Mùa này, cẩn trọng với dấu hiệu ngừng tim khi tắm

Tắm với nhiệt độ nước quá lạnh hoặc quá nóng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, huyết áp và sự phân phối lưu lượng máu dẫn tới các biến cố tim mạch, trong đó có ngừng tim khi tắm. Đặc biệt là nguy cơ ngừng tim tăng lên ở người có vấn đề tim mạch, huyết áp từ trước.

Ngừng tim là gì? Ngừng tim là tình trạng tim đột ngột ngừng bơm máu khiến toàn bộ lưu lượng máu tới não và các cơ quan khác bị hạn chế. Điều đáng chú ý là ngừng tim thường khó để dự đoán trước được và là trường hợp cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

1. Ngừng tim khi tắm do đâu?

Ngừng tim có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường nào, dưới bất kỳ tình huống nào. Những trục trặc về điện tim dẫn tới nhịp tim không đều và nguy cơ trục trặc này có thể tăng lên khi đang tắm (bao gồm cả tắm vòi sen, tắm bồn) hoặc đi đại tiện do những hoạt động này có thể gây căng thẳng cho cơ thể và trái tim.

Vào mùa lạnh, chúng ta thường có thói quen tắm nước có nhiệt độ nước nóng hơn. Trên thực tế, tắm với nước quá nóng (trên 44 độ C) hoặc quá lạnh (khoảng 21 độ C) có thể ảnh hưởng nhanh chóng tới nhịp tim của bạn. Khi nhiệt độ cơ thể thay đổi nhanh chóng có thể gây áp lực lên động mạch và mao mạch dẫn tới tụt huyết áp - yếu tố nguy hiểm dẫn tới đột quỵ tim, ngừng tim.

Ngừng tim có thể xảy ra ở bất kì môi trường nào, dưới bất kỳ tình huống nào (Ảnh: ST)

Ngừng tim có thể xảy ra ở bất kì môi trường nào, dưới bất kỳ tình huống nào (Ảnh: ST)

Không chỉ ngừng tim, thói quen tắm không đúng cách mùa lạnh như tắm quá nhanh, phòng tắm không kín gió, làm ướt cơ thể không đúng cách đều có thể dẫn tới sự chênh lệch nhiệt độ cơ thể và môi trường, khiến lưu lượng máu tăng lên đột ngột để bù đắp sự chênh lệch này khiến tim bị căng thẳng, tăng nguy cơ bị tăng huyết áp và đột quỵ tim. Bạn có thể dễ dàng nhận thấy cảm giác hoa mắt, chóng mặt và thậm chí là ngất xỉu sau khi tắm.

Ngoài ra, ngâm bồn ở tư thế nước cao ngập bả vai với nhiệt độ nước cao hơn đáng kể so với nhiệt độ phòng cũng gây ra các rủi ro cao hơn ở người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, chẳng hạn như huyết áp cao và bệnh tim mạch vành, tiền sử đau tim, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp thất.

Bên cạnh nguy cơ ngừng tim khi tắm thì đại tiện gắng sức (chẳng hạn do rặn khi táo bón) cũng có thể gây căng thẳng cho tim. Nếu chức năng tim đang suy yếu thì điều này có thể là tác nhân gây ra tình trạng ngừng tim đột ngột. Rặn khi đại tiện cũng có thể kích hoạt phản ứng vasovagal - ngất do phản xạ thần kinh phế vị, đôi khi có thể làm chậm nhịp tim, tăng thêm căng thẳng cho tim và dẫn tới ngừng tim.

2. Dấu hiệu của cơn ngừng tim

Do mức độ nguy hiểm của ngừng tim mà việc nắm rõ các triệu chứng ngừng tim, bao gồm cả ngừng tim khi tắm rất quan trọng. Một người có thể gặp một hoặc nhiều dấu hiệu ngừng tim trong vài giờ và cũng có thể là trước vài tuần trước khi cơn ngừng tim xảy ra.

Do mức độ nguy hiểm của ngừng tim mà việc nắm rõ các triệu chứng ngừng tim rất quan trọng (Ảnh: ST)

Do mức độ nguy hiểm của ngừng tim mà việc nắm rõ các triệu chứng ngừng tim rất quan trọng (Ảnh: ST)

Nếu phát hiện người tắm có các triệu chứng như: Mất ý thức, đột nhiên ngã quỵ, sụp xuống và bất tỉnh, thở hổn hển hoặc không có dấu hiệu của hơi thở, cơ thể không phản hồi với các tác động vật lý như lắc vai hoặc tiếng gọi lớn, da lạnh đôi khi có thể là da tái xanh, đau ngực đột ngột, tim đập nhanh, mệt mỏi cực độ... thì cần nhanh chóng liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ. Đồng thời cần thực hiện sơ cứu nạn nhân bằng hô hấp nhân tạo và hồi sức tim phổi ngay lập tức.

