Mực nước ngầm đang giảm nhanh trên toàn thế giới
Theo nghiên cứu mới phân tích dựa trên hàng triệu phép đo mực nước ngầm từ 170.000 giếng ở hơn 40 quốc gia cho thấy nhiều nơi trên thế giới đang dần cạn kiệt nhanh chóng nguồn nước ngầm mà hàng tỷ người sử dụng để uống, tưới tiêu và phục vụ các mục đích sử dụng khác.
Theo các nhà nghiên cứu tham gia, đây là nghiên cứu đầu tiên tổng hợp những gì đang xảy ra với mực nước ngầm ở quy mô toàn cầu và sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của con người đối với nguồn tài nguyên ngầm quý giá này, thông qua việc sử dụng quá mức hoặc gián tiếp do thay đổi lượng mưa liên quan đến biến đổi khí hậu.
Nước ngầm, chứa trong các vết nứt và lỗ rỗng trong các khối đá có thể thấm được gọi là tầng ngậm nước, là nguồn sống cho con người, đặc biệt là ở những nơi trên thế giới khan hiếm lượng mưa và nước mặt, chẳng hạn như tây bắc Ấn Độ và tây nam Hoa Kỳ.
Việc giảm lượng nước ngầm có thể khiến người dân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nước ngọt để uống hoặc tưới cho cây trồng và có thể dẫn đến sụt lún đất.
“Nghiên cứu này được thúc đẩy bởi sự tò mò. Chúng tôi muốn hiểu rõ hơn về tình trạng nước ngầm toàn cầu bằng cách thực hiện hàng triệu phép đo mực nước ngầm” - đồng tác giả Debra Perrone, phó giáo sư tại Chương trình Nghiên cứu môi trường Santa Barbara của Đại học California cho biết trong một bản tin về nghiên cứu được công bố trên tạp chí tạp chí Nature vào ngày 24-1.
Các tác giả nhận thấy rằng mực nước ngầm đã giảm từ năm 2000 đến năm 2022 ở 71% trong số 1.693 hệ thống tầng chứa nước được đưa vào nghiên cứu, với mực nước ngầm giảm hơn 0,1 mét mỗi năm ở 36%, tương đương 617 hệ thống trong số đó.
Đồng tác giả nghiên cứu Scott Jasechko, phó giáo sư tại Trường Khoa học và quản lý môi trường Bren thuộc Đại học California, chia sẻ thêm tầng chứa nước Ascoy-Soplamo ở Tây Ban Nha có tốc độ suy giảm nhanh nhất trong dữ liệu họ tổng hợp - mức giảm trung bình là 2,95 mét mỗi năm.
Một số hệ thống tầng chứa nước ở Iran nằm trong số những hệ thống có tốc độ suy giảm nước ngầm nhanh nhất.
Nhóm nghiên cứu không thể thu thập dữ liệu từ phần lớn châu Phi, Nam Mỹ và Đông Nam Á vì thiếu giám sát, nhưng Jasechko cho biết nghiên cứu bao gồm các quốc gia diễn ra hầu hết việc bơm nước ngầm trên toàn cầu.
Nghiên cứu cũng nêu bật một số câu chuyện thành công ở Bangkok, bang Arizona và bang New Mexico, nơi nước ngầm đã bắt đầu phục hồi sau các biện pháp can thiệp để điều tiết việc sử dụng nước tốt hơn hoặc chuyển hướng nước để bổ sung cho các tầng ngậm nước bị cạn kiệt.
Jasechko thông tin qua emai với đài CNNl: “Tôi rất ấn tượng trước những chiến lược thông minh đã được áp dụng để giải quyết tình trạng cạn kiệt nước ngầm ở một số nơi, mặc dù những câu chuyện tốt này rất hiếm”.
Để hiểu liệu sự suy giảm trong thế kỷ 21 có đang gia tăng hay không, nhóm nghiên cứu cũng truy cập dữ liệu về mực nước ngầm từ năm 1980 đến năm 2000 đối với 542 tầng ngậm nước trong nghiên cứu.
Họ phát hiện ra rằng sự suy giảm mực nước ngầm đã tăng nhanh trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 đối với 30% số tầng ngậm nước đó, vượt xa mức suy giảm được ghi nhận từ năm 1980 đến năm 2000.
Nghiên cứu lưu ý: “Những trường hợp mực nước ngầm sụt giảm nhanh chóng này phổ biến hơn gấp đôi so với những gì người ta mong đợi từ những biến động ngẫu nhiên khi không có bất kỳ xu hướng hệ thống nào trong cả hai khoảng thời gian”.
Donald John MacAllister, một nhà thủy văn học tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết đây là một bộ dữ liệu thực sự “ấn tượng”, mặc dù có một số lỗ hổng.
Ông chia sẻ: “Tôi nghĩ thật công bằng khi nói rằng việc tổng hợp dữ liệu nước ngầm trên toàn cầu này chưa được thực hiện, chắc chắn ở quy mô này, ít nhất là theo hiểu biết của tôi trước đây. Nước ngầm là một nguồn tài nguyên cực kỳ quan trọng nhưng một trong những thách thức là… bởi vì chúng ta không thể nhìn thấy nó nên hầu hết mọi người đều không quan tâm đến nó. Thách thức của chúng tôi là phải liên tục cảnh báo cho các nhà hoạch định chính sách - rằng chúng ta có nguồn tài nguyên này mà chúng ta phải chăm sóc và chúng ta có thể sử dụng để xây dựng khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu”.