'Muốn trở thành lãnh đạo, em có cần học giỏi Toán không?'
câu hỏi thú vị của một học sinh đặt ra cho nhà Toán học, Giáo sư Ngô Bảo Châu khiến nhiều người bất ngờ và thích thú.
Ngày 17-1, tại Trường ĐH Văn Lang (TP.HCM) đã diễn ra Ngày hội Toán học mở năm 2021 với chủ đề “Toán học cho một Thế giới tốt đẹp hơn - Mathematics for a Better World”.
Ngày hội do Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), Sở GD&ĐT TP.HCM và Hội Toán học TP.HCM tổ chức.
Ngày hội thu hút gần 3.000 HS-SV, giáo viên yêu thích Toán học trên địa bàn TP.HCM đến tham dự.
Tại đây, HS-SV, giáo viên được tham gia các hoạt động trải nghiệm bổ ích và hấp dẫn như tiếp cận các bài giảng đại chúng về “Mô phỏng số trong in 3D”; talkshow “Học Toán để làm gì?”; trải nghiệm “không gian Toán học kỳ thú” trưng bày những sản phẩm, mô hình STEM – ROBOT, tương tác công nghệ in 3D, CNC, khu lắp ráp 3D, trải nghiệm công nghệ có tùy biến… do học sinh nghiên cứu và thực hiện…
Đặc biệt, các em được giao lưu trực tuyến với nhà toán học, GS. Ngô Bảo Châu về ứng dụng toán học trong thực tiễn mới của thời đại 4.0.
Với nhiều câu hỏi đặt ra của các em và trả lời từ GS Ngô Bảo Châu, nhiều nội dung thú vị trong việc học Toán cũng như đặc thù môn học này được gợi mở hơn.
Như một HS của Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đặt câu hỏi rằng: “Việc học giỏi môn Toán có gì khác so với các môn học khác?”
Với câu hỏi này, theo GS Ngô Bảo Châu, việc học giỏi môn Toán không có gì khác so với các môn khác. Tuy nhiên, với đặc thù của môn Toán thiên về sự suy diễn chính xác và hợp lí. Còn các môn học khác chủ yếu là ở mức hợp lí và gần đúng thôi.
“Người học giỏi môn Toán sẽ có lợi thế tính toán, phân biệt đâu là suy diễn chính xác nên họ sẽ tỉnh táo và kỹ lưỡng hơn trong công việc xã hội” – GS Châu nói..
Tương tự, một học sinh khác đặt câu hỏi rằng: “Trong môn Toán, kiến thức nào cần thiết nhất để thích ứng trong cuộc sống công nghệ số hiện nay?”.
Với câu hỏi này, GS Châu cho rằng, trong chuyển đổi số, toán học giữ vai trò gần như chủ chốt. Trong đó, không phải lĩnh vực nào của toán cũng quan trọng nhưng ở mỗi lĩnh vực sẽ liên quan đến những vấn đề của Toán. Như Toán học thống kê và xác xuất có vai trò quan trọng trong trí tuệ nhân tạo, nhiều thuật toán sẽ liên quan đến an toàn thông tin và khoa học về mật mã...
Thú vị nhất là câu hỏi của học sinh Huỳnh Thị Thanh Thảo rằng: “Nếu em ước mơ trở thành một lãnh đạo như Chủ tịch nước hay Thủ tướng thì em có cần học giỏi Toán không?”
Theo GS Châu, để trở thành lãnh đạo, họ cần nhiều tố chất quan trọng chứ không chỉ là Toán. Ở Việt Nam, từng có nhiều lãnh đạo nhà nước hoặc doanh nghiệp đều xuất thân từ những người giỏi Toán, là học sinh chuyên Toán như nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang ...
Theo GS Châu, một người lãnh đạo nếu có thế mạnh Toán học sẽ hỗ trợ họ phần nào đó trong công việc. Như có những người có tư duy về Toán học, suy luận phân tích, đánh giá thông tin giúp họ có những quyết định đầu tư chính xác.
Từ những chia sẻ này, GS. Ngô Bảo Châu cũng đưa ra góp ý cho các bạn trẻ Việt Nam và cả thầy cô dạy Toán rằng, đừng dạy theo công thức và phải luôn học tập nâng cao kiến thức. Việc hay nhất của môn Toán không phải ở việc các bạn học thuộc công thức và giải được phương trình, mà là ở việc chúng ta tìm hiểu lý do vì sao có thể giải được theo công thức như vậy.
Ngoài ra, trong khuôn khổ sự kiện, Trường ĐH Văn Lang cũng chính thức khánh thành phòng thực tế ảo - AR/VR Lab để phục vụ sinh viên, giảng viên đào tạo kỹ năng số. Với phòng này, thầy và trò sẽ được làm quen với phần mềm công nghệ hiện đại, ứng dụng vào công việc chuyên môn trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc – Xây dựng – Nội thất, Kỹ thuật công nghệ, chăm sóc sức khỏe,...
Cùng ngày, cũng tại Trường ĐH Văn Lang, các học sinh, sinh viên đại học cũng được tham dự Ngày hội thể thao Trí tuệ Văn Lang năm 2021.
Tại đây, các em tham gia tranh tài ở các hạng mục thi đấu cờ vua, cờ tướng, cờ vây, xoay Rubik tốc độ… Hoạt động này có sự tham dự trực tuyến của kỳ thủ Lê Quang Liêm cùng gần 1.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. HCM.