'Mùa vàng' trong gian khó

Sản xuất nông nghiệp năm 2021 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, giá phân bón tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp… Vượt qua khó khăn, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được những “mùa vàng”, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng cho nền kinh tế.

Nhãn lồng Hưng Yên khẳng định thương hiệu và giá trị

Đồng chí Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Với những giải pháp chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành, địa phương, sự chủ động của nông dân nên sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, đạt tăng trưởng khá.

Trong sản xuất lúa, toàn tỉnh gieo cấy được hơn 56 nghìn ha, lúa chất lượng cao chiếm 71,2% diện tích, năng suất đạt 63,1 tạ/ha, tăng 0,2 tạ/ha so với năm 2020. Trong đó, năng suất lúa vụ xuân đạt 67,4 tạ/ha, vụ mùa đạt 58,65 tạ/ha. Năm 2021, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện được 115 mô hình cánh đồng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích 2.485ha (tăng 36 mô hình và 526ha so với năm 2020). Các mô hình gieo cấy lúa chất lượng và các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm ở vụ xuân cho thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 10 đến 12 triệu đồng/ha; vụ mùa cho thu nhập cao hơn sản xuất đại trà từ 6 đến 9 triệu đồng/ha.Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 14.618ha cây ăn quả, tăng 3,79% ha so với năm 2020; sản lượng nhãn đạt hơn 41,6 nghìn tấn; sản lượng vải đạt 12,3 nghìn tấn; cây chuối cho sản lượng đạt gần 89 nghìn tấn, sản lượng cây có múi đạt hơn 64,8 nghìn tấn, tăng 4,98%... Hoạt động chăn nuôi, thủy sản tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung phát triển ổn định. Chất lượng con giống được nâng cao theo hướng năng suất, chất lượng. Nuôi thả thủy sản được duy trì ổn định, chủ yếu nuôi theo hình thức thâm canh và bán thâm canh.

Nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, trong năm, Sở đã triển khai hỗ trợ xây dựng mới 8 mô hình sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông - lâm - thủy sản; nâng tổng số mô hình sản xuất theo chuỗi đến hết năm 2021 có 56 mô hình. Đồng thời, cấp chứng nhận mới cho 99 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích hơn 774ha, nâng tổng diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP có hơn 3.100ha.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt nhiều kết quả. Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản đạt 13.318 tỷ đồng, tăng 2,78% so với năm 2020; trong đó, nông nghiệp đạt 11.860 tỷ đồng, tăng 2,55%; thủy sản đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 4,69%.

Nhận thấy rõ những khó khăn trong từng mùa vụ, tỉnh, ngành nông nghiệp đã chủ động thực hiện các biện pháp, trọng tâm là gieo trồng trong khung thời vụ, lựa chọn nguồn giống chất lượng phù hợp; hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống thủy lợi dần hoàn thiện, cơ giới hóa tăng cao. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đã tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện, điều này góp phần làm nên những mùa vụ thắng lợi. Cùng với đó, tỉnh tranh thủ, huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ năm 2008 đến năm 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ, đầu tư cho sản xuất nông nghiệp đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng. Trong năm 2021, nguồn ngân sách của tỉnh và của các địa phương đã hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp với kinh phí 10,2 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 2% - 2,5%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu giá trị sản xuất nội bộ ngành: Trồng trọt 40% - chăn nuôi 57% - dịch vụ nông nghiệp 3%. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh. Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất theo chuỗi, giá trị gia tăng và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, giá trị kinh tế cao. Áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao trong xây dựng và quản lý các công trình thủy lợi, đê điều; trong đó, chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất, cho thuê đất để sản xuất hàng hóa tập trung, theo chuỗi giá trị; thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202201/mua-vang-trong-gian-kho-6b21401/