Mứt xồn xên của má

Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu từ đâu có cái từ “xồn xên” mà má tôi gọi cho một món mứt mà bà làm ngày ấy, cách đây đã 30-40 năm rồi. Má tôi không giải thích được, bà chỉ nói nghe những lớp người trước gọi như thế thành quen. Mà tôi cũng không rõ gọi món mứt này là “xồn xên”, “xồn xênh”, “xồn sên” hay gì gì nữa cho chính xác. Cái từ “xồn xên” tôi ghi ra là theo phát âm của người ở làng quê tôi.

Vậy “xồn xên” là loại mứt gì? Tôi nhớ hồi ấy rất nhiều người ở xa, làm cùng cơ quan của ba tôi, mỗi khi đến nhà tôi chúc Tết, đều rất mê cái món “xồn xên” do má tôi làm. Tết thời ấy, rim mứt được làm tại nhà. Hầu như nhà nào cũng làm rim dừa, rim bí, rim gừng… nhưng không nhiều nhà làm mứt hay rim “xồn xên” như nhà tôi.

Khi cắt bí, gừng, cà rốt, đu đủ để làm rim, má tôi tận dụng “rẻo” của các loại củ, trái này và xắt thành cọng nhỏ. Trong bốn loại củ quả này, nguyên liệu nhiều nhất để làm “xồn xên” chính là bí đao, còn ít nhất là gừng. Những cọng củ quả này được bỏ vào chảo nước đường bắc trên hỏa lò có lửa than để nhỏ, rồi trộn đều đến khi chúng “ngậm” đủ đường, khô quánh dần thì nhấc chảo xuống, để nguội một thời gian ngắn.

Tiếp đó, dùng loại khuôn gỗ hình chữ nhật để đóng cốm hộc, bỏ mứt này vào và “dện” nhẹ để chúng kết thành một khối mứt dày khoảng 3cm, dài 20cm và rộng 5cm. Bởi vậy, má tôi cũng gọi loại mứt “xồn xên” này là rim hộc, chắc có lẽ là để bớt đi chút quê mùa mà cũng có thể là để khách dễ nhớ hơn.

Những hộc mứt “xồn xên” được lót dưới bằng giấy báo, để trên các giần, sàng và đem phơi nắng tháng Chạp cho khô dần. Để đãi khách, má tôi dùng con dao nhỏ, xắt hộc mứt thành những khối vuông nhỏ 2-3cm. Ăn miếng mứt “xồn xên”, cảm nhận được tổng hợp cái giòn rụm của bí đao, đu đủ, cà rốt, mùi thơm lừng và vị cay cay của gừng, vị ngọt lịm của đường cát trắng, rồi nhấp ngụm trà nóng, khách như “thấm” với hương vị Tết làng quê…

Lại trở về với từ “xồn xên”. Ban đầu tôi nghĩ chữ “xên” chắc là cách gọi chệch đi của từ “sên”, động từ chỉ cách làm rim mứt, nhưng chữ “xồn” ở đây nghĩa gì, thì không thể lý giải nổi. Rồi tôi lại nghĩ hay “xồn xên” là biến âm của “xông xênh”, kiểu như loại mứt này nó không có khuôn mẫu, chẳng ràng buộc gì cả, một loại mứt “thoải mái” chăng? Nhưng nghĩ kiểu nào cũng không biết là đúng hay sai, tôi chỉ biết món mứt “xồn xên” má tôi làm là một “đặc sản” Tết trong ngôi nhà nhỏ của tôi ngày ấy.

Má tôi giờ đã ngoài bảy mươi, từ lâu cũng không làm rim mứt, bánh trái… để đón Tết như thời trước nữa bởi trào lưu chung mười mấy năm qua của thời công nghiệp hóa, đô thị hóa ào ạt, cần gì cứ ra chợ hay siêu thị là có tất. Quả bánh mứt Tết trong nhà nào cũng na ná nhau, chỉ là để trưng cho khách nhìn qua hời hợt chứ không phải để thưởng thức nữa. Nhưng những ngày sắp Tết năm nay, khi chúng tôi nhắc lại chuyện làm rim mứt ngày xưa, má tôi dường như sống lại những kỷ niệm của thời Tết khó khăn nhưng độc đáo, thi vị. Bà bảo vợ và em dâu tôi ra chợ, mua bí đao, cà rốt, đu đủ, gừng về để bà “trổ tài” làm mứt “xồn xên” đãi khách.

DUY THANH

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/234180/mut-xon-xen-cua-ma.html