Mới đây đã xuất hiện nhiều thông tin cho biết Iraq dự định mua sắm một tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến S-400 Triumf do Nga sản xuất để bảo vệ chắc bầu trời của mình.
Sở dĩ Baghdad quyết định như trên là bởi các hành động từ phía Mỹ mà họ cáo buộc là vi phạm rất nghiêm trọng chủ quyền đất nước.
Điển hình chính là vụ không kích do máy bay không người lái Mỹ thực hiện để ám sát Thiếu tướng Qassem Suleimani - Tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Nếu thương vụ được tiến hành, với S-400, quân đội Iraq có thể tuyên bố lập vùng cấm bay và bắn hạ chiến đấu cơ của Mỹ nếu Washington tiếp tục phớt lờ mọi cảnh báo từ chính quyền trung ương Baghdad.
Ngoài ra, tổ hợp phòng không tối tân này còn bảo vệ họ trước một cuộc tấn công tên lửa tiềm tàng từ những lực lượng nước ngoài thù địch.
Có thông tin cho rằng do giá thành của S-400 Triumf quá cao nên Iraq có thể sẽ đặt mua phiên bản nâng cấp của S-300 là S-300PMU-2 Favorit, nhất là khi tính năng kỹ chiến thuật của tổ hợp phòng không này chẳng thua kém S-400 là bao.
Tuy nhiên ý định của Iraq đã khiến Washington không bằng lòng, Mỹ đe dọa sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt theo Đạo luật CAATSA lên Baghdad như đối với trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ.
Đây thực sự là tin xấu khi Iraq còn phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ, cả về kinh tế lẫn quốc phòng, nếu bị Mỹ từ chối cung cấp phụ tùng thì nhiều vũ khí tối tân của Iraq sẽ trở thành đống sắt vụn.
"Mua S-400 có khả năng trở thành một nguyên nhân của các lệnh trừng phạt, vì vậy chúng tôi khuyên đối tác của mình không thực hiện giao dịch đó", ông Joey Hood - Phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Trung Đông cho biết.
Hiện tại chính phủ Iraq vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức trước thông tin Mỹ có thể sẽ áp đặt biện pháp cấm vận lên quốc gia này.
Theo đánh giá từ giới phân tích, chắc chắn Iraq đã lường trước phản ứng của Mỹ, họ đã có sẵn phương án để giảm thiểu tối đa những bất lợi.
Nhưng cũng chưa thể loại trừ khả năng dưới áp lực cực lớn của Mỹ, Iraq sẽ từ bỏ hợp đồng mua sắm S-400 như trường hợp Saudi Arabia hay Qatar.
Rõ ràng so sánh lợi hại thì những lợi ích mà tổ hợp phòng không S-400 Triumf mang lại không bù đắp nổi thiệt hại mà lệnh cấm vận gây ra.
Việc Iraq hỏi mua S-400 còn được nhận xét chỉ đơn giản là biện pháp gây áp lực lên Mỹ nhằm khiến Washington hạn chế những hành động vi phạm chủ quyền của họ mà thôi.
Bạch Dương