Muốn chơi sân lớn phải đồng tâm

Theo Bộ Công thương, đến nay doanh nghiệp (DN) trong nước đã phải đối mặt với 189 vụ kiện phòng vệ thương mại. Riêng trong 5 năm gần đây đã có tới 91 vụ kiện. Các thị trường có vụ kiện nhiều nhất cũng là các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Australia, Canada, EU, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… Những mặt hàng bị nhắm đến nhiều nhất gồm: thép, dệt may, thủy hải sản, gỗ…

Đơn cử, Chính phủ Canada đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm thép chống ăn mòn xuất khẩu từ Việt Nam ở biên độ từ 36,3% - 91,8%. Tại thị trường Hoa Kỳ, sản phẩm cá tra, cá basa xuất khẩu của Việt Nam cũng bị áp mức thuế là 3,8% (mức thuế này sẽ còn dao động cao hơn, tùy thuộc từng doanh nghiệp và mức độ hợp tác với Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong quá trình điều tra).

Trước đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp mức thuế hơn 450% lên một số sản phẩm thép sản xuất tại Việt Nam. Hay như thị trường Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đang cạnh tranh mạnh với Việt Nam trong lĩnh vực dệt may thì đã áp dụng biện pháp phòng vệ đối với mặt hàng xơ sợi xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, biên độ áp thuế phá giá dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam là 34,81% - 72,56%...

Dấu hiệu để chính phủ các nước nhập khẩu nhận diện và bắt tay điều tra, tiến tới áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thường do có sự gia tăng đột biến kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng. Điển hình như vụ việc áp thuế phòng vệ thương mại lên mặt hàng thép tại thị trường Canada. Ngay khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực được 2 tháng (CPTPP ký kết vào 30-12-2018), sản phẩm sắt thép và chất dẻo nguyên liệu xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Canada tăng trưởng ở mức 153,69% và 354,06% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng nóng này buộc Chính phủ Canada tiến hành điều tra phòng vệ thương mại đối với 2 mặt hàng trên.

Còn với thị trường khác như Hoa Kỳ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, ASEAN… việc điều tra phòng vệ thương mại thường bắt nguồn từ những nghi hoặc về sự chuyển đổi nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Theo đó, các DN của các nước nhập khẩu sẽ theo dõi rất sát dịch chuyển đầu tư sản xuất của các DN ở các nước xuất khẩu. Và ngay khi họ chứng minh được đang có sự dịch chuyển đầu tư từ những nước xuất khẩu đã bị áp thuế phòng vệ thương mại sang Việt Nam nhằm đánh tráo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, họ sẽ đệ đơn kiện để điều tra phòng vệ thương mại. Trong trường hợp này, hàng xuất khẩu từ Việt Nam rất khó tránh khỏi bị áp mức thuế chống bán phá giá rất cao. Câu chuyện chuyển đổi sản xuất ngành thép Hàn Quốc, Đài Loan sang Việt Nam là một điển hình. Chính phủ Hoa Kỳ đánh thuế sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam là do doanh nghiệp Đài Loan và Hàn Quốc đã chuyển sản phẩm đã sản xuất sang Việt Nam. Sau đó, gia công giản đơn một số công đoạn rồi xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Chính vì thế mà sản phẩm thép Việt Nam cũng phải chịu họa lây.

Vừa qua, Bộ Công thương đã hỗ trợ các DN tham gia đấu tranh ngay từ khi có thông báo về các vụ kiện. Thế nhưng, để tránh nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, cần có sự gắn kết giữa các DN trong hiệp hội ngành nghề, nhằm phối hợp cung cấp bằng chứng, đấu tranh phản bác những bằng chứng do phía phòng vệ thương mại đưa ra. Đấu tranh trong các vụ kiện phòng vệ thương mại cần xác định là rất mất thời gian, nên DN cần có sự chuẩn bị trước về hồ sơ, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất và đặc biệt là tài chính để theo đuổi vụ kiện đến cùng. Ở trong nước, các DN và cơ quan chức năng phải bắt tay để phát hiện và xử lý những DN nước ngoài đầu tư nhằm đánh tráo nguồn gốc xuất xứ.

Ở góc độ nước nhập khẩu, phòng vệ thương mại không đơn thuần là hạn chế năng lực xuất khẩu của các nước khác mà là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ, phát triển nội lực DN trong nước. Còn với những nước xuất khẩu, việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cũng có nghĩa là bị đóng cửa thị trường với ngành hàng bị kiện. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hạn chế lớn nhất của DN trong nước là thiếu đồng tâm trong hoạt động sản xuất, phát triển thị trường và đấu tranh với vụ kiện phòng vệ thương mại. Vai trò kết nối các thành viên DN của các hiệp hội ngành nghề còn yếu. Và một khi yếu tố này chưa được khắc phục, sẽ không có DN nào có thể thắng ở các sân chơi xuất khẩu lớn, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở toang nhiều các cánh cửa thị trường xuất khẩu.

ÁI VÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/muon-choi-san-lon-phai-dong-tam-681429.html