Để phòng ngừa ngừng tim khi tắm đột ngột thì nếu bạn có các bệnh tim sẵn có hoặc các yếu tố khác làm tăng nguy cơ bị ngừng tim như: Nghiện rượu hoặc nghiện các chất kích thích, có tiền sử gia đình mắc bệnh tim hoặc từng bị ngừng tim, bị huyết áp cao, cholesterol cao, thiếu dinh dưỡng (kali, magie), béo phì, có thói quen hút thuốc lá, người trên 65 tuổi, bị chứng ngưng thở khi ngủ, bị bệnh thận mãn tính cũng cần đặc biệt chú ý và nói cho người trong gia đình chú ý khi bạn đi tắm để có thể ứng phó kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp. Nếu được trợ giúp và cấp cứu đúng cách thì người bị ngừng tim có thể phục hồi bình thường sau khi được điều trị tại bệnh viện.

Những thói quen an toàn khi ở trong phòng tắm:

Theo Healthline, những thói quen an toàn khi ở trong phòng tắm sẽ giúp giảm rủi ro gặp các biến cố sức khỏe, bao gồm cả ngừng tim khi tắm, đột quỵ tim... cần chú ý như:

- Không nên ngâm mình trong bồn tắm với mức nước nóng ngang ngực.

- Không tắm nước nóng sau khi uống các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ hoặc thuốc an thần.

Những thói quen an toàn khi ở trong phòng tắm sẽ giúp giảm rủi ro gặp các biến cố sức khỏe, bao gồm cả ngừng tim khi tắm, đột quỵ tim (Ảnh: ST)

Những thói quen an toàn khi ở trong phòng tắm sẽ giúp giảm rủi ro gặp các biến cố sức khỏe, bao gồm cả ngừng tim khi tắm, đột quỵ tim (Ảnh: ST)

- Với người có thói quen tắm lâu, ngâm bồn tắm nên học cách kiểm soát thời gian tắm/ngâm bằng cách đặt đồng hồ báo thức. Tốt nhất là chỉ nên tắm vòi sen từ 5 đến 10 phút; ngâm bồn dưới 30 phút và sử dụng nước ấm để giúp da không bị khô, đồng thời làm sạch cơ thể một cách triệt để.

- Với người có nguy cơ ngừng tim hay các biến cố tim mạch khác thì khi tắm, nên để điện thoại, chuông cảnh báo ở khu vực trong tầm với, phòng trường hợp cần gọi trợ giúp khẩn cấp.

- Nên bắt đầu tắm bằng việc làm ướt cơ thể trước thay vì làm ướt từ đầu tránh cho thân nhiệt bị thay đổi đột ngột. Khi tắm xong nên sấy tóc ngay để tránh cho cơ thể bị nhiễm lạnh.

- Không nên tắm đêm, gội đầu vào đêm muộn, đặc biệt khi nhiệt độ ban đêm xuống sâu hơn.

Ngừng tim khi tắm hay ngừng tim trong phòng tắm đều gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là mất mạng nếu không được sơ cấp cứu kịp thời. Nếu có vấn đề tim mạch, hãy thảo luận với bác sĩ để nhận được những lời khuyên đảm bảo an toàn khi tắm và theo dõi sức khỏe thường xuyên.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) thì CPR đúng cách có thể giúp tăng gấp đôi hoặc gấp ba cơ hội sống sót cho người bị ngừng tim. Sau khi gọi cấp cứu, hãy thực hiện các bước CPR bằng tay sau, lưu ý thực hiện hô hấp nhân tạo nếu không kiểm tra thấy hơi thở của nạn nhân:

- Đặt nạn nhân nằm trên một mặt phẳng vững chắc.

- Đặt gót một bàn tay trên lồng ngực nạn nhân. ngang hai đầu vú, chồng bàn tay còn lại lên bàn tay thứ nhất và đan những ngón tay lại với nhau.

- Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống khoảng 5-6 cm, rồi buông ra cho lồng ngực trở lại như cũ trước khi ép tiếp với tốc độ 100 - 120 nhịp/phút.

Hãy tiếp tục thực hiện cho tới khi có các trợ giúp y tế.

Nguồn: Healthline, Medical News Today

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/mua-nay-can-trong-voi-dau-hieu-ngung-tim-khi-tam-20241021160919254.htm