Mùa 'chia' nước

Mới sáng sớm, chị Phàn Thị Hường ở thôn Nhuần 2 đã có mặt trên cánh đồng, đi ngược theo mương dẫn nước, dỡ những bao đất chặn ngang lòng mương để “thả” nước về cuối tuyến. Công việc đã trở nên quen thuộc đối với chị từ khi bắt đầu vào vụ cấy lúa xuân. Chị Hường thở dài: Những hộ ở phía đầu nguồn chặn hết dòng chảy để lấy nước vào ruộng của họ, thành ra các hộ có ruộng ở cuối tuyến như nhà tôi không đủ nước cấy lúa. Do vậy, tôi phải tranh thủ dậy sớm, đi “thả” nước về ruộng nhưng vẫn không kịp, bởi nhiều hộ còn dậy sớm hơn…

Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu nhưng chị Hường vẫn “lang thang” trên cánh đồng, bởi chị chưa thể lấy nước về ruộng nhà mình. Chỉ tay về mảnh ruộng trước mặt đã khô vì thiếu nước, chị Hường cho hay: Chủ mảnh ruộng này đi suốt từ sáng đến giờ mà không lấy được nước vào ruộng nên bỏ về rồi!

Không để mất hòa khí với những người cùng thôn, chị đành quay về, đợi đầu giờ chiều, hy vọng các ruộng phía trên “no” nước thì họ sẽ “thả”, rồi sẽ lấy về ruộng nhà mình.

Nhiều diện tích lúa đã cấy bị thiếu nước.

Nhiều diện tích lúa đã cấy bị thiếu nước.

Cách ruộng nhà chị Hường không xa, bà Nguyễn Thị Nhó ở thôn Nhuần 3 cũng đang đi dọc theo tuyến mương với ánh mắt bất lực. Suốt từ sáng tới giữa trưa, đi cả cây số dọc bờ mương, phát hiện nhiều chỗ người ta chặn dòng, lấy nước vào ruộng, mỗi lần định “thông dòng” thì lại có người ra ngăn cản, đều với lý do ruộng chưa đủ nước. Bà Nhó ngao ngán: Cứ tình trạng này thì đến chiều cũng chẳng lấy được nước. Có lẽ, đến nửa đêm, chắc không có người ngăn cản, tôi sẽ bảo con trai đi lấy nước về ruộng.

Trước khi về nhà, bà Nhó không quên bộc bạch: Vụ xuân nào cũng vậy, chuyện cãi nhau, thậm chí xúc phạm nhau vì nước cho gieo cấy lúa đều diễn ra, nhà nào cũng muốn ruộng của mình đầy nước, dẫn đến những ruộng ở cuối nguồn “khát” nước. Nếu “chia” nước không khéo dễ mất tình làng, nghĩa xóm.

"Vụ xuân năm nay, mạ bị già do không có đủ nước để cấy. Cũng may, nhà nọ nhìn nhà kia, san sẻ với nhau nên đến giờ này nhà tôi cũng cấy xong lúa xuân và cũng không xảy ra to tiếng. Những năm trước, không ra đồng thì thôi, hễ có mặt là thấy cãi nhau cũng chỉ vì mỗi chuyện “chia” nước", bà Lương Thị Tuất chia sẻ.

Không chỉ thôn Nhuần 2, Nhuần 3, mà khi đến thôn Hải Sơn 1, câu chuyện về nước cho cấy lúa xuân cũng “nóng”. Bà Lương Thị Tuất nói: Vụ xuân năm nay, mạ bị già do không có đủ nước để cấy. Cũng may, nhà nọ nhìn nhà kia, san sẻ với nhau nên đến giờ này nhà tôi cũng cấy xong lúa xuân và cũng không xảy ra to tiếng. Những năm trước, không ra đồng thì thôi, hễ có mặt là thấy cãi nhau cũng chỉ vì mỗi chuyện “chia” nước.

