Một thời đi nói chuyện thơ

Thời bao cấp, hàng tuần, cán bộ, nhân viên các cơ quan mới được đọc báo địa phương một vài lần, chủ yếu là đọc tập thể vì mỗi cơ quan, đơn vị chỉ đặt một vài tờ báo.

Bấy giờ, những người vừa là giáo viên dạy Văn vừa là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh như tôi thường tham gia sáng tác, viết bài cho tạp chí, báo, đài của tỉnh.

Bên cạnh đó, còn dành thời gian cho việc tuyên truyền miệng, nói chuyện thơ, bình thơ trước công chúng nhân các ngày lễ, ngày kỷ niệm trong năm như: Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Ngày Quốc tế Lao động (1-5), Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12)…

Ảnh minh họa

Nhân các ngày lễ lớn, nhiều đơn vị, địa phương, tổ chức hội, đoàn thể, trường học thường mời các nhà văn, nhà giáo đến nói chuyện thơ về một chủ đề đã định, liên quan đến ngành nghề của mình. Rất hiếm khi có các nhà văn, nhà thơ lớn hay nhà khoa học về địa phương và có chương trình nói chuyện với công chúng.

Chính vì vậy, để lấp vào những khoảng trống đó, Hội văn nghệ địa phương cũng thường tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật, đọc thơ để phục vụ công chúng. Các chương trình này mang tính tuyên truyền nhiều hơn là nghệ thuật nên ít lôi cuốn được quần chúng nhân dân.

Trong thực tế, vào giai đoạn đó, nhu cầu đọc thơ và nghe bình thơ của công chúng khá phổ biến, nhất là giới học sinh, sinh viên. Vì vậy, một số anh chị em văn nghệ sĩ được các hội đoàn thể, công nông trường mời đến nói chuyện thơ. Nhóm chúng tôi lúc đó có 2 diễn giả là nhà giáo, nhà văn, nhà thơ Chử Anh Đào và Nguyễn Đỗ thường được mời nói chuyện thơ. Tôi có nhiệm vụ liên hệ, giao tiếp và sắp xếp chương trình, nội dung cho các buổi nói chuyện được trọn vẹn, đạt hiệu quả.

Tôi nhớ nhất là 2 lần nói chuyện thơ. Một là, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10), chúng tôi có buổi nói chuyện thơ với hội viên phụ nữ tại một cơ sở trên đường Hùng Vương (thị xã Pleiku) với chủ đề về người mẹ, người vợ trong chiến tranh và trong công cuộc kiến thiết đất nước. Nhìn vào nét mặt, sự chăm chú lắng nghe của các chị, các mẹ, tôi cảm nhận rõ sự xúc động trong lòng họ.

Có lẽ nhiều người trong số đó lần đầu được nghe những câu thơ đầy cảm xúc trong bài “Mẹ” của nhà thơ Nguyễn Ngọc Oánh: “Áo nâu phơi vẹo bờ rào/Cái phận đã bạc còn cào phải gai/Quả cà cõng mấy củ khoai/Con thút thít, mẹ nghẹn hai ba lần/Tối về đến lớp bình dân/I tờ nhặt được đôi vần lại rơi/Cha con trời gọi về trời/Chái nhà mưa dột, ướt lời ru thương”.

Hay như tâm sự của người lính ở chiến trường bỗng dưng nhớ vợ một cách thật thà dễ thương như thế này: “Tôi nhớ vợ tôi lắm/Xin được về hai ngày/Nhà tôi ở Mường Lay/Có con sông Nậm Rốm/Ngày kia tôi sẽ đến/Lại cầm súng được ngay/Tôi càng bắn trúng Tây/Vì tay có hơi vợ”.

Một lần khác, nhân Đại hội Công đoàn Liên hiệp Xí nghiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng, chúng tôi được mời đến nói chuyện thơ cho anh chị em cán bộ, công nhân. Bấy giờ, anh Nguyễn Vĩ-Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp là người rất thân với tôi nên đề xuất ý kiến này. Tôi cùng nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Đỗ đã có mặt tại Văn phòng Liên hiệp ở thị trấn Ka Nak đúng như lịch hẹn. Số cán bộ, công nhân có mặt trong buổi nghe nói chuyện thơ hôm ấy có đến gần 300 người, ngồi chật hội trường của đơn vị.

Với giọng xứ Nghệ hơi phai và kiến văn khá rộng, anh Nguyễn Đỗ bắt đầu câu chuyện bằng những câu thơ của mình: “Mỗi người trong đời cần một lần ốm nặng/trái tim thương hàn bốc lửa quặn co/một mình tôi mang hai cơn sốt/em dối lừa và bốn mốt độ ba/Oái ăm thay cho kẻ cần dưỡng sức/bát cháo hành-không, Thị Nở cũng không/tôi gượng ngồi áo quần tề chỉnh/gió ngoài sân chạy nhảy lông bông”. Rồi anh nói đôi nét về mình như một lời giới thiệu và tiếp tục vào đề với những vần thơ tình yêu đầy lãng mạn.

Nhắc lại thơ tình của người lính trong kháng chiến chống Mỹ, anh lại bình bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhà thơ Phạm Tiến Duật để khơi lại kỷ niệm của những người công nhân gốc Bộ đội Cụ Hồ từng gắn bó với Tây Nguyên. Sau đó, anh lôi cuốn công chúng bằng những lời bình nhẹ nhàng qua thơ của Vũ Cao, Giang Nam, Thu Bồn, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây… Buổi nói chuyện thơ khá thành công, lãnh đạo Liên hiệp rất hài lòng và anh chị em công nhân lần đầu được nghe một buổi bình thơ khá ấn tượng.

Qua những lần nói chuyện thơ như vậy, tôi mới hiểu công chúng bấy giờ thực sự yêu thơ ca nói riêng và văn chương nói chung, nếu chúng ta biết khơi dậy trong họ những cảm xúc chân thành bằng lời bình chân phương, sâu sắc.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/mot-thoi-di-noi-chuyen-tho-post295618.html