Mùa mây núi Cấm!
Với nhiều người, núi Cấm (xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) được biết đến với khung cảnh non nước hữu tình và những công trình tâm linh nổi tiếng. Tuy nhiên, 'nóc nhà miền Tây' còn có một thứ 'đặc sản' vào mùa mưa. Đó là mây!
Chùa Vạn Linh trong những ngày đầy mây trên núi Cấm
Vào những buổi sáng tinh mơ hay những ngày mưa, núi Cấm như chìm vào không gian khác với những đám mây quyện vào cảnh vật tạo nên sự mơ màng khó tả. Nếu đa phần du khách lựa chọn đến núi Cấm trong những tháng hành hương để sống trong bầu không khí linh thiêng, thì những người yêu thích thiên nhiên lại muốn trải nghiệm cảm giác đắm chìm trong mây vào mùa mưa.
Những người dân sống trên núi nói rằng, núi Cấm tồn tại 2 “trạng thái” khác nhau. Mùa khô là sự nhộn nhịp của khách hành hương. Mùa mưa là lúc những đặc sản của ngọn núi này lên ngôi, trong đó có mây! Vào lúc mưa già, những đám mây không biết ở đâu cứ bay đến, bò lổm ngổm trên từng triền đá, quyện vào cây cỏ.
Chùa Vạn Linh nép mình bên hồ Thủy Liêm những ngày nắng hiện lên với sự trang nghiêm, hùng vĩ nhưng vào buổi sáng tinh sương hay những ngày mưa, công trình phật giáo này lại khoác lên mình chiếc áo mơ màng khiến cho lòng người lắng lại.
Với những ai ưa trải nghiệm, mùa mây núi Cấm bao giờ cũng mang đến cảm giác an nhiên, tự tại. Lên núi vào những ngày mưa, người ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi đắm chìm trong không gian của mây mù. Núi Cấm những ngày mưa khá lạnh bởi những đám mây mang theo hơi nước cứ tràn ngập không gian. Có lẽ, chính vì cái lạnh sắt se cùng với những đám mây mơ màng ấy khiến cho du khách cảm nhận “một chút Đà Lạt” ngay giữa miền Tây đầy nắng và gió.
Theo những người định cư trên núi, mây đã trở thành một thứ thân thuộc trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, với du khách phương xa thì mây là nét gì đó rất riêng của núi Cấm. Chả thế mà nhiều người lựa chọn đến đây trong mùa mưa để cảm nhận hết cái đẹp của sơn thủy hữu tình.
Trên đỉnh vồ Bồ Hong hùng vĩ, mây quấn theo chân người và mang đến một chút vấn vương. Những bạn trẻ mộng mơ một khi đã lên đến điểm cao nhất của núi Cấm thường rất thích thú khi đắm chìm trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, bao la với những đám mây thoắt ẩn thoắt hiện trong tầm mắt.
Một người gắn bó cùng núi Cấm chia sẻ, những tháng mưa già thì đỉnh núi sẽ đầy mây. Thực sự, anh không lạ lẫm gì những du khách nằng nặc lên núi chỉ để chụp ảnh…cùng mây. Với họ, có lẽ núi Cấm đẹp nhất là khi màu xanh của lá xen lẫn với những đám mây bàng bạc bồng bềnh trôi vô định.
Những người lên núi Cấm bằng cáp treo sẽ thích thú chỉ chỉ, trỏ trỏ hay tự sướng với những đám mây là đà nơi triền núi. Nếu lên đến khu trung tâm hành hương, người ta lại mơ màng với mặt nước hồ trong veo cùng những đám mây chở theo cái lạnh mộng mơ phả vào mặt. Khi ấy, đỉnh Thiên Cấm Sơn mang đến cho người ta sự thoát tục để buông bỏ đi những phiền muộn của cuộc sống đời thường!
Bởi mây đã gắn liền với núi Cấm nên nơi này xuất phát điểm nhóm chợ thuộc diện độc đáo nhất miền Tây: chợ mây! Bởi chợ nhóm bên cạnh hồ Thủy Liêm nên đôi lúc chìm vào những đám mây buổi sớm. Khi ấy, người mua, kẻ bán cũng chìm trong mây và tạo nên biệt danh độc đáo cho ngôi chợ này.
Từng nhiều lần trải nghiệm đỉnh Thiên Cấm Sơn, người viết thấy khá ấn tượng với khung cảnh khác hẳn của ngọn núi này trong những ngày mây phủ. Người sống quen với mây trên núi sẽ cảm thấy mát mẻ. Người ít khi lên núi sẽ cảm thấy thích thú. Người lần đầu lên núi sẽ cảm thấy choáng ngợp!
Cũng bởi những vẻ đẹp riêng trong tháng mùa mưa nên núi Cấm vẫn có nhiều du khách đến thăm vào thời điểm này. Bởi lẽ, họ thích được chìm trong cái cảm giác mơ màng, se lạnh của đất trời mà không cần phải lặn lội đến Đà Lạt xa xôi.
Ngoài ra, núi Cấm mùa mưa còn là thời điểm thu hoạch rộ của vườn dâu, vườn bơ hay những rổ rau rừng đa dạng, phong phú về chủng loại bên cạnh chiếc bánh xèo giòn tan cũng là điểm nhấn trong lòng du khách. Vì vậy, bạn có thể đến núi Cấm trong mùa mưa để lắng lòng với không gian thơ mộng và ngắm nhìn nụ cười an nhiên tự tại của Phật Di Lặc ẩn hiện trong mây!
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-may-nui-cam--a279727.html