Câu chuyện của bà Tuất với chúng tôi bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của bà Trần Thị Âu, Tổ trưởng Tổ thủy nông thôn Hải Sơn 1. Không đợi chúng tôi hỏi, bà Âu “trút” một tràng với sự bức xúc: Cánh đồng thôn Hải Sơn ở khu vực cuối nguồn của tuyến mương thủy lợi nên rất nhiều khó khăn để lấy nước gieo cấy, thậm chí có thời điểm, 3 ngày liền nhau không lấy được nước. Cách đây mấy tuần, tôi phải lên UBND xã đề nghị chỉ đạo các hộ trên đầu nguồn “thả” nước để các hộ cuối nguồn có nước gieo cấy lúa.

Chuyện "chia" nước đêm ở Phú Nhuận không phải là hiếm.

Chuyện "chia" nước đêm ở Phú Nhuận không phải là hiếm.

“Làm Tổ trưởng Tổ thủy nông của thôn nên cứ không có nước là mọi người lại gọi tôi. Trong thời gian cao điểm gieo cấy lúa xuân, ngày nào tôi cũng đi dọc hết tuyến mương, từ sáng đến tối, vớt rác, khơi thông dòng chảy, vận động các hộ san sẻ nước cho nhau. Thế nhưng, có những người đã không chia sẻ lại còn nặng lời và đổ lỗi cho tôi”, bà Âu bộc bạch.

“Làm Tổ trưởng Tổ thủy nông của thôn nên cứ không có nước là mọi người lại gọi tôi. Trong thời gian cao điểm gieo cấy lúa xuân, ngày nào tôi cũng đi dọc hết tuyến mương, từ sáng đến tối, vớt rác, khơi thông dòng chảy, vận động các hộ san sẻ nước cho nhau. Thế nhưng, có những người đã không chia sẻ lại còn nặng lời và đổ lỗi cho tôi”, bà Âu bộc bạch.

Quả thực, tình trạng thiếu nước sản xuất vụ xuân ở Phú Nhuận năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, khi chính quyền xã, trưởng thôn, tổ trưởng các tổ thủy nông trựctiếp tham “chia” nước đã hạn chế xảy ra tranh chấp. Ông Hoàng Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận cho biết: Năm nay, do thời tiết khô hạn, mực nước trong các hồ chứa trên địa bàn xuống thấp, trong khi nhu cầu nước cho sản xuất vụ xuân tăng. Trong tổng số 251 ha lúa xuân, có tới 60 ha có nguy cơ thiếu nước, tập trung ở các thôn cuối nguồn như Khe Bá, Làng Đền, Hải Sơn 1, Hải Sơn 2. Để đảm bảo nước cho sản xuất, chúng tôi đã chỉ đạo các thôn ở đầu nguồn như Nhuần 2, Nhuần 3, Nhuần 4, Nhuần 6, Tân Lập, Phú Hải 1, Phú Hải 2, Phú Hải 3 tổ chức cấy trước, lấy đủ nước cho các ruộng, sau đó đóng tất cả các cửa phai để dồn nước cho cuối nguồn. Đối với những chân ruộng cao, chúng tôi vận động người dân chuyển đổi sang cây trồng chịu hạn, không để “trắng” diện tích.

Nhiều diện tích đã được "chia" nước để kịp cấy lúa xuân.

Nhiều diện tích đã được "chia" nước để kịp cấy lúa xuân.

So với một số năm trước, vụ xuân năm nay, việc “chia” nước đỡ vất vả hơn. Những năm trước, khi trời bắt đầu tối, lãnh đạo xã cùng các ban, ngành và thành viên các tổ thủy nông đi dọc các “giao thủy” để “chia” nước, thậm chí còn phải phân công nhau “canh gác” các “giao thủy” quan trọng, vì nhà nào cũng muốn đưa nước về ao, ruộng nhà mình.

Việc “chia” nước cũng là một nghệ thuật, phải có tâm, không được thiên vị bất cứ thôn nào, hộ nào, các gia đình đều làm nông nghiệp, cuộc sống trông chờ vào vài sào ruộng, nếu để nhà có, nhà không thì thực sự có lỗi. Có lẽ, “chia” nước sản xuất vụ xuân đã trở thành “đặc sản” của Phú Nhuận cũng vì thế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365464-mua-chia-nuoc