Mùa xuân tỏ tình – Truyện ngắn của Bích Nhàn

Minh họa: PV

Vườn tược, nhà cửa dọn dẹp xong, quần áo mới cho chồng con, quà cho cha mẹ hai bên cũng đã lên khuôn. Chị Mẫn nhà bên rủ chia con heo rừng ăn Tết. Tôi gật đầu không nghĩ ngợi, sẵn tiện (nhờ khéo) than thèm ăn bánh tét mà không biết gói. Chị bảo dễ òm, chỉ cần đem nếp và thịt heo qua bếp chị rồi ba mươi qua lấy bánh. Sướng dữ! Tôi cười hê hê khoái chí.

Phấn khởi thiệt. Lương giáo viên tuy có còm nhưng Tết được nhận trước một tháng nên chi tiêu có phần dạn dĩ. Hay tại ý nghĩ, cả năm quần quật rồi, Tết thởi lởi một chút cho thoải mái tinh thần. Chắc cả hai. Công tác chuẩn bị coi như xong. Khỏe re. Giờ chỉ chờ Tết!

Mừng hụt rồi. Chưa kịp nở hết nụ cười thì nghe tiếng con Mởn sau chuồng õm ò. Cơ khổ, giọng sao mà thảm. Cái con bò rầy rà gớm.

A, chết chưa, lỡ Tết này nàng “lâm bồn” bất tử thì khốn. Bỏ dở rổ me đang bóc vỏ, đợi đấy, tối về làm tiếp rồi sấp ngửa tìm liềm, lấy bao. Dự là đi cắt cỏ nhưng chẳng biết sẽ đi đâu. Kệ, cứ ra đường rồi tính.

Vừa ló ra cửa, mới đặt mông lên xe chưa kịp rồ ga thì chị Mẫn và hai chị khác đã đứng trước mặt. Mấy chị rủ tới tiệm tóc, tút tát lại dung nhan sau một năm bệ rạc. Tôi cáo lỗi, chị Mẫn lý lẽ:

- Bò mình nuôi quanh năm, còn Tết mỗi năm chỉ ba ngày. Đời người như ly trà, hai chín Tết mà đi cắt cỏ thì còn được nửa ly.

- Dạ, đúng rồi, nên mấy chị cứ làm cho đẹp vào. Tiêu chí là mùa xuân phải đẹp. Hi hi hi…

Chị Hiển bĩu môi:

- Cô giáo cũng đi cắt cỏ thì nông dân tụi tui lấy chi mà ăn?

- Dạ, em cũng đâu ham hố chuyện chăn bò cắt cỏ nhưng giờ khổ quá, phải ráng nuôi nó để nó nuôi lại mình.

Mấy chị lắc đầu bỏ đi, tôi chạy thẳng ra hướng đồng. Vùng núi ít ruộng, cuối năm bờ nào cũng nhẵn bóng. Không biết làm sao, bỗng nhớ phía sau trường là khoảnh đất đầy cỏ nên te te chạy tới. Bác Chi - bảo vệ - mở cổng đón:

- Cô cắt cỏ ở đây thì y bài. 100% sạch!

Tôi “dạ”, thì bác trêu:

- Cuối năm phải đi cắt cỏ, coi bộ hổng “Như Ý” rồi! - Tôi cười hi hi.

Vâng. Tôi tên Như Ý. “Như Ý” mà chẳng… như ý chút nào! Mẹ bảo hồi đó đặt tên “Như… Cua” mới đúng. Mẹ mắng yêu đó. Tại tôi bướng lắm. Sau sự việc lên núi dạy, rồi công khai người yêu trên răng dưới dép và thổ lộ tâm nguyện sẽ đầu bạc răng long với chàng thì cả nhà lắc đầu chào thua. Biết con gái sắt đá nên ba mẹ thống nhất ý chí, con đặt đâu song thân ngồi đó.

Ba mẹ tôi tiến bộ lắm, cả hai không đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối nhưng ba cưng mấy đứa con gái như lão nhà giàu cưng đứa con cầu tự vậy, ông không ưng bụng khi con đi làm dâu xứ lạ. Hồi chị Hai lấy chồng, cách nhà có 20km mà đưa con gái về nhà chồng xong rồi về chảy nước mắt bảo, xa quá. Tới tôi thì ba không nói chuyện xa gần mà bảo, con gái lấy chồng xa như cọp tha về rừng.

