Mùa dịch: Hàng nhập vào - bán ra, giá cả 'vênh lệch' đến bất ngờ

Khi Hà Nội siết chặt việc giãn cách xã hội theo công điện số 15, giá cả chợ đầu mối có xu hướng giảm, tuy nhiên với chợ dân sinh, giá cả lại 'tăng giảm' tùy hứng của tiểu thương.

Chợ Long Biên- Chợ hoa quả lớn nhất Hà Nội.

Chợ đầu mối giá cả bình ổn, có xu hướng giảm

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai “Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2021”. Chương trình này đã được triển khai và thực hiện nghiêm ngặt tại các điểm buôn bán trong Hà Nội.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 10 chợ đầu mối lớn nhỏ: Chợ Long Biên, Hoàng Mai, Đồng Xuân,.... Đây là địa điểm buôn bán đầy đủ các mặt hàng với giá tốt nhất theo từng phân khúc. Những chợ đầu mối là nơi tập trung hàng hóa và các tiểu thương từ nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Tại chợ đầu mối phía Nam (Phố Tân Mai, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội) có các mặt hàng đa dạng đáp ứng cho tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh cũng như đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho người dân.

Khu chợ này mở cửa khá sớm, các tiểu thương thường đổ về đây trước 3 giờ sáng để lấy hàng. Hàng nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối phía Nam được đánh giá khá rẻ theo cả giá buôn và giá lẻ.

“Dịch bệnh không ảnh hưởng đến giá cả chúng tôi xuất cho tiểu thương, có mỗi số thứ có đắt lên hoặc giảm xuống thì nó phụ thuộc chính vào mùa vụ", anh Trần Văn Hữu-tiểu thương tại chợ đầu mối Phía Nam chia sẻ.

Trong thời gian thị trường nhu yếu phẩm có nhiều biến động nhưng các mặt hàng tại các chợ đầu mối vẫn đảm bảo sự “bình ổn”, thậm chí 1 số mặt hàng rau củ và thịt lợn có xu hướng giảm nhẹ.

Cụ thể, các mặt hàng rau củ hiện tại còn có xu hướng giảm 3000-5000/kg so với trước; các mặt hàng hoa quả tăng giảm phụ thuộc theo mùa, các măt hàng thịt giảm khoảng từ 5000-10.000/kg. Nhìn chung giá cả tại chợ đầu mối chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/3 so với các chợ cóc, chợ tạm.

Chợ đầu mối hút khách mua lẻ vì giá cả ổn định, ít biến động.

Đặc biệt, dù UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công điện số 15 về giãn cách xã hội, xe hàng vào Hà Nội phải qua kiểm nghiêm hơn trước, tuy nhiên vẫn không khiến các chợ đầu mối thiếu sót hàng hóa hay phải tăng giá.

Các tiểu thương ở đây cho biết, các mặt hàng rau củ chủ yếu được trồng ở ngoại thành Hà Nội. Vì vậy, việc vận chuyển đến đây khá dễ dàng và không phải qua kiểm tra y tế. Với các mặt hàng nhập ngoài tỉnh, họ sẽ nhập với số lượng lớn gấp đôi.

Dựa vào dịch bệnh Covid -19, nhiều tiểu thương đã tăng giá “cắt cổ” đối với người dân. Đặc biệt, trước giờ thi hành công điện số 15 của Thành phố ở các chợ như chợ Nam Đồng, chợ dân sinh khu Tân Mai giá cả tăng mạnh vào chiều ngày 18/7.

Được biết, các khu vực này đang có nhiều ca nhiễm Covid-19 nên tiểu thương đã lợi dụng tình hình người dân đi chợ “tích trữ hàng” để tăng giá. Giá cả bất chợt tăng vọt trước ngày các chợ này bị cách ly.

Chị Lê Thị Thơm (phường Nam Đồng) cho biết: “Vào chiều ngày 18/7, các mặt hàng rau tăng 2-3 lần, chưa kể các mặt hàng khô cũng tăng giá một cách bất ngờ. Thịt cũng tăng khoảng 10.000-20.000 đồng/kg. Tôi cảm thấy ngỡ ngàng.”

Ở một số chợ dân sinh như Nhân Chính, Bách Khoa hay chợ Láng Hạ, mỗi chợ bán một giá khác nhau, thậm chí ở cùng một chợ nhưng những người bán vẫn bán giá khác nhau, chênh vào khoảng 5000 đồng/kg với rau và 10.000- 20.000 đồng/kg với thịt.

Dù được nhập giá rẻ tại chợ đầu mối nhưng những người bán hàng vẫn bán giá không đổi. Hôm qua, giá thịt lợn ở chợ đầu mối đã giảm, tuy nhiên, ở chợ dân sinh, giá thịt lợn vẫn không đổi và sau 2 ngày chưa có dấu hiệu giảm.

Ông Đào Tố Uyên, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng chia sẻ thêm: “Tôi nghe tin trên mạng nói giá thịt đã giảm, nay định bụng mua nhiều nhưng bất ngờ vì giá không đổi. Các mặt hàng rau lại có xu hướng tăng lên.”

Gần như mỗi lần dịch Covid-19 thì giá cả ở các chợ dân sinh lại tăng đột biến. Một phần, vì người dân có tâm lý đi mua hàng tích trữ, một phần là vì những người bán hàng chỉ quan tâm tới lợi ích cho riêng bản thân mình.

Hồng Phương - Đặng Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mua-dich-hang-nhap-vao--ban-ra-gia-ca-venh-lech-den-bat-ngo-post145873.html