Mức phạt đối với hành vi đội mũ bảo hiểm kém chất lượng?
Đi xe máy, mô tô, xe máy điện… không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt nhưng nếu đội mà mũ kém chất lượng có bị xử lý không?
Đội mũ bảo hiểm kém chất lượng có bị phạt?
Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
3. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
l) Chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong Giấy đăng ký xe đối với loại xe có quy định về trọng tải thiết kế.
m) Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng gần.
n) Không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.
o) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
Trong quy định trên, pháp luật chỉ đưa ra mức phạt với hành vi không đội mũ bảo hiểm và không có quy định mức hình phạt đối với người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng. Do đó, việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng không bị coi là hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, người điều khiển mô tô, xe máy cần lưu ý sử dụng các sản phảm mũ bảo hiểm có chất lượng tốt.
Quy định quản lý chất lượng mũ bảo hiểm?
Theo Điều 4 Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT-BKHCN-BCT-BCA-BGTVT quy định về nguyên tắc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm như sau:
1. Mũ bảo hiểm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN, được gắn dấu hợp quy CR trên vỏ mũ và ghi nhãn mũ theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và quy định tại điểm 2.3 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN.
2. Mũ bảo hiểm chỉ được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN khi kiểu dáng đáp ứng yêu cầu quy định sau:
a) Mũ bảo hiểm có kiểu dáng theo hình 1 của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN.
b) Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN.
c) Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai cứng tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50 mm và góc nghiêng của lưỡi trai không được làm ảnh hưởng đến góc nhìn theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 2: 2008/BKHCN.
d) Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20 mm.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/muc-phat-doi-voi-hanh-vi-doi-mu-bao-hiem-kem-chat-luong-ar870776.html