Ba đại ngôn rồi. Làm gì đến nỗi, vùng kinh tế mới trông đâu cũng núi, heo hút chân mây thiệt nhưng nếu gọi chốn rừng thiêng nước độc, vùng biên địa hạ tiện khí có phần oan uổng. Vùng lõm, cách trung tâm nhưng vẫn có đường sá, xe cộ cho người dân xuôi ngược chứ đâu đến nỗi bị cách ly. Bằng chứng là hàng tháng con gái vẫn về thăm ba mẹ mà.

Nhưng đến lúc này thì không tự tin lắm lý thuyết “nhà tranh tim vàng” như hồi yêu nhau. Sau đám cưới, tôi cười như mếu vì hai bàn tay trắng ôm một đống nợ. Không được than, có sức chơi có sức chịu, mẹ dạy câu đó từ hồi còn thò lò mũi xanh. Tôi không đổ thừa tuổi trẻ nông nổi, yêu không lý trí. Tôi ý niệm tình yêu không cần lý do, lựa chọn nào cũng phải trả giá. Ngã vào vòng tay khi anh thì thầm “Đừng về xuôi nghen!” thì tôi đã hiểu mình sẽ tự chịu trách nhiệm với quyết định này.

Con gái lấy chồng xa, chồng chưa tìm được công việc với chiếc bằng trung cấp tại chức, lại chẳng thể lao động chân tay để phụ với thu nhập của cô giáo hợp đồng nên áp lực cơm áo mình tôi khom lưng chống gối cõng. Ba mẹ thuần nông, thấy kinh tế con gái mong manh quá nên “khuyến mãi” con bò cái tơ, giống bò lai. Nàng mập mĩm với bộ lông vàng, bóng rạnh nên tôi gọi Mởn. Chồng tôi “con nhà lính” nhưng được nuôi dưỡng với chế độ “nhà quan”.

Nhìn anh, không ai dám hình dung gia cảnh. Áo Việt Tiến sang chảnh, giày Adidas, không uống cà phê vỉa hè và đặc biệt có thương hiệu đẹp trai, được nhiều cô dòm ngó. Người ta chửi nghèo mà đua đòi nhưng tôi thấy hay hay. Mọi thứ thuộc về anh với cô nàng gốc rạ tôi thật lạ lẫm, nó là một thế giới hoàn toàn khác và tôi bị cuốn vào không muốn ra.

Chồng không biết chăn nuôi nên từ chối món quà của ba nhưng tôi phán chuyện nhỏ như cọng… cỏ. Tôi sẽ lo. Vậy là về xuôi dắt con Mởn lên núi liền. Nghề của nàng mà, tôi có thâm niên mười lăm năm chăn bò chứ ít gì. Từ đó, hết buổi dạy tôi lột áo dài, tròng chiếc áo lao động vào, cầm bao đi cắt cỏ như một bà nông dân chính hiệu. Trên núi được cái cắt cỏ rất sướng, đất đai bạt ngàn, cỏ mọc thành đám. Dạy xong năm tiết buổi chiều đi cắt cỏ vẫn về kịp trước khi trời tối.

Chăm bẵm sửa sang. Ngóng một con nghé cầu may, giờ tới kỳ sinh lại lo trúng Tết, hư bột hư đường. Còn phải hỏi? Tết công chuyện lu bu lấp láp, rồi lấy ai săn sóc, bò cũng ở cữ đàng hoàng chứ đâu đơn đơn được. Chỉ còn một phương án, thủ sẵn kho cỏ. Chuyện này không khó nhưng không đúng thời điểm nên thành quá… khó. Ngày thường cỏ nhiều vì bò người ta thả rẫy nhưng giáp Tết nhà ai cũng ra quân cắt cỏ nên nhìn đâu cũng trụi lủi. Kết quả là đang ngồi giữa sân trường mót cỏ nè.

Thấy tôi loay hoay cắt, gom, bác Chi tắt ti vi ra phụ. Lao động gần Tết, cảm giác không mấy khó chịu. Tôi cắt, bác gom - nhịp nhàng như một cỗ máy. Vừa làm vừa nói chuyện. Nói từ A đến Z, từ chuyện nhân sinh thế sự đến chuyện công việc, gia đình. Rồi trong giây phút yếu lòng, bác kể tôi nghe những sóng gió hôn nhân và nguyên do đưa đẩy bác đến với mảnh đất này. Từ một người có địa vị tương đối lại an nhiên làm bảo vệ ở một ngôi trường vùng cao. Bác bảo, lúc đầu cũng hoang mang nhưng sống được một thời gian thì nhận ra nơi heo hút này hợp với mình hơn phố xá ồn ào.

Tôi cũng mạnh dạn thổ lộ :

- Hồi trước cháu nghĩ đây là một nơi đặc biệt, và thấy mình cũng thật đặc biệt. Nhưng giờ thì thật lòng, có lúc cũng muốn bỏ trốn.

- Sao vậy?

- Đời không như là… mơ.

- Nếu lòng bình yên thì ở đâu, lúc nào đời cũng sẽ “như mơ”.

Như người bộ hành giữa sa mạc gặp được bóng cây, như em bé vừa sẩy chân ngã rồi được người lớn hỏi có đau không, tôi nói buồn hiu:

- Như hôm nay, cháu cầm bao đi cắt cỏ thì anh ấy mang giày đi đá bóng, và hàng ngàn việc tương tự vậy. Tóm lại, chúng cháu không có mâu thuẫn gì lớn lao nhưng cháu buồn nhiều.

- ???

- Anh ấy không có thu nhập nhưng cũng không biết đỡ đần cho vợ. Cái kiểu “con nhà lính tính nhà quan”, thiệt khó cho hôn nhân hai bàn tay trắng.

- Cũng có nguyên nhân cả. Ba mẹ nghèo nhưng chuộng phong lưu thành ra Quân từ nhỏ không biết đến lao động tay chân. Lại thêm kiểu sống phè phè, không ý chí. Muốn thay đổi một thói quen cũng cần có thời gian. Hôn nhân, tình yêu, tính cách, tất cả đều có thể nuôi dưỡng được. Cô cứ yên tâm đi, tôi biết gia đình cậu ấy hồi mới đến đây. Tuy hơi lười nhác nhưng khẳng định là người tốt. Biết đâu…

- Ý bác là có một ngày Quân sẽ thay đổi?

- Ừ, đời chẳng có gì là mãi mãi.

- Dạ. Cứ nghĩ vậy để có động lực mà cày.

Rồi bác để tôi làm một mình mà vào lo cơm chiều. Tôi cặm cụi với những nắm cỏ, chẳng bận tâm mặt trời đã khuất núi và gió chiều đã thấm lạnh. Đang làm thì nghe:

- Trời! Vợ tôi cắt cỏ còn nhanh hơn một cái máy!

Tôi thấy chồng, đang buồn lòng giận dỗi nên nở nụ cười không mặn không nhạt:

- Sao biết vợ đang ở đây?

- Thần giao cách cảm mà.

- Định đi ta tập nhưng ngang qua trường thì thấy xe vợ chứ gì?

- Không phải, tui thề là hôm nay tui định đi cắt cỏ với vợ, ai ngờ vợ trốn đi một mình. - Anh nói rồi giơ cái liềm ra trước mặt cười he he. – Vợ chỉ tui cắt cỏ với nghen?

Anh ngồi xuống, cắt cỏ như người ta cắt rau nêm. Tôi chẳng hy vọng sẽ được chồng giúp đỡ nhưng lòng vẫn vui. Thấy chồng trăn trở với đám cỏ trước mặt, tôi không nhịn được cười, nói:

- Thôi, công tử lại gom rồi nhận cỏ vô bao dùm tui đi!

Anh lại cười hi hi, nhìn tôi âu yếm:

- Vợ kiểu này, chồng nào hổng yêu cho được hả trời?

Tôi đỏ mặt, lời nói với ánh mắt nồng cháy làm tôi bồi hồi, cảm giác như lần đầu được nghe lời tỏ tình...

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/251871/mua-xuan-to-tinh-%E2%80%93-truyen-ngan-cua-bich-nhan.html