Nó rón rén đứng nép vào cạnh cửa, thập thò ghé vào trong nhà và lắng tai nghe” (Nguyễn Công Hoan).

Rón rén là từ ghép đẳng lập [đồng đại]: rón nghĩa là nhón, bước nhẹ bằng đầu bàn chân (như: rón bước; Tôi rón chân nhẹ nhàng đi vào phòng); rén cũng có nghĩa là đi nhón chân một cách nhẹ nhàng (như: rén bước mà đi). Rất nhiều cuốn từ điển chúng tôi có trong tay ghi nhận nghĩa độc lập của rón và rén. Sau đây, xin đơn cử Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê: “rón • đg. [ph] xem nhón. “Hoa rằng: Bà đến đã lâu, Rón chân đứng nép độ đâu nữa giờ” (Truyện Kiều); “rén • p. một cách rất nhẹ, rất khẽ, cố giữ để không gây ra tiếng động. cúi đầu rén chào ~ “Tôi nén thở, bước rén bằng những đầu ngón chân và đứng sát bên lưng mụ, nhìn qua vai mụ” (Đoàn Giỏi). Đn: nhón nhén, rón rén”.

Như vậy, cả bốn trường hợp: rạng rỡ, rực rỡ, nhảy nhót, rón rén mà Từ điển từ láy tiếng Việt thu thập, đều là từ ghép đẳng lập, hoàn toàn không phải từ láy.

(Còn tiếp)

Hoàng Tuấn Công (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mot-so-tu-ghep-thuong-bi-nhan-lam-la-tu-lay-33435